Tín dụng đen vẫn là vấn đề nhức nhối đối với công nhân ở các khu công nghiệp. Tiền lương không đủ trang trải cuộc sống, nhiều người buộc phải tìm đến các nguồn vay không chính thống hay còn gọi là tín dụng đen.
Theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) với 6.200 công nhân ở ba miền tháng 11/2022, thu nhập bình quân của công nhân chỉ đáp ứng 83% chi tiêu; gần 59% không có tích lũy.
Chị Minh Hằng, công nhân tại Green Speed cho biết, 10 ngày trước ngày trả lương là lúc người lao động bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu tiền. Đây cũng là thời điểm các khoản thanh toán đến hạn: tiền trọ, tiền học, trả nợ ngân hàng...
"Cứ đến cuối tháng nhiều anh chị em công nhân lại lo tìm người này, hỏi người kia mượn tiền. Nhưng giờ ai cũng khó, có người phải đi cầm cả đăng ký xe", chị Hằng tâm sự.
Trong lúc các tổ chức xã hội còn tìm giải pháp, người lao động "nhắm mắt" đi vay, doanh nghiệp cũng bị liên lụy. Hoạt động đòi nợ khủng bố cả các doanh nghiệp, làm gián đoạn tuyển dụng, sản xuất.
Để ổn định cuộc sống của người lao động, từ đó, duy trì và phát triển sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu các mô hình phúc lợi phù hợp, trong đó có chi lương linh hoạt. Theo mô hình này, sẽ có bên thứ ba đứng ra ứng lương tức thì cho nhân viên, cuối tháng doanh nghiệp mới phải hoàn ứng.
Tại Việt Nam, Gỗ Đức Thành, Gỗ Trường Thành, AA Corporation, Central Retail Vietnam, FPT Retail... là những doanh nghiệp thực hiện lương linh hoạt cho nhân viên, thông qua ứng dụng Vui App.
"Bất cứ chủ doanh nghiệp nào cũng mong muốn người lao động đi làm trong sự yên tâm, tránh để khó khăn tài chính ảnh hưởng đến công việc. Từ khi áp dụng lương linh hoạt qua Vui App, doanh nghiệp đã có thể giải quyết phần nào những trăn trở của công nhân", ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Tavico Group chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Quan hệ Lao động của Thủ tướng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tín dụng đen đang trở thành vấn nạn xã hội. Sẽ mất nhiều thời gian để thiết kế một phúc lợi xã hội tầm vĩ mô, dễ tiếp cận với nhóm lao động thu nhập thấp và trung bình. Nhưng chính mỗi doanh nghiệp có thể chủ động bảo vệ công nhân viên bằng chính sách lương thiết thực, linh hoạt.
Tuệ Minh