Nhiều doanh nghiệp chuyên doanh các mặt hàng hoa tươi, mỹ phẩm, thời trang, nội thất...gần đây đã gấp rút tìm hướng đi mới để duy trì dòng tiền trong đó hình thức phổ biến nhất là chuyển sang bán các mặt hàng thuộc nhóm thiết yếu như rau củ quả hay vật tư y tế.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy, một số cửa hàng hoa tươi tại TP HCM mùa này trở thành cửa hàng nông sản. Vài nơi còn ra mắt những combo trái cây được trang trí đẹp mắt có kèm ít hoa để khách hàng dùng làm quà tặng. Số khác chuyển hẳn sang bán rau củ quả cho gia đình.
Chẳng hạn như FlowerStore, nền tảng hoa trực tuyến tại Việt Nam và Philippines, đang tích cực chào bán các combo rau củ phân theo nhóm như nhiều vitamin C, A hay gia vị nhà bếp, với giá trong khoảng 140.000-500.000 đồng mỗi combo và được cam kết giao trong ngày nếu đặt trước 17h tại Hà Nội và TP HCM.
Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, vật tư y tế chống dịch cũng là lựa chọn phổ biến để nhiều đơn vị chuyển từ kinh doanh hàng không thiết yếu sang thiết yếu. Dược sĩ Đồng Nguyễn Thảo Vy, Đại diện THEBEST Boutique cho biến, nhóm mặt hàng chủ lực trước kia của cửa hàng như mỹ phẩm, nước hoa...phải dừng hoặc hạn chế kinh doanh.
Chị Vy cho biết giờ cửa hàng chủ yếu bán thực phẩm tăng sức đề kháng, theo dõi sức khỏe, vật tư chống dịch...Khách hàng của họ thường là người trẻ (phổ biến ở 18-35 tuổi), độc thân. Theo chị, việc có các đề xuất F0 không triệu chứng tự điều trị tại nhà cũng là một cơ hội triển vọng cho hướng kinh doanh hiện tại.
Hay như chuỗi nhà hàng Vua Cua, từ khi không còn được phép bán tại chỗ hay thức ăn mang đi, họ tập trung bán các mặt hàng chế biến sẵn trữ đông như bánh mỳ, bánh bao, các loại nước sốt hải sản, nước sốt chấm... Chị Đoàn Thị Anh Thư, CEO Vua Cua cho biết đã bán được khoảng 50.000 ổ bánh mỳ từ tháng 6 đến nay.
Tuần trước, công ty quá tải vì đơn hàng "bùng nổ". Chị Thư cho biết do thiếu nhân viên sản xuất vì một số đang ở trong khu vực phong toả, cùng với việc sản phẩm được làm thủ công nên công suất bếp có giới hạn. Từ hôm 29/7, Vua Cua còn "tham chiến" bán nông sản, với gần 40 loại rau củ quả khác nhau.
"Chúng tôi lấy nguồn hàng từ Đồng Tháp. Một lợi thế của công ty là tự tổ chức đội giao hàng nên tránh được sự bị động trước tình hình khan hiếm shipper. Tuy nhiên, do lượng đặt hàng cao nên tôi đang tuyển thêm khoảng 20 tài xế, hiện đã tìm được 7 người trong số đó", chị Thư cho biết.
Không theo hướng chuyển đổi sản phẩm, một số doanh nghiệp vẫn "chiến đấu" với mặt hàng vốn có bằng cách tiếp cận các thị trường còn được phép kinh doanh và "bày trận" chờ hết dịch.
Seeker, một cửa hàng bán đồ trang trí và phong cách sống vẫn đang duy trì kinh doanh trực tuyến và gửi hàng qua các bưu cục đến những địa phương còn được phép lưu thông hàng hóa 2 lần mỗi tuần. Chị Hà Uyên, chủ cửa hiệu cho hay trước việc các quy định mới cập nhật liên tục, chị sẽ theo sát để duy trì hoạt động trong các phạm vi còn cho phép, nhưng sẽ tập trung hơn cho việc chuẩn bị sau dịch.
"Chúng tôi đầu tư hơn về nội dung tương tác với khách hàng, đồng thời nghiên cứu thêm những xu hướng, sản phẩm, nguồn hàng mới để đặt mình vào tư thế sẵn sàng khi tình hình ổn định trở lại', chị cho biết thêm.
Ông Nguyễn Việt Hoà, Đại diện nhãn hàng thời trang trẻ em Yody Kids (thuộc Yody), cho biết vẫn tiếp tục kinh doanh theo nhiều hướng. Thứ nhất, công ty tiếp tục duy trì hoạt động và ổn định kho hàng ở các thị trường tỉnh - những nơi ít ảnh hưởng hoặc chưa có các chỉ thị giãn cách dịch Covid-19.
Tương tự các đơn vị khác, Yody Kids cũng chọn thời điểm này để phát triển thêm sản phẩm mới. "Các sản phẩm trẻ em thường yêu cầu cao về độ thấm hút, kháng khuẩn và chất liệu thân thiện sức khỏe - môi trường (cotton organic, vải từ cà phê...). Do đó, việc liên tục nghiên cứu hay thậm chí là sáng tạo ứng dụng chất liệu mới luôn là điều tất yếu - không chỉ là động lực hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn mà thậm chí còn có ý nghĩa về mặt hồi phục, bứt phá kinh doanh hậu dịch", ông Hòa cho biết.
Ngoài ra, tận dụng những cơ hội từ đại dịch, công ty tranh thủ mở rộng mặt bằng và đầu tư nâng cấp không gian các cửa hàng vì chi phí thuê có xu hướng giảm. Nhãn hàng này đã có những cửa hàng diện tích 1.000 m2 trở lên ở Bắc Giang, Buôn Mê Thuột, Thái Nguyên. "Đây cũng là cơ hội để các đơn vị có chiến lược xây dựng hệ thống bán lẻ tối ưu chi phí của mình, chúng tôi cũng không ngoại lệ", ông Hòa nói.
Tuy nhiên, đến thời điểm này cũng có một số doanh nghiệp khác chọn cách "ngủ đông", chỉ duy trì hoạt động tiếp thị, nghiên cứu sản phẩm.
The Naked Bottles, một đơn vị chuyên kinh doanh rượu vang organic, vegan (dòng vang có hình thức canh tác, sản xuất thân thiện với môi trường) thì dành thời gian để hoàn thiện hình ảnh, cải tiến bao bì, bộ nhận diện. Ông Vũ Bảo Hưng, Nhà đồng sáng lập đang tìm kiếm và nghiên cứu nguồn hàng mới, các câu chuyện đằng sau các sản phẩm để giữ động lực với nghề.
Chị Lam Hà, chủ tiệm cây xanh trang trí Cây Nhỏ từng chuyển sang bán các loại cây gia vị mà nhiều gia đình đang "săn lùng" như ngò gai, hương thảo, xạ hương... Nhưng gần đây, khi shipper khan hiếm cao độ, chị quyết định tạm dừng.
"Chúng tôi tạm ngưng bán cây và chuyển sang hướng dẫn chăm sóc, trồng cây bằng hình thức ghi hình, chia sẻ các cách thức tái sử dụng rễ, củ, quả có sẵn hay rác thải trong nhà cho khách hàng trên mạng xã hội", chị Lam Hà chia sẻ.
Chuỗi bánh ngọt The Vagabond cũng chọn cách tương tự. Họ đăng tải các chia sẻ, kiến thức về bánh ngọt để khách hàng có thêm thông tin; đồng thời khơi dậy cảm hứng vào bếp, nấu nướng tại nhà trong những ngày giãn cách.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Đồng sáng lập chuỗi này xác nhận, do diễn biến dịch phức tạp nên hoạt động vận chuyển và sản xuất gặp ảnh hưởng. "Tuy nhiên, việc duy trì hình ảnh và thể hiện sự đồng hành với khách hàng là cần thiết để tạo sự 'nhắc nhớ' về thương hiệu", ông nói.
Thời gian qua, khi TP HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hầu hết các nơi chỉ cho kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, còn lại đều phải tạm ngưng hoạt động. Cộng đồng doanh nghiệp thuộc nhóm không thiết yếu vì thế gặp rất nhiều khó khăn và đang nỗ lực tìm cách sống sót qua đợt dịch lần thứ 4.
Từ chủ những cửa hàng nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp kinh doanh lớn đều kỳ vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để hoạt động kinh doanh của họ sớm trở lại bình thường.
Viễn Thông