Tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp về quản lý an toàn thực phẩm, luật sư Trần Ngọc Hân, đại diện Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, nhiều thủ tục chứng nhận đang làm khó doanh nghiệp, như một mà doanh nghiệp của AmCham nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm lên Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Sau đó, doanh nghiệp phải đi lại thêm 5 lần nữa chỉnh sửa hồ sơ với nội dung khác nhau.
Sau 6 tháng, doanh nghiệp mới nhận được chứng nhận của sản phẩm. Đáng nói là giấy xác nhận ghi rõ doanh nghiệp phải hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố.
"Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với sản phẩm doanh nghiệp là ở đâu nếu ghi rõ là doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm", luật sư Hân thắc mắc. Theo vị này, doanh nghiệp có thể tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình thay vì việc kiểm soát của nhà nước.
Luật sư Lê Ngọc Hân cho biết, một số doanh nghiệp đã gặp không ít nhiêu khê, khó khăn trong quá trình xin xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Thay mặt các hiệp hội, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng đề nghị Bộ Y tế bỏ quy định cấp giấy xác nhận phù hợp với quy định an toàn thực phẩm và thay bằng Bản đăng ký chất lượng thực phẩm.
Lý do được đại diện VASEP đưa ra việc cấp xác nhận công bố phù hợp với quy định không làm thay đổi trách nhiệm của doanh nghiệp về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm được công bố, nhưng lại dễ bị lạm dụng biến thành cấp phép, dẫn đến xin-cho trên thực tế.
Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong bày tỏ chưa đồng tình việc cho phép doanh nghiệp tự công bố phù hợp an toàn thực phẩm vì doanh nghiệp tự công bố sản phẩm có thể gây nhầm lẫn cho người dùng, khó xử lý nếu có các loại phụ gia thực phẩm, các loại dược liệu bị cấm hay khuyến cáo không sử dụng, các chỉ tiêu an toàn về vi sinh vật, kim loại nặng vượt mức cho phép…
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết cơ quan này sẽ tiếp thu các ý kiến theo hướng khi doanh nghiệp công bố thì chỉ sau một tuần cơ quan quản lý không có ý kiến thì doanh nghiệp được triển khai thực hiện.
Tại buổi đối thoại, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu chia 2 nhóm sản phẩm, với các loại thực phẩm mất an toàn gây nguy cơ cao về sức khoẻ con người như sữa trẻ em, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm sẽ có cơ chế kiểm soát chất lượng từ đầu. Song, việc cấp giấy xác nhận sẽ phải rút ngắn thời gian so với trước. Còn các sản phẩm ít rủi ro thì chỉ cần doanh nghiệp đăng ký qua mạng để cơ quan nhà nước kiểm soát.