Chính quyền Đồng Nai vừa ra quy định người TP HCM tới địa phương này từ 0h ngày 5/6 phải cách ly 21 ngày. Quyết định trên đang khiến các doanh nghiệp lo lắng vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của người lao động và nguồn nguyên liệu sản xuất, lưu thông hàng hóa giữa hai địa phương.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho hay, công ty ông có hàng trăm người từ TP HCM xuống Đồng Nai làm việc. Do đó, khi có chỉ thị này, doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm các khoản chi phí để thuê phòng trọ và khách sạn cho công nhân và nhân viên ở lại. Riêng khối văn phòng, công ty cho làm việc online tại nhà.
"Dù biết chi phí sẽ tăng lên, nhưng để đảm bảo hoạt động sản xuất được diễn ra bình thường, chúng tôi buộc phải lên phương án phù hợp trong tình thế bắt buộc này. Bộ phận nhân sự công ty đang lên danh sách người lao động nhằm có chính sách hỗ trợ nơi ăn ở cho họ sau khi quy định trên được đưa ra", ông Huy nói.
Chưa thể tính thiệt hại cụ thể, nhưng ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho hay, doanh nghiệp cũng đang có khoảng 160 công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất trứng tại quận 12 (trong đó có một số là ở Đồng Nai). Nếu những công nhân này không được trở về Đồng Nai sau buổi làm việc, công ty cũng sẽ cho họ ăn ở tại nhà máy.
Trường hợp gần nhà máy sản xuất của công ty có các ca nhiễm, ông Thiện cho biết công ty sẽ kích hoạt phương án dự phòng là cho toàn bộ nhân viên (dù ở TP HCM hay Đồng Nai) đều ăn ở tại khuôn viên của công ty. Khi đó, doanh nghiệp sẽ thuê riêng các bếp ăn nấu nướng để phục vụ cho công nhân cho tới khi dịch quanh khu làm việc ổn định.
Riêng với các xe chở hàng, nếu trong ngày hôm nay (5/6), ban chỉ đạo Đồng Nai không đồng ý cho xe đi ra vào giao hàng tại các siêu thị ở TP HCM cũng như Đồng Nai, công ty buộc phải thuê xe và tài xế tại Đồng Nai.
"Hiện chúng tôi đã cho tài xế vận chuyển hàng hóa của công ty xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Hy vọng khi họ đi giao hàng được cơ quan chức năng Đồng Nai xét duyệt", ông Thiện nói và cho rằng, khi kích hoạt các phương án dự phòng trên, doanh nghiệp sẽ tăng thêm 20-30% chi phí. Nếu kéo dài tình trạng này, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ đội lên rất cao, thậm chí không có lãi.
Cũng "bấn loạn" vì lệnh cách ly của Đồng Nai, một doanh nghiệp dệt may tại TP HCM cho biết, trong sáng nay hàng trăm người lao động của doanh nghiệp phải nghỉ ở nhà vì sợ đi làm không được trở về nhà. Do đó, hoạt động dây chuyền sản xuất tại doanh nghiệp này bị ngưng trệ. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển hàng hóa ra cảng Cái Mép của doanh nghiệp cũng chậm lại một ngày vì tài xế phải cho đi test Covid-19.
"Nếu tài xế test Covid-19 không được chấp nhận có lẽ hàng hóa sẽ không thể lưu thông nhanh khi mà việc tìm tài xế ở Đồng Nai khá khó khăn. Nếu đình trệ quá lâu, doanh nghiệp có nguy cơ phải đền hợp đồng cho đối tác nước ngoài cả chục nghìn USD vì giao hàng chậm", đại diện doanh nghiệp dệt may tại TP HCM nói.
Không ảnh hưởng nhiều như các doanh nghiệp trên, nhưng ông Bùi Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido cho rằng, doanh nghiệp đang phải sắp xếp bố trí chỗ ở tại thành phố cho công nhân viên là người Đồng Nai đang làm việc tại TP HCM. Họ sẽ ở lại TP HCM đến khi tình hình dịch tạm lắng xuống.
Riêng với việc vận chuyển hàng hóa, do hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu nên Kido đã nhận được sự ưu tiên, hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước để đảm bảo cung ứng nguồn hàng và nhu yếu phẩm thiết yếu kịp thời cho người dân. Theo đó, tài xế khi di chuyển vào khu vực Đồng Nai để giao hàng đã phải thực hiện các biện pháp theo quy định gồm: Báo cáo y tế nhanh tại chốt kiểm tra, trình xuất giấy tờ giao hàng và kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 mà không cần phải cách ly 21 ngày.
"Hiện Ban lãnh đạo tập đoàn đã và đang liên tục cập nhật các thông báo, chỉ thị từ Chính phủ để có hướng điều chỉnh kịp thời", ông Tùng chia sẻ.
Thừa nhận sau lệnh cách ly của Đồng Nai, các doanh nghiệp ở TP HCM cũng như Đồng Nai đang "trở tay không kịp", ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng, các hiệp hội ngành nghề đang "cầu cứu" Chính Phủ, lãnh đạo Thành phố và Sở Y tế để các cơ quan này can thiệp. Bởi quyết định của lãnh đạo Đồng Nai quá "nóng vội và khắt khe". Quyết định này đang gây khó cho doanh nghiệp ở cả hai địa phương.
Theo ông Hưng, 6.000 lao động từ TP HCM không thể xuống Đồng Nai làm việc dẫn tới các dây chuyền sản xuất của các nhóm ngành nghề như, gỗ, lương thực thực phẩm, xuất nhập khẩu đình trệ. Hiện hàng hóa từ TP HCM qua Đồng Nai tới Cái Mép –Thị Vải và chiều ngược lại cũng bị gián đoạn đột ngột trong khi lượng hàng hóa qua cung đường này lớn.
"Đây là nơi giao thoa nhiều khu và cụm công nghiệp lớn nhất cả nước nên với động thái này, doanh nghiệp sẽ bị đội chi phí lên cao tới 30%. Trong khi đó, khá nhiều doanh nghiệp đang lay lắt vì bị vùi dập sau 4 đợt dịch", ông Hưng nói và đề xuất ban lãnh đạo TP HCM nên nhanh chóng họp với UBND tỉnh Đồng Nai để tìm ra hướng giải quyết.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 TP HCM chiều 4/6, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang rất lo lắng vì quyết định cách ly 21 ngày đối với người về từ TP HCM.
Hiện, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã giao Sở Giao thông Vận tải và Y tế nghiên cứu nội dung văn bản và tình hình thực tế để tham mưu khẩn cấp cho UBND thành phố có công văn trao đổi với Đồng Nai. "Làm sao để có cách giải quyết hợp lý nhất, tránh ảnh hưởng việc sản xuất cũng như quá trình lưu thông hàng hoá", ông Đức nói.
Tuy nhiên, hơn 10 tiếng sau khi thực hiện việc cách ly 21 ngày người về, đến từ TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai đã điều chỉnh cho phép người dân được qua lại giữa hai địa phương.
Động thái này được UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra trưa 5/6, sau khi nhiều doanh nghiệp ở TP HCM và Đồng Nai cho rằng việc tỉnh này cách ly 21 ngày đối với người từ TP HCM sẽ gây khó cho họ trong việc sản xuất vì thiếu lao động.
Tối 4/6, Chính quyền Đồng Nai vừa ra quy định người TP HCM tới địa phương này từ 0h ngày 5/6 phải cách ly 21 ngày. Ngoài cách ly tại nhà và nơi lưu trú, những người đến từ TP HCM (trừ những người phải áp dụng các biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của ngành y tế) phải lấy mẫu xét nghiệm hai lần vào ngày thứ 7 và 14, tự trả chi phí. Những người không khai báo và chấp hành sẽ bị xử lý. Cũng giáp ranh TP HCM, từ 0h ngày 5/6, Long An quy định, người từng đến, về từ các điểm dịch, người không có hộ khẩu tại Long An sẽ được cách ly tập trung 21 ngày, kể từ ngày rời khỏi địa phương hoặc lần cuối tiếp xúc bệnh nhân. Những người này được lấy mẫu xét nghiệm đủ 4 lần và tự chi trả các chi phí. |
Thi Hà