Kết thúc Hội nghị trung ương III từ đầu tuần trước, nhưng phải đến cuối tuần, Trung Quốc mới công bố một số chi tiết của kế hoạch cải cách. Trong đó có nhiều thay đổi với ngành tài chính, như cho phép nhà đầu tư cá nhân thành lập ngân hàng vừa và nhỏ, hay yêu cầu công ty quốc doanh nộp 30% lợi nhuận vào ngân sách.
Hệ thống đăng ký IPO cũng được cải tổ. Việc này sẽ rút gọn thủ tục cho hơn 700 công ty đang đợi chấp thuận niêm yết. Doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ có vai trò lớn hơn trong nền kinh tế, Bloomberg cho biết.
"Các công ty đang an nhàn với hệ thống cũ giờ sẽ phải thay đổi. Đây có thể là bước tiến lớn trong mở cửa nền kinh tế", Tim Condon – chiến lược gia trưởng tại ING Financial Markets nhận xét.

Đổi mới hệ thống đăng ký IPO sẽ giúp giảm thời gian chờ chấp thuận niêm yết. Ảnh: Bloomberg
Sau tin tức trên, chứng khoán Trung Quốc hôm qua đã tăng vọt. Shanghai Index lên 2,9% và Hang Seng Index cũng thêm 2,7%, mạnh nhất 10 tháng. Đến phiên giao dịch sáng nay, các chỉ số này cũng đang tăng điểm.
"Đây là dấu hiệu rất tích cực", Catherine Yeung, Giám đốc đầu tư tại Fidelity Investment Management cho biết. Quỹ này cũng đang bổ sung nhiều cổ phiếu Trung Quốc vào danh mục đầu tư, trong đó có các công ty Internet và chăm sóc sức khỏe.
Cuộc họp lần này được kỳ vọng có kết quả tương tự năm 1978. Khi ấy, các chính sách mở cửa của Thủ tướng Đặng Tiểu Bình đã tạo đà cho Trung Quốc phát triển nhanh suốt ba thập kỷ, Yao Yang – Giáo sư Đại học Bắc Kinh cho biết.
Việc Trung Quốc nới lỏng chính sách một con có thể làm tăng nhu cầu sản phẩm liên quan đến trẻ em, Summer Wang – chuyên gia phân tích tại Bank of Communications cho biết. Đồng thời, nó cũng bổ sung lực lượng lao động cho nước này trong tương lai.
Cổ phiếu các hãng sữa và sản phẩm sơ sinh đã tăng vọt hôm qua. Cổ phiếu hãng tã lót Hengan tăng 6,5% tại sàn Hong Kong (Trung Quốc), hãng sản xuất cũi Goodbaby, công ty sữa China Mengniu Dairy và China Modern Dairy cũng khởi sắc.
Các doanh nghiệp Mỹ gần đây cũng rất tích cực rót tiền vào Trung Quốc. GM vừa cam kết đầu tư 11 tỷ USD vào Trung Quốc cho đến năm 2016. Hãng bánh kẹo Mondelez cũng đang mở rộng nhà máy tại Tô Châu, một trong tám cơ sở của họ ở đây. Người phát ngôn của Mondelez cho biết họ "vẫn rất lạc quan về tương lai của Trung Quốc". Trong khi đó, Yum! Brands – chủ sở hữu chuỗi thức ăn nhanh KFC và Pizza Hut thì tuyên bố "sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu hàng đầu tại Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành hàng ăn – uống".
Hà Thu