Mức tăng trung bình 7,3% của lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp vào năm 2017, đã được sự đồng thuận của các bên cao nhất từ trước tới nay.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội, cho biết như trên tại phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp ưu đãi người có công, chiều 7/9.
Ông Huân cũng cho hay, 2016 là năm đầu tiên thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam là 32,5%, ở mức cao. Trong đó, người lao động đóng 10,5% và người sử dụng lao động đóng 22%. Cách đóng mới khiến chi phí tăng cao, nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị giảm mức đóng từ 22% xuống còn 18%. Hội đồng tiền lương quốc gia đã rà soát các quỹ bảo hiểm ngắn hạn như thất nghiệp, tai nạn lao động để giảm tỷ lệ đóng góp cho doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, đến 2020 phải có 50% người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, nhưng thực hiện khó khăn vì đến nay mới đạt 23%, với số lượng khoảng 12,5 triệu người.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Lao động cùng với các bộ ngành liên quan cần đánh giá mức đóng, hưởng bảo hiểm xã hội cho phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người sử dụng lao động với người lao động. Bộ Lao động cũng được yêu cầu hoàn tất lấy ý kiến về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, trình Thủ tướng ký ban hành trong tháng 9.
Nếu áp dụng mức tăng 7,3% nêu trên, mức tăng đối với lao động ở các địa phương thuộc vùng I là 250.000 đồng, vùng II tăng 220.000 đồng, vùng III tăng 200.000 đồng và vùng IV là 180.000 đồng.
Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, mức đóng BHXH thay đổi từ đầu năm 2016. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017 đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. |
Thái Mạc