Một khảo sát với 100 doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp TP HCM do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiến hành từ ngày 5 đến 15/10 cho thấy, 44% có kế hoạch phục hồi toàn bộ và 29% số doanh nghiệp được hỏi đang tính đưa trở lại phần lớn hoạt động kinh doanh. Phần còn lại vẫn đang thăm dò và một số ít định chuyển bớt đơn hàng đi nơi khác.
Tuy nhiên, gần một nửa (46,1%) cho biết vẫn rất khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vấn đề nan giải nhất hiện nay là chi phí sản xuất tăng do phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, trở ngại trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và thiếu hụt nguồn lao động. Ngoài ra, ít nhất 35% cho biết khó khăn nhất là "không thể thanh toán nợ đáo hạn, tiền lãi".
Đánh giá tính hiệu quả trong thực hiện chính sách hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cho rằng nhóm hỗ trợ về tài chính như miễn, giảm, giãn thuế, phí và hỗ trợ tiêm vaccine mang đến hiệu quả cao. Trong khi đó, các hỗ trợ về sinh phẩm, quản lý dịch bệnh, chuỗi cung ứng hiệu quả thấp hơn.
Tại thời điểm khảo sát, 35% cho biết được giảm tiền điện, giảm giá điện; 19% được miễn nộp đoàn phí công đoàn; 18% được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; và khoảng 9-15% được hỗ trợ các khoản khác.
Theo doanh nghiệp, các yếu tố chính đã làm giảm tính hiệu quả trong các chính sách hỗ trợ là: sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ; chưa có các hướng dẫn cụ thể, đầy đủ; các hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế.
PGS.TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ nhận xét, kết quả này cho thấy các yếu tố ảnh hưởng hàng đầu phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý của cơ quan hành chính. Trong khi, các yếu tố khách quan như sự phức tạp của đại dịch hay nguồn lực thực thi không phải là nguyên nhân lớn nhất.
Ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn cho biết, từ 1/10 đến nay, huyện có 480 doanh nghiệp hoạt động lại. Các doanh nghiệp hiện lo về việc bị mất đơn hàng, vốn sản xuất, chi phí xét nghiệm quá lớn là cách thức quản lý bệnh nhân F0. Do vậy, địa phương này đang tập trung hỗ trợ cố gắng tiêm đủ vaccine cho người lao động và triển khai các gói hỗ trợ của trung ương và thành phố.
Đánh giá về bộ tiêu chí an toàn sản xuất tại TP HCM, ngoài các đồng thuận, một số điểm được doanh nghiệp cho là có tính khả thi thấp, như quy định xét nghiệm, diện tích 4 m2 mỗi lao động và khoảng cách 2 m giữa các lao động, mô hình "3 tại chỗ" và kiểm soát nơi lưu thông, lưu trú của lao động.
Đơn cử, một doanh nghiệp FDI có 8.000-9.000 doanh nghiệp nhận định, với những đơn vị có từ 4.000 lao động thì giãn cách 2 m không khả thi. Với quy định 10 người dùng một toilet, họ phải trang bị 900 toilet là không thể.
Nghiên cứu cho biết, trong bối cảnh dần mở lại sản xuất, kiến nghị phổ biến nhất của doanh nghiệp là công bố rõ ràng chính sách phục hồi, xác định điều kiện, tiêu chí mở cửa thống nhất theo lộ trình từ các bộ, ngành, địa phương để doanh nghiệp chủ động áp dụng.
Các kiến nghị khác tập trung vào việc đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy; công bố rõ ràng và nhất quán về chính sách "Thẻ xanh Covid" và di chuyển lao động liên tỉnh"; giãn nợ tới hạn và cung cấp nguồn vay đủ lớn.
Đăc biệt, cần xem doanh nghiệp là một đối tác đầy đủ và trao quyền chủ động cho họ trong xây dựng mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành công tác phòng chống dịch phù hợp với đặc thù ngành nghề.
Đại diện cho các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP HCM, ông Nguyễn Văn Trung cho biết, chỉ ít doanh nghiệp có khả năng thực hiện được đủ bộ tiêu chí hiện tại. Theo ông, các doanh nghiệp muốn chủ động kiểm soát hơn. Ngoài ra, quan điểm và tiêu chí phòng chống dịch của các cơ quan, ban ngành và chính quyền các cấp vẫn cần thống nhất lại.
"Mỗi bên, mỗi đoàn xuống đánh giá kiểm tra an toàn sản xuất với quan điểm phòng chống dịch và tiêu chí đánh giá có khi khác nhau. Mình điều chỉnh theo bên này thì khả năng không đúng tiêu chí bên khác", ông Trung phản ánh.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc GC Food cũng cho rằng, các quy định nên cởi mở hơn, đặc biệt với người đã tiêm đủ 2 mũi. Chỉ nên dồn sức cho điều trị F0, nếu nặng thì đi bệnh viên còn nhẹ thì chữa tại nhà.
"Với doanh nghiệp hoạt động tại nhiều địa phương thì phải chạy theo tiêu chí từng nơi rất khổ. Tôi cho rằng chỉ cần một bộ tiêu chí chung cả nước, chi tiết và rõ ràng và địa phương không được phát triển thêm", ông nêu ý kiến.
Ở góc độ chuyên gia, GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng bộ tiêu chí an toàn sản xuất hiện tại của TP HCM vẫn còn hướng tiếp cận kiểu "zero Covid" chứ không phải chung sống với Covid, nên vẫn còn khó khả thi cho doanh nghiệp.
"Cần có những sửa đổi bổ sung, có sự linh hoạt hơn trong chung sống an toàn với Covid-19. Chúng ta đang quá tập trung vào vaccine trong khi doanh nghiệp cũng cần chăm lo nhiều hơn vào điều kiện sống và làm việc cho lao động. Muốn lao động quay lại làm việc thì phải cải thiện điều đó", ông góp ý.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khuyến nghị trong hoạch định chính sách sắp tới, TP HCM nói riêng và cả nước nói chung cần quan tâm nghiên cứu tác động của số doanh nghiệp đã dừng hoạt động đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, và khả năng phục hồi của doanh nghiệp còn lại ra sao.
Đặc biệt, các biện pháp chống dịch mà gây đứt gãy lưu thông phải chú ý hơn, vì "lưu thông tắc chỗ nào là doanh nghiệp chết chỗ ấy". Vấn đề lưu thông cũng cần nhìn ở phạm vi toàn diện.
"Lưu thông hiện nay chúng ta mới chú ý đến lưu thông hàng hóa, nhưng cái thứ hai bộc lộ gần đây là đứt chuỗi lao động (như tại Đông Nam Bộ). Vấn đề lưu thông thứ ba là tiền tệ hay mạch vốn, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, mất khả năng tiếp cận vốn. Doanh nghiệp mất khả năng tiếp cận vốn trong điều kiện bất thường nhưng tiêu chí để tiếp cận vốn vẫn đang bình thường thì cũng khó cho họ. Tiếp cận vốn đang là điểm sinh tử", ông nói.
Viễn Thông
Doanh nghiệp có thể sử dụng miễn phí một năm gói giải pháp kinh doanh không gián đoạn của FPT, đăng ký ngay tại đây với số lượng có hạn.