Chia sẻ tại họp báo sáng 23/1, ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết, những ngày cuối cùng năm 2018, công ty đã nhận được 67 tỷ đồng tiền hoàn trả tạm thu thuế trước đó của hải quan với lô hàng dầu thô nhập từ Singapore. "Mỗi tháng chúng tôi gửi đi một công văn tới các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ. Tổng cộng đã có 20 công văn được gửi đi và sau 20 tháng chờ đợi, cơ quan hải quan đã hoàn lại tiền cho doanh nghiệp, gồm cả khoản tiền nộp phạt chậm", ông Dương chia sẻ.
Vụ việc trên xảy ra cách đây từ năm 2015, khi doanh nghiệp này nhập 3 lô hàng xăng dầu từ nhà máy sản xuất của Shell tại Singapore, phải đóng 60 tỷ tiền thuế. Thời điểm này, xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).
"Chúng tôi nộp thuế và hồ sơ lên hải quan. Các anh rà soát bảo hồ sơ hợp lệ, và hoàn trả 60 tỷ đồng. 16 tháng sau trong đợt kiểm tra sau thông quan, thông báo cho chúng tôi hồ sơ thiếu 1 chữ kí cho nên không hợp lệ và truy thu 60 tỷ đồng đó. Đồng thời phạt thêm 7 tỷ tiền chậm nộp trong 18 tháng", ông Dương kể.
Lý do "hồ sơ không hợp lệ" phía hải quan đưa ra để không hoàn trả tiền thuế, theo lãnh đạo doanh nghiệp là chưa hợp lý, bởi lô hàng này chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp. Việc thiếu chữ ký trên các C/O xuất phát từ nguyên nhân khách quan, vì PVOIL cũng cần các C/O hợp lệ để được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt ATIGA và điều này không hề thay đổi bản chất của các C/O.
Thực tế, do thời gian đầu mới áp dụng ưu đãi thuế theo ATIGA, phía doanh nghiệp và hải quan đều lúng túng. "Chúng tôi gặp hải quan, kiên trì gửi công văn. Rất may hải quan Singapore hợp tác, xác nhận lô hàng này hoàn toàn chuẩn. Hải quan Việt Nam cũng cầu thị và hoàn trả lại số tiền cho doanh nghiệp. Cuối cùng tôi cho rằng các bên đều gọi là win – win", ông Dương nói.
Cũng tại cuộc họp, nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2018, CEO PVOil nói ngắn gọn "năm 2018 với PVOil là năm tỷ số 2-1. Chúng tôi ghi được 2 bàn thắng và nhận lại 1 bàn thua", ông dí dỏm.
Ông lý giải, bàn thắng trước tiên là đã IPO thành công vào đầu năm 2018. Bàn thắng thứ hai là đưa ra dịch vụ ứng dụng công nghệ trong thanh toán bằng QRCode được coi là bàn thắng thứ 2 của doanh nghiệp trong năm ngoái.
Nhưng "bàn thua" nhận về cũng khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chiếm thứ hai thị phần trong nước lao đao không ít. Giá dầu thế giới lao dốc "khủng" trên 40% trong quý IV/2018 đã khiến PVOil lỗ 140 tỷ đồng. Nhờ các quý trước lãi, tính chung cả năm doanh nghiệp này vẫn đạt lợi nhuận hợp nhất 562 tỷ đồng, trong đó lãi công ty mẹ 429 tỷ.
Năm 2019, PVOil đưa ra kế hoạch khá thận trọng với doanh thu hợp nhất 440 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất 340 tỷ. Các chỉ tiêu này thấp hơn kết quả thực hiện năm 2018 khoảng 20%, nhưng cao hơn kế hoạch đầu năm
Theo ông Dương, diễn biến giá dầu khó đoán định trước tình hình địa chính trị khó lường, xung đột Mỹ - Trung chưa có điểm dừng và kinh tế toàn cầu dự báo không mấy khả quan, "kế hoạch kinh doanh 2019 đưa ra cũng là áp lực lớn".
"Nếu tình hình năm 2019 vẫn không có gì sáng sủa thì chúng tôi cũng rất lo lắng", ông Dương nói và hy vọng thị trường 11 tháng tới sẽ khởi sắc hơn để "bù" khoản lỗ 100 tỷ đồng ngay trong tháng 1/2019.
Nguyễn Hoài