Anh Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), cho biết sau gần hai tháng đưa 1.500 công nhân vào nhà máy làm việc, nhiều lao động có nhu cầu "xả trại".
"Chúng tôi đã bình yên trong mòn mỏi được gần hai tháng nhưng nhiều công nhân cũng có hoàn cảnh của riêng họ và không thể ngăn cản khi mỗi người có nỗi nhớ nhà và sự lo lắng cho người thân đang ở bên ngoài", anh Thiện cho biết.
Công ty đã đồng ý cho lao động về thăm nhà, tuy nhiên ngày 16/8, khi xét nghiệm hơn 100 lao động trở lại nhà máy làm việc đã phát hiện 10 người dương tính nCoV. Họ lập tức được đưa đi cách ly và các ngành chức năng đang gấp rút điều tra dịch tễ. Điều này đồng nghĩa dây chuyền sản xuất gạo của Cỏ May đã thiếu lao động lại càng căng thẳng.
Ông Trương Minh Tâm, quyền Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK Tân Phát, nhà máy tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, đang "đau đầu" về bài toán lao động khi thực hiện "3 tại chỗ" - ăn, ở, sản xuất tại nhà máy và sắp tới là "bốn tại chỗ" (thêm tổ y tế tại nhà máy). Trước khi dịch bùng phát, công ty đã ký kết hợp đồng xuất khẩu 20.000 tấn gạo và cần nhiều lao động để hoàn thành đơn hàng. Tuy nhiên, do yêu cầu giãn cách xã hội nên số lao động đã giảm 50% còn gần 80 người.
Hiện tại, công nhân nghỉ dần chỉ còn hơn 20 người. Theo ông Tâm, lao động mảng lúa gạo đa phần làm theo thời vụ. Họ làm ở nhà máy nhưng vẫn còn người nhà, ruộng vườn phải chăm sóc.
"Bắt ở tại nhà máy hơn một tháng qua ai cũng bứt rứt đòi nghỉ nếu duy trì nữa có khi họ sẽ nghỉ hết", ông Tâm phân trần dù đã dùng nhiều biện pháp như tăng thu nhập, chăm lo đời sống tốt hơn nhưng vẫn không giữ được lao động. Trước dịch, nếu hoạt động hết công suất doanh nghiệp này có thể sấy, xay xát, lau bóng 1.000 - 2.000 tấn gạo một ngày.
Sau khi hoàn thành các đơn đặt hàng, phía Công ty TNHH MTV XNK Tân Phát đang lưỡng lự để ký kết các hợp đồng mới vì có quá nhiều rủi ro, không chỉ thiếu lao động mà chi phí logistis cũng tăng khoảng 200 đồng một kg, tức gần 2% giá bán gạo mà vận chuyển khó khăn.
Bà Huỳnh Thị Biểm, Trưởng phòng hành chính nhân sự, Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long tại Đồng Tháp, cho biết khó khăn do thiếu lao động hầu hết doanh nghiệp lúa gạo đều gặp phải trong lúc này. Nhất là tâm lý công nhân nhớ nhà, lo cho gia đình và không quen với nếp sống trong khuôn khổ nhà máy. Sau gần một tháng ở tại chỗ, nhiều lao động bị đuối sức và một số đã xin nghỉ vì phải chăm mẹ già và vợ đang bầu bì.
Bà Biểm kiến nghị chính quyền địa phương cần linh hoạt tạo điều kiện cho doanh nghiệp được luân phiên người lao động, không nên rập khuôn bắt buộc công nhân ở lại thời gian quá dài.
Một khó khăn khác là khâu xét nghiệm vì mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu. Chủ trương bắt buộc xét nghiệm định kỳ 20-30% bằng phương pháp test nhanh, thậm chí RT-PCR nhưng khi đăng ký thì phải chờ vì y tế địa phương đang thiếu nguồn lực. Thậm chí cả huyện chưa có đơn vị nào xét nghiệm RT-PCR. Nhà máy Tân Long ở Đồng Tháp đã đăng ký 164 trên 395 lao động thực hiện "3 tại chỗ" và sắp tới phải bổ sung thêm 43 lao động khâu bốc xếp.
Chiều 16/8, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp cùng các sở ngành đã đến thăm và làm việc với các doanh nghiệp lúa gạo. Ngoài nhắc nhở một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện "bốn tại chỗ" ông cũng trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắt cho doanh nghiệp.
Hiện tại, Đồng Tháp có 28 trên 182 doanh nghiệp lương thực còn hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ", chỉ chiếm 15%. Mỗi tháng công suất hoạt động thực tế là hơn 19.000 tấn lúa. Hiện tại lúa Hè Thu ở Đồng Tháp đã thu hoạch gần dứt điểm và chuẩn bị thu hoạch lúa vụ 3 sớm.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết đã đề xuất nhiều giải pháp trong đó ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân trong các nhà máy, nâng công suất để đáp ứng nhu cầu xay xát sản lượng gạo trong tháng 8. Đồng thời, Sở tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động có thể hoạt động trở lại.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết Bộ đã lập Tổ Công tác thường trực ở phía Nam do một Thứ trưởng phụ trách nhằm nắm bắt thông tin kịp thời tình hình thu hoạch, tiêu thụ nông sản nói chung, trong đó có lúa gạo; đồng thời nhận thông tin từ các doanh nghiệp để phối hợp với các địa phương tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp.
Tổ công tác trao đổi với lãnh đạo các địa phương trong vùng vận dụng các quy định phòng chống Covid-19 linh hoạt, sát thực tế, đảm bảo có đủ nhân công thu hoạch, hỗ trợ thương lái từ địa phương này đến các địa phương khác thu mua lúa, hỗ trợ các doanh nghiệp xay xát, chế biến được tiếp tục hoạt động khi đáp ứng đủ điều kiện "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến" - người lao động đi một đường từ chỗ ở đến nhà máy. Vụ Hè Thu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống khoảng 1,5 triệu há lúa, hiện nay đã thu hoạch hơn 80% diện tích.
Về tín dụng Bộ đã kiến nghị và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chỉ đạo hệ thống Ngân hàng thương mại mở rộng hạn mức tín dụng để giúp doanh nghiệp mạnh dạn tham gia mua tạm trữ cho bà con nông dân.
Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND An Giang cho biết sẽ tập trung xét nghiệm, sàng lọc để tạo ra các vùng xanh. Người lao động tại đây sẽ được đi làm theo mô hình "một cung đường, hai điểm đến" giảm tải áp lực cho doanh nghiệp.
Riêng các khu vực "vùng vàng" phải thực hiện "ba tại chỗ" thì được ưu tiên lao động để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp lương thực.
Ngọc Tài