Tại buổi họp giữa lãnh đạo thành phố với doanh nhân trẻ, cá nhân khởi nghiệp ở TP HCM chiều 19/7, ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân trẻ cho biết, mặc dù 6 tháng đầu năm thành phố ghi nhận 16.844 doanh nghiệp mới được thành lập với vốn đăng ký 144.568 tỷ đồng, tăng trưởng 18,2% về số lượng và 54,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, nhưng số lượng 11.726 doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể chiếm 69,6 đang là vấn đề đáng suy ngẫm về sự phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, xu hướng khởi nghiệp đang tăng và để hoạt động tốt các doanh nghiệp trẻ cần quá trình hội nhập và họ đang gặp khá nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy, các đối tượng này cần được thành phố quan tâm và khuyến khích tinh thần.
Để giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp trẻ phát triển, ông Phong cho biết, Hội doanh nhân trẻ TP HCM đề xuất cùng thành phố hỗ trợ 1.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo, phát triển đồng hành 300 doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư cho 100 doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng.
Cũng đề nghị thành phố quan tâm đến khởi nghiệp, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) cho rằng, thành phố cần hỗ trợ tài chính cho hoạt động khởi nghiệp, đồng thời, hiệp hội xin thành phố bố trí mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, ông Dương Công Đức, Giám đốc Công ty Vietphone đề nghị lãnh đạo thành phố nên quan tâm nhiều hơn đến các mô hình khởi nghiệp cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, nếu lãnh đạo tham dự các buổi lễ, họp tại các công ty lớn nhiều thì cũng nên xuất hiện và tham dự các buổi họp của doanh nghiệp vừa và nhỏ một vài lần để khích lệ tinh thần và góp ý để doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Ngoài ra, ông Đức cũng đề nghị, thành phố nên xây dựng gói tín dụng giống gói 30.000 tỷ để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ, đồng thời, đưa ra quy định tiêu chí cụ thể để có được hỗ trợ. Về mặt bằng, ông Đức nêu thành phố cần có một khu công nghiệp dành riêng cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Không đề cập thêm vấn đề vốn và đất, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nam Thái Sơn cho biết nên khuyến khích và định hướng doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp với công nghệ phụ trợ vì nhóm ngành này đa phần bị bỏ ngỏ và ngay cả doanh nghiệp lớn cũng không tham gia. Do đó, các bạn trẻ khởi nghiệp nên được định hướng khởi nghiệp gắn liền công nghiệp phụ trợ, gắn liền với các mục tiêu của thành phố như phát triển tàu điện ngầm, đường sá... Nếu phát triển được công nghiệp phụ trợ sẽ phải bớt phụ thuộc mua linh kiện từ Trung Quốc cho các dự án này.
Cho rằng cần phân biệt rõ doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Trần Bằng Việt, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Đông A phân tích, để được đánh giá là doanh nghiệp khởi nghiệp đáng được đầu tư thì mô doanh nghiệp đó phải có tính mới, chỉ khi có sự khác biệt mới thì đơn vị mới có sự gia tăng và tồn tại lâu dài. Thứ 2, doanh nghiệp khởi nghiệp cần tạo ra sản phẩm phù hợp và có tính bền vững. Còn nếu sản phẩm y chang hàng hóa của các "ông lớn" trong ngành thì không nên khởi nghiệp. Thứ 3 là doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải có nền tảng tốt, làm sao cho khách hàng hài lòng. Do vậy, để xác định đúng đối tượng được hỗ trợ thì thành phố cần tìm hiểu kỹ lưỡng về mô hình khởi nghiệp đó và chỉ hỗ trợ đơn vị có sản phẩm cụ thể. Trong số doanh nghiệp được hỗ trợ nên có sự ưu tiên nhưng đơn vị tạo ra giá trị hơn là dịch chuyển giá trị.
Trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất cơ chế cho hoạt động khởi nghiệp trong thời gian tới thì một số lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý cần có thay đổi về chính sách và thủ tục pháp lý. Đồng thời, Nhà nước cần gọn nhẹ các thủ tục cho các quỹ đầu tư ngoại khi đổ vốn vào các start-up Việt.
Ngoài ra, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đầu tư ra nước ngoài thì việc xin giấy phép cần được rút ngắn. Chẳng hạn như Singapore việc xin giấy phép kinh doanh chỉ trong 3 ngày còn Việt Nam quy định 15 ngày nhưng tới 90 ngày vẫn chưa được cấp.
Đáp lại những đề xuất, phản ánh của doanh nhân trẻ và lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, thành phố chấp nhận hết các đề nghị của doanh nghiệp. Mong muốn của thành phố là phấn đấu đến 2020 có 500.000 doanh nghiệp. Tới nay, số lượng đăng ký của Sở Kế hoạch và Đầu tư là 279.000 doanh nghiệp.
Thành phố đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và tập trung vào bốn ngành mũi nhọn là Điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, hóa chất, chế biến lương thực thực phẩm. Ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được chú trọng đặc biệt. Thế nhưng, ngành sản xuất của TP HCM vẫn còn nặng tính gia công và giá trị gia tăng chưa cao. Do đó, thành phố sẽ phải phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao và có tính bền vững.
Thi Hà