Những ngày này, nhiều công nhân tuần đường và gác chắn lo lắng về thông tin ngành đường sắt không có tiền trả lương. Cung trưởng cung đường Hà Nội Đặng Đình Long (Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải) cho biết, lao động ngành đường sắt chỉ có thu nhập 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng, trong khi ra Tết giá cả tăng cao, nhiều người đã phải vay mượn tiền, về quê lấy gạo, thực phẩm...
"Thời gian tới nếu bị chậm lương thì công nhân rất khó khăn, nhiều người sẽ bỏ việc", ông Long nói.
Tháng một hàng năm, Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải (Công ty) thường ký hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty đường sắt VN để quản lý, duy tu hạ tầng đường sắt và làm thủ tục ứng vốn ngân sách. Tuy nhiên, năm nay hợp đồng chưa được ký, đồng nghĩa Công ty không có tiền trả lương cho 950 lao động làm nhiệm vụ duy tu, tuần đường, gác chắn cho đoạn đường sắt qua thành phố Hà Nội và tuyến Hà Nội - Hải Phòng.
Theo ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP đường sắt Hà Hải, mỗi tháng đơn vị này phải chi 12 - 15 tỷ đồng trả lương lao động và bảo hiểm xã hội. Từ tháng một, đơn vị đã thế chấp tài sản, vay ngân hàng để có tiền trả lương cho công nhân
"Chúng tôi chỉ cầm cự được 2 tháng đầu năm, tháng 3 không thể vay thêm được, hiện giờ chưa biết xoay sở thế nào", ông Vượng nói.
Tại Công ty cổ phần đường sắt Hà Lạng, ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty, cho biết đơn vị thường được giao 140 tỷ đồng mỗi năm để duy tu bảo trì tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và Gia Lâm - Hạ Long, trong đó có 60 tỷ đồng trả lương cho 762 lao động. Tuy nhiên, hai tháng qua, đơn vị phải vay ngân hàng và huy động nhiều nguồn vốn khác để trả lương cho công nhân.
"Công nhân đường sắt lương thấp, nhiều người chỉ có tài sản là cái xe máy nên chậm lương đồng nghĩa đời sống của họ rất khó khăn", ông Khoa nói. Ngoài ra, ông Khoa cho rằng, thiếu vốn để thực hiện các hạng mục duy tu có thể dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn đường sắt.
Cùng cảnh ngộ, trong tháng 2, Công ty cổ phần đường sắt Hà Thái đã thông báo chỉ tạm ứng lương từ 2 - 3 triệu đồng mỗi tháng tùy theo chức danh, nhiệm vụ công tác của người lao động. Lãnh đạo đơn vị này cho hay doanh nghiệp phải ra quyết định như vậy vì chưa có cơ sở để chi trả lương cho người lao động.
Những năm trước, đơn vị này được Tổng công ty đường sắt VN ký hợp đồng đặt hàng bảo trì. Đây là cơ sở để Công ty cổ phần đường sắt Hà Thái tạm ứng vốn, đồng thời dự kiến sản lượng, doanh thu để tính toán lương cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay đơn vị chưa được ký hợp đồng bảo trì năm 2020 nên không có cơ sở để tính lương.
Ngày 21/2, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt VN đã cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là đầu năm 2020, Tổng công ty không được Bộ Giao thông Vận tải giao vốn cho công tác bảo trì nên không thể ký hợp đồng đặt hàng với 20 đơn vị bảo trì như những năm trước. "Việc này khiến các doanh nghiệp bảo trì không có tiền trả lương cho hơn 11.000 lao động toàn ngành", ông Minh nói.
Theo ông Minh, từ năm 2019, Tổng công ty đường sắt VN không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, mà chuyển sang Ủy ban quản lý vốn Nhà nước nên theo quy định của Luật Ngân sách, Bộ Giao thông Vận tải không thể giao vốn dự toán ngân sách bảo trì cho Tổng công ty như trước kia (không giao vốn cho đơn vị ngoài ngành).
Ngoài ra, Tổng công ty đường sắt VN được giao quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng khi chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước thì chỉ chuyển doanh nghiệp, còn hạ tầng vẫn do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, dẫn đến tình trạng "đầu đi, chân ở lại".
"Lẽ ra khi thay đổi đại diện chủ sở hữu, hệ thống pháp luật phải được điều chỉnh đồng bộ", ông Minh nói.
Để tháo gỡ, đầu tháng 2, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định cho phép Bộ giao dự toán quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty đường sắt VN.
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, đã nhận được báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và "Chính phủ đang xem xét, đây là vấn đề phải xử lý ngay".