Hôm qua, hơn 500 công ty trong đó có Walmart, Target, Macy’s cùng 140 tổ chức đại hiện cho các nhà sản xuất, bản lẻ, năng lượng và các lĩnh vực khác đã ký một lá thư gửi Tổng thống Mỹ yêu cầu ông không áp thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc. Đồng thời, họ cũng kêu gọi ông Trump quay lại bàn đàm phán để thực hiện một thỏa thuận với Bắc Kinh.
"Chúng tôi vẫn lo ngại về sự leo thang của thuế quan ăn miếng trả miếng. Chúng tôi hiểu rằng thuế quan bổ sung sẽ ảnh hưởng trực tiếp đáng kể, tiêu cực và dài hạn đến các doanh nghiệp, nông dân, gia đình và nền kinh tế Mỹ ", các doanh nghiệp viết trong thư.
Nhóm này cũng cho biết ủng hộ các nỗ lực của ông Trump để các đối tác thương mại có trách nhiệm, nhưng vẫn cảnh báo cả hai bên đều sẽ mất mát trong một cuộc chiến thương mại leo thang.
Trước đó, hồi tháng 2, nhóm doanh nghiệp trên cũng đưa ra một báo cáo cho thấy, thuế quan của Washington và sự trả đũa của Trung Quốc sẽ làm Mỹ mất 2 triệu việc làm, tăng chi trung bình của các gia đình khoảng 2.300 USD và làm giảm GDP Mỹ.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Tuy nhiên, đầu tháng này, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục dọa tăng thuế với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc từ đồ chơi cho đến điện thoại.
Tổng thống Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ tiếp tục tăng thuế nếu Chủ tịch Tập Cận Bình không gặp ông tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản cuối tháng này. Hôm qua, cố vấn kinh tế Larry Kudlow cho biết, Trump vẫn chờ ông Tập phản hồi về cuộc gặp này và chưa ấn định thời hạn quay lại với các cuộc đàm phán thương mại.
Tú Anh (theo Bloomberg)