Để bảo vệ môi trường, các nhà sản xuất, nhập khẩu có chất thải gây ô nhiễm sẽ phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Theo quy định, phần đóng góp của doanh nghiệp gồm 2 loại: đóng góp để xử lý chất thải và để tái chế bao bì, sản phẩm. Ví dụ, với kẹo cao su, tã bỉm, băng vệ sinh, pin dùng một lần..., mức đóng để xử lý chất thải là 1% doanh thu của sản phẩm với trường hợp sản xuất hoặc 1% giá trị nhập khẩu của hàng hoá nhập về; bao bì thuốc bảo vệ thực vật là 20-250 đồng trên 1 chai/lọ/túi tuỳ kích thước, chất liệu...).
Việc áp dụng thu Quỹ sẽ bắt đầu từ năm 2023, theo thông tin được ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên – Môi trường) đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo Thông tư về quy chế quản lý, sử dụng phần đóng góp tài chính này hôm 7/11.
Quỹ này sẽ do Hội đồng EPR (gồm đại diện các bộ, đại diện nhà sản xuất, nhập khẩu, tái chế... do Bộ Tài nguyên – Môi trường chủ trì) quản lý sử dụng. Giúp việc cho Hội đồng EPR là Văn phòng Hội đồng EPR. Nguồn quỹ này sẽ hướng đến hỗ trợ các địa phương vùng sâu, xa, những nơi chưa có các đơn vị thu gom rác thải, tái chế...
"Nguồn tiền sẽ rất lớn, có thể lên đến nhiều nghìn tỷ đồng", ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm – Dinh dưỡng của Eurocham nói với VnExpess. Ông tính, chỉ riêng tiền các doanh nghiệp đóng góp để xử lý chất thải từ đầu năm đến nay đã là 500 tỷ đồng còn mảng góp cho tái chế bao bì sản phẩm dự kiến "lớn gấp hàng chục lần".
Số tiền lớn nên khi góp ý cho Bộ Tài nguyên – Môi trường, các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại dự thảo thông tư còn nhiều bất cập, dẫn đến việc sử dụng Quỹ không hiệu quả, thậm chí sai mục đích.
Thứ nhất là về chi phí sử dụng cho Văn phòng EPR. Các đại diện hiệp hội như Eurocham, Amcham, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP HCM... cho rằng các quy định về văn phòng EPR có nhiều điểm mâu thuẫn với Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08, và các quy định pháp luật hiện hành.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, cho biết theo quy định, khoản đóng góp của doanh nghiệp chỉ dùng cho mục đích tái chế, nhưng trong dự thảo, chỉ 1 trên 11 loại chi phí của Văn phòng EPR dùng để hỗ trợ tái chế, còn lại là cho mục đích khác.
Cụ thể, các doanh nghiệp cho rằng những khoản như "hội thảo, lễ tân, khánh tiết", "hỗ trợ hoạt động của Đảng, đoàn thể văn phòng EPR"... không phải hoạt động tái chế; chi phí cho "tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng" – tức cho người dân, trong khi EPR là cho doanh nghiệp. Nói cách khác, cách chi này theo họ sai mục đích.
"Như chi phí thành lập Cổng thông tin EPR quốc gia, nếu dùng cho đăng ký online trong hỗ trợ tái chế thì phù hợp, nhưng thực tế Bộ Tài nguyên – Môi trường lại quy định doanh nghiệp muốn xin hỗ trợ phải nộp hồ sơ giấy, vậy có cần không", ông Uy nói.
Bà Chi cũng chỉ ra, Văn phòng EPR chỉ là đơn vị giúp việc, làm theo cơ chế kiêm nhiệm, dự thảo lại quy định có biên chế thì có phù hợp với luật pháp không", bà đặt câu hỏi và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn. Bởi việc thành lập văn phòng này cũng được nhìn nhận là phát sinh biên chế, có quyền hạn lớn, nhưng chưa có quy định trách nhiệm, cơ cấu tổ chức rõ ràng.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, cũng đồng tình khi lưu ý: "Không nên phát sinh biên chế, không sử dụng tiền đóng góp của doanh nghiệp sai mục đích, cần quy định rõ ràng cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của Văn phòng EPR".
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị bổ sung quy định về quy chế tổ chức và hoạt động Hội đồng EPR quốc gia trong dự thảo để thuận lợi cho quản lý, giám sát. Hội đồng giám sát cũng nên có ít nhất đại diện của hiệp hội mỗi ngành hàng chủ lực trong nước, doanh nghiệp FDI vì đây là hai nguồn đóng góp tài chính chủ yếu.
Thực tế, đây là các vấn đề đã được 12 hiệp hội kiến nghị lên Bộ Tài nguyên – Môi trường hồi tháng 10.
Trả lời các vấn đề này, Vụ trưởng Pháp chế Phan Tuấn Hùng nói, bản dự thảo Thông tư này không đề cập đến chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng và Văn phòng EPR. Bộ Tài nguyên – Môi trường sẽ ban hành một văn bản riêng biệt về vấn đề này.
"Quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Hội đồng và văn phòng EPR không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Đây là quyết định cá biệt, thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường", ông Hùng nói.
Nói thêm về chi phí Văn phòng EPR, ông chia sẻ, trong thông tư cũng không quy định chi phí cụ thể mà quy định chung là chi phí quản lý hành chính. Việc trích bao nhiêu phần trăm từ Quỹ Bảo vệ môi trường để phục vụ việc quản lý sẽ do Thủ tướng quyết định.
Vấn đề thứ hai được các doanh nghiệp đặt ra là có thể hình thành cơ chế xin cho với Quỹ. Theo các doanh nghiệp, các khoản hỗ trợ đang tập trung tại Bộ Tài nguyên Môi trường, rất khó khăn cho các tỉnh xa. Các tiêu chí xét duyệt, mức hỗ trợ chưa được quy định rõ ràng. Không có quy định thời hạn phải giải ngân khoản đóng góp của doanh nghiệp để tái chế sản phẩm, xử lý chất thải.
"Hiện không có định lượng cho từng tiêu chí mà chỉ dùng định tính như ‘tỷ lệ tái chế cao hơn’, ‘giá tái chế thấp hơn’... Vậy cao hơn, thấp hơn là bao nhiêu mới có ý nghĩa. Nếu một chỉ tiêu cao hơn nhưng chỉ tiêu khác thấp hơn thì sẽ chọn dự án nào", ông Uy nói.
Theo đó, các Hiệp hội kiến nghị cần định lượng cụ thể các tiêu chí xét duyệt, mức hỗ trợ. Cơ quan soạn thảo cũng cần quy định quy trình duyệt mức hỗ trợ làm online trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, các địa phương không phải ra Hà Nội nộp hồ sơ giấy.
Phía Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp của các hiệp hội, doanh nghiệp để hoàn thiện hơn, hướng đến mục đích hỗ trợ các đơn vị tái chế, xử lý chất thải để bảo vệ môi trường.
Phương Ánh