Với chủ đề "Tập trung vào sản phẩm hay kinh doanh?", dưới góc độ của một chuyên gia thương mại, ông Nguyễn Đình Tiến - chuyên gia thương mại hóa VCIC khẳng định: "Trước khi làm bất cứ việc gì, doanh nghiệp cần phải biết đối tượng mình phục vụ là ai".
Theo đó, không thể phủ nhận rằng mục tiêu cuối cùng của mỗi doanh nghiệp là hướng đến người dùng, tức là cần thu hút lượng người dùng đông đảo, từ đó mang về dòng tiền cho doanh nghiệp. Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải không ngừng đưa ra các phương án đổi mới theo thị hiếu và nhu cầu của khách hàng.
Thương mại hóa không chỉ tạo ra dòng tiền, nó còn tạo ra một nguồn tiếp cận để doanh nghiệp cải thiện sản phẩm hằng ngày cho phù hợp. Đây là một cách tiếp cận khách hàng và "tiền trạm" thị trường để cho ra sản phẩm tốt hơn từng ngày. "Doanh nghiệp sẽ chết nếu không biết lắng nghe người dùng", ông Tiến cho biết.
Theo ông Tiến, doanh nghiệp càng làm khách hàng hài lòng, khả năng thu lợi nhuận càng cao và điều đó có được chính từ dịch vụ và chiến lược kinh doanh tốt.
Cũng trong chương trình, có tư tưởng phản biện trái ngược, doanh nhân Lưu Hải Minh - Giám đốc Công ty OIC, một "tiền bối" có kinh nghiệm chinh chiến trên thương trường hơn 20 năm lại đưa ra quan điểm rằng: "Bản chất khi làm ra sản phẩm, tôi đã phải biết người mình cần phục vụ là ai, sản phẩm không tốt thì không phục vụ được ai cả. Vậy nên, chỉ còn cách là đầu tư sản phẩm tốt và tốt hơn thì mới có thị trường".
Trong một cuộc khảo sát ngắn về hành vi quyết định mua hàng, tỷ lệ người dùng lựa chọn giữa thương hiệu hay chất lượng xấp xỉ nhau, tùy vào tư tưởng và nhu cầu của mỗi đối tượng khách hàng.
Theo đó, điều mà các doanh nghiệp cần đáp ứng chính là nhu cầu khách hàng, từ đó đưa ra một hướng đi phù hợp cho mình. Vậy nhưng, điều đánh đố cho doanh nghiệp là tâm lý khách hàng lại rất khó nắm bắt, bởi có người ưu tiên thương hiệu, bị cuốn bởi chiến dịch ấn tượng, nhưng một bộ phận người tiêu dùng khác lại chỉ cần bền, tốt là đã có thể thỏa mãn. Thêm vào đó, nhiều người tìm đến hàng giả vì giá thành rẻ hơn mà vẫn phù hợp cho nhu cầu sử dụng tạm thời.
Đây chính là nguyên do của những tranh cãi phức tạp về thị hiếu và chất lượng ở giới doanh nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là các khái niệm về chất lượng và thị hiếu được nêu ra dưới các góc độ khác nhau của mỗi cách tiếp cận, mỗi cách nhìn nhận riêng biệt. Bên cạnh giá cả, hai yếu tố này góp phần quan trọng trong quá trình khách hàng đưa ra sự lựa chọn cũng như ảnh hưởng lớn đến khuynh hướng sẵn sàng chi trả của họ.
Một ví dụ rõ ràng chính là ông lớn Apple với "đứa con" iPhone đã mang về doanh thu khủng, tạo một cơn sốt toàn cầu qua các thế hệ iPhone mà chưa từng có dấu hiệu hạ nhiệt. Ra mắt lần đầu tiên vào 2007, dưới thời của cố CEO Stven Jobs, iPhone lúc bấy giờ tập trung hết sức cải tiến từng ngày cho một "siêu phẩm" không phụ lòng khách hàng.
Tuy nhiên, sau sự ra đi của ông vào năm 2011, dưới sự dẫn dắt của CEO Tim Cook, nhiều người đặt nghi vấn về tương lai của mẫu điện thoại này bởi những cải tiến không quá nhiều đột phá qua các đời. Câu hỏi đặt ra là tại sao iPhone vẫn luôn được săn đón, trông chờ dù nó luôn có giá rất cao. Câu trả lời nằm ở chiến lược tối đa hóa lợi nhuận, hiểu đơn giản hơn là "chiêu trò làm giá" khôn ngoan của bậc thầy bán hàng Tim Cook.
Điều đó cho thấy, dù quyết định chú trọng vào yếu tố sản phẩm hay truyền thông thì trong xu hướng phát triển của doanh nghiệp sẽ không thể phủ nhận mối quan hệ khăng khít giữa chúng. Đó là một vòng tuần hoàn linh hoạt, phù hợp với tính chất doanh nghiệp, tính chất sản phẩm và cả chiến lược riêng mà doanh nghiệp đã vạch ra từ đầu.
(Nguồn: Thaco)