Các chủ doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ được kỳ vọng sử dụng ngay khoản vay này để nhân viên không bị mất việc vì đại dịch. Nhưng hiện tại chẳng có mấy việc cho nhân viên của Giaimo làm. Các nhà hàng của ông tại Virginia, Maryland và District đều phải ngừng dịch vụ dùng bữa tại nhà hàng cho đến khi giới chức địa phương cho phép họ mở lại.
"Được cấp tiền vay đã đủ khó rồi. Dùng nó còn khó hơn", Giaimo cho biết. Ông đang vận động hành lang với các nghị sĩ để có các điều khoản vay linh hoạt hơn.
Rất nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ cũng gặp khó như ông. Quốc hội Mỹ tháng trước thông qua Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) trị giá 349 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Họ cũng đang cân nhắc bổ sung 250 tỷ USD vào gói này.
Các khoản vay lãi suất thấp này có mục tiêu bảo vệ doanh nghiệp có chưa đến 500 nhân viên, và ngăn người lao động đổ đến các văn phòng đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Dù vậy, viện triển khai gói này đến nay vẫn gặp nhiều thách thức.
Các ngân hàng – với nhiệm vụ giải ngân – thì mơ hồ về quy định, khiến việc cho vay chậm trễ. Các chủ doanh nghiệp nhỏ thì gặp khó trong việc nộp đơn. Còn những người được duyệt vay rồi thì lưỡng lự không biết nên dùng tiền như thế nào.
Cục quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA) - cơ quan giám sát thực thi chương trình này, cho biết tính đến hôm qua (10/4), hơn 600.000 khoản vay – với tổng cộng 161 tỷ USD đã được phê duyệt. Dù vậy, họ không tiết lộ bao nhiêu được giải ngân.
Theo Liên đoàn Doanh nghiệp độc lập Mỹ, khoảng 70% trong 900 công ty được khảo sát cho biết đã nộp đơn theo chương trình PPP. Trong số đó, ba phần tư nộp đơn thành công, còn lại gặp vấn đề. Ví dụ, một số khó tìm ngân hàng chấp nhận đơn xin cấp vốn vay, vì nhiều nhà băng chỉ nhận đơn của khách hàng hiện tại.
Các ngân hàng cho biết SBA và Bộ Tài chính chưa nói rõ chương trình sẽ hoạt động thế nào, khiến họ khó chốt các điều khoản cho vay. Hôm thứ năm, nhiều hiệp hội ngân hàng Mỹ đã gửi thư đến Bộ Tài chính Mỹ và SBA để kiến nghị việc này.
Patrick Ryan – Giám đốc First Bank cho biết từ tuần tới, các doanh nghiệp nhỏ Mỹ được duyệt vay có thể nhận được tiền. "Tôi chỉ mong mọi người không quá kỳ vọng vào việc này. Nó sẽ không thể nhanh như là chúng tôi gạt công tắc và tiền sẽ bay ra ngoài được đâu", ông nói.
Trên Washington Post, một số doanh nghiệp cho biết họ đã nộp giấy tờ và đang đợi được chấp thuận. "Điện thoại của tôi luôn bật. Đi tắm cũng để cửa mở nữa. Tôi không muốn lỡ cuộc gọi nào", Alison Cayne – Giám đốc trường dạy nấu ăn Haven’s Kitchen tại Manhattan cho biết.
Cayne đang cố gắng không sa thải nhân viên, mà chỉ giảm giờ làm và giảm lương. Cayne hy vọng dùng một phần số tiền này để bù lại lương cho họ.
Melissa Wirt – nhà sáng lập một hãng bán lẻ thời trang online ở Richmond cũng không muốn sa thải 35 nhân viên của mình. Họ hiện chủ yếu làm việc tại nhà. "Số tiền này sẽ giúp tôi không phải lo ngại về việc nhân viên của mình có được trả lương hay không", bà nói.
Các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể không phải hoàn trả khoản vay nếu dùng hầu hết số tiền để giữ chân và tuyển lại nhân viên. Theo đó, họ sẽ phải chi ít nhất 75% số tiền vào mục đích này trong vòng 8 tuần kể từ khi được nhận. Số còn lại sẽ phải chi vào tiền thuê mặt bằng, trả lãi hoặc điện nước gas. Còn nếu không, người nhận sẽ phải bắt đầu trả lại sau 6 tháng.
Với Giaimo, đây là một vấn đề. Trong 30 năm kinh doanh, ông chưa bao giờ sa thải nhân viên. Nhưng vì đại dịch, các cửa hàng của ông phải đóng cửa, khiến Giaimo phải tạm cho nghỉ việc 1.600 trong số 1.800 nhân viên (một số chuỗi nhà hàng vẫn được phép nhận khoản vay dù có hơn 500 nhân viên). Hầu hết họ đang nhận trợ cấp thất nghiệp.
Giaimo vẫn duy trì đội quản lý và các nhân viên cốt cán để nhận đơn và giao đồ ăn. Ông đã nộp đơn xin vay 9,5 triệu USD và đang chờ được duyệt. Tuy nhiên, ông cho biết việc tuyển dụng lại ngay lúc này là bất khả thi. "Có việc gì cho họ làm bây giờ đâu", ông nói, "Nếu dùng hết số tiền lúc này, khi cửa mở hoàn toàn trở lại chúng tôi sẽ nhẵn túi".
Vì thế, Giaimo muốn quy định thay đổi, để các công ty vẫn được miễn hoàn trả khoản vay nếu họ tuyển lại nhân viên khi mở cửa trở lại. Lúc này, ông muốn dùng số tiền đó trả cho các nhân viên hiện tại và các nhà cung cấp. Mà trả cho nhà cung cấp lại không nằm trong mục đích được phép của khoản vay.
Nhiều chủ doanh nghiệp khác cũng đồng ý với Giaimo. Jerry Akers điều hành một chuỗi bán ghế salon tại Iowa và Nebraska. Anh đã cho hầu hết nhân viên nghỉ không lương. Akers đã được duyệt vay 1 triệu USD, nhưng cũng dự tính chỉ tuyển lại nhân viên đến khi nào các cửa hàng được mở trở lại. Vì khi đó, anh sẽ cần vốn để tái khởi động việc kinh doanh.
"Khách hàng cũng cần thời gian để quay lại nữa. Anh sẽ phải tốn chi phí nhân công nhiều hơn, vì mọi người chưa chắc thấy thoải mái khi ra ngoài ngay đâu. Doanh thu khi đó có khi còn chẳng đủ bù chi phí ấy chứ", anh giải thích.
Cortney Keene – chủ một phòng khám cho trẻ tự kỷ tại Vermont cũng đã cho nhân viên nghỉ không lương. Bà nộp đơn xin vay theo gói PPP vài ngày trước và được chấp thuận đầu tháng 5 mới giải ngân. "Đến đầu tháng 5, nhân viên của tôi mới quay lại. Nên giờ chúng tôi chưa muốn nhận tiền đâu", bà nói.
Hà Thu (theo Washington Post)