Ông Nguyễn Văn Quảng, đại diện Công ty Intertour Việt Nam cho biết đã có thâm niên 30 năm làm du lịch và có thời gian dài đưa khách du lịch đến Đà Lạt. Nhưng theo ông, hiện nay có những điểm du lịch vốn nổi tiếng của Đà Lạt như hồ Than Thở, thác Cam Ly..., đã bị nhiều đơn vị kinh doanh du lịch không đưa vào chương trình tham quan khi đến Đà Lạt vì lý do xuống cấp nghiêm trọng, không được đầu tư tôn tạo.
Trong khi đó, ông Lương Duy Ngân, Phó chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Hà Nội- UNESCO lại rất quan tâm về vấn đề an toàn cho du khách và hướng dẫn viên khi đến Đà Lạt. Đã có một số lái xe và hướng dẫn viên của các công ty du lịch phía Bắc bị hành hung khi đến đây. Ngoài ra, ông Ngân cho rằng, Đà Lạt có một khu chợ đêm hấp dẫn, ấn tượng với khách du lịch nhưng địa phương cần quản lý chặt hơn về an ninh trật tự và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tổng thư ký Diễn đàn du lịch Việt Nam, bà Vũ Thị Thanh Nhạn thì cho rằng, Đà Lạt có hồ Xuân Hương rất thơ mộng và thoáng rộng nằm ngay trung tâm thành phố, địa phương nên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí hoặc các hoạt động văn hóa, nghệ thuật thường xuyên hơn và hướng đến nhiều độ tuổi. Đà Lạt cũng cần phát triển thêm các khu du lịch, loại hình du lịch, mở rộng bán kính các điểm du lịch ra xa trung tâm thành phố.
Ông Đoàn Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, những năm gần đây hoạt động liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương với nhau và có thêm nhiều đường bay mới đã góp phần giúp du lịch Đà Lạt tăng trưởng đáng kể. Tỉnh Lâm Đồng sẽ quyết tâm đổi mới ngành du lịch và luôn cần sự hợp tác, cảm thông, đồng hành của các công ty du lịch lữ hành trong cả nước.
Năm 2013, khoảng 4,3 triệu lượt khách đã đến Đà Lạt tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, trong đó hơn 240.000 lượt khách quốc tế.
Quốc Dũng