Tại Hội nghị Thủ tướng và các doanh nghiệp sáng ngày 9/5, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, 88% doanh nghiệp nhận định các nhóm giải pháp Chính phủ ban hành là phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào những hành động mạnh mẽ hơn.
Những kiến nghị không tập trung vào các gói hỗ trợ tài chính. Thay vào đó, các doanh nghiệp muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính; đảm bảo minh bạch, rõ ràng trong các chính sách; công minh và thái độ của cán bộ cấp thực thi. "Đây là điều các doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền, còn hơn là các hỗ trợ bằng tiền", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nói.
Những khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy một kết quả tương tự. "Khi tôi hỏi các lãnh đạo doanh nghiệp lớn họ cần gì, câu trả lời là họ biết Nhà nước đang khó khăn, doanh nghiệp không chỉ xin tiền mà chỉ xin cơ chế", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết.
"Cơ chế" được ông Lộc nhắc đến là các giải pháp gỡ nút thắt phiền hà về thủ tục hành chính, thúc đẩy đầu tư công và các biện pháp để "khai mở mặt trận kinh tế".
Theo ông Lộc, "tiền tươi thóc thật" trong các kế hoạch đầu tư công lên tới 30 tỷ USD sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế nếu được đẩy nhanh. Dòng tiền này sẽ tạo ra việc làm, thị trường và tạo sự cộng hưởng với đầu tư tư nhân, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). "Nếu giải quyết được những nút thắt này, không lý gì chúng ta không đạt tốc độ tăng GDP trên 5%", ông Lộc nhận xét.
"Khó khăn kép" hiện nay với cộng đồng doanh nghiệp là vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Khảo sát nhanh gần 130.000 doanh nghiệp cho thấy, 86% cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, doanh thu 4 tháng giảm 30% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra một vấn đề là các doanh nghiệp rất chủ động "tự cứu mình". Nhiều sáng kiến được triển khai như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, tìm kiếm thị trường thay thế.
"Điều đáng mừng là trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức", Bộ trường Kế hoạch & Đầu tư nói.
Về triển vọng tương lai, ông Dũng cho rằng phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị chưa thể khắc phục ngay sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn. Hiện tượng mua bán, sáp nhập tạo nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ. Bên cạnh đó, các quốc gia tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp FDI lớn cấu trúc lại hệ thống.
Tuy nhiên, khó khăn cũng đi kèm những cơ hội. Vị thế của Việt Nam đang được đánh giá cao nhờ thành công trong công tác phòng, chống dịch. "Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về sự tin cậy chiến lược, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch", ông Dũng nói. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới.
Minh Sơn