Hơn năm trở lại đây, các loại thịt bò nhập khẩu về Việt Nam gia tăng mạnh. Ngoài nhập hàng đông lạnh, hiện thị trường còn xuất hiện sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.
Chia sẻ với VnExpress, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (Long An) cho biết, cách đây 2 năm ông đã nhập khẩu cả trăm nghìn con bò sống từ Australia về để vỗ béo. Từ đó, sản phẩm thương hiệu thịt bò Wagyu Fohla được ra đời sau một năm nuôi thử nghiệm.
Giống bò này nhập từ Australia với công nghệ nuôi được chuyển giao bởi trang trại Sawai Farm - Nhật Bản, trong quá trình nuôi được các chuyên gia Nhật giúp đỡ. Sau khi thử nghiệm, hầu hết chuyên gia Nhật đều đánh giá sản phẩm bò nuôi tại Việt Nam chất lượng khá tốt, không hề thua kém hàng Nhật.
"Mới đây, thịt bò Nhật Bản từ trang trại của chúng tôi đã bắt đầu cung cấp thử nghiệm vào kênh nhà hàng, khách sạn và sẽ bán chính thức ra thị trường vào năm 2019 khi đạt được sự ổn định về sản lượng, chất lượng", ông Huy nói và cho biết, mặc dù Wagyu là giống bò không hề dễ nuôi ở Việt Nam nhưng khi phát triển tốt chúng sẽ cho giá trị kinh tế cao.
Trong khi bò Australia chỉ cần vỗ béo 3 - 4 tháng là có thể giết thịt thì bò Nhật Bản phải vỗ béo từ 18 đến 20 tháng để hình thành lớp mỡ trong từng thớ thịt thay vì chỉ có lớp mỡ ở phần ngoài gần da và tích tụ ở bụng. Bên cạnh đó, chi phí nuôi bò Nhật có giá thành cao gấp 4 lần bò Australia.
Ông Huy cho biết thêm, giá thịt bò Wagyu mà trang trại của ông bán đang giao động 700.000 đồng đến trên một triệu đồng một kg (tùy loại). Dù đây là mức giá khá hấp dẫn, ông Huy cho biết, thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn khi không ít sản phẩm bò nhập khẩu đông lạnh không rõ nguồn gốc được "chế tác" giống hệt thịt bò Nhật đang bán khá nhiều ở thị trường Việt Nam.
Ngoài việc hợp tác chuyển giao nuôi bò kiểu Nhật, Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình còn ký hợp tác với Công ty Sawai Farm về việc nhập khẩu thịt bò Ohmi từ Nhật để đa dạng hóa nguồn thịt bò cao cấp phục vụ thị trường Việt Nam.
Cùng với Huy Long An, trước đó, Công ty cổ phần Bò Kobe Việt Nam (Lâm Đồng) cũng đã mở rộng trang trại nuôi giống bò gene Nhật.
Ông Nguyễn Trí Đức Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bò Kobe Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ông đã nhập khẩu nguồn gene bò Nhật từ Mỹ (nhập khẩu tinh bò để phối với bò sữa) tạo đàn bò Nhật tại Việt Nam từ năm 2011. Đàn bò của công ty đang nuôi là 420 con với sản lượng cung cấp ra thị trường trung bình một con một tuần. Mỗi con bò có giá trị 200 - 250 triệu đồng, cao hơn nhiều lần bò thịt trên thị trường hiện nay. Thịt bò mang thương hiệu "Viet Wagyu" của doanh nghiệp này đang bán với giá 2 - 4 triệu đồng một kg.
"Loại bò này đa phần công ty bán cho nhà hàng, khách sạn và người sành ăn, chủ yếu ở Hà Nội, TP HCM và Đà Lạt. Đây là giống bò cao cấp, chi phí cho một con bò một ngày hết 150.000 đồng tiền thức ăn. Bên cạnh sử dụng những nguyên liệu trong nước thì còn có thêm cả những sản phẩm nhập khẩu nên giá cao hơn nhiều so với bò thông thường", ông Vũ nói và cho biết, nếu nhu cầu của thị trường tăng, công ty sẽ liên kết với nông dân sản xuất theo quy trình của mình để gia tăng sản lượng.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, trên thị trường hiện nay, một số đơn vị nhập khẩu thiếu sự minh bạch, nhập hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sản phẩm bò ngoại. Trong khi đó, Việt Nam đang mặc định thịt bò Nhật là bò Kobe nên hàng Nhật được sản xuất ở Việt Nam vẫn đang khó bán, mặc dù các sản phẩm này có lợi thế là rẻ hơn so với sản phẩm cùng phân cấp.
Ngoài hai công ty trên, trước đó, Công ty chăn nuôi Ushichan Farm ở Ishinomaki, tỉnh Miyagi (Nhật Bản) cũng cho biết sẽ nuôi khoảng 5.000 con bò thịt ở Việt Nam, nhưng tới nay dự án này vẫn còn bỏ ngỏ vì còn nhiều khó khăn.
Mới đây, để bò giống Nhật được nhân rộng nhiều hơn ở Việt Nam, một số dự án ở các địa phương cũng đang hỗ trợ tinh bò giống Nhật cung cấp cho nông dân để cải thiện chất lượng bò thịt. Các loại bò này nông dân bán ra cao hơn bò thường tại địa phương.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường, một chuyên gia về nông nghiệp cho biết, nhu cầu mua thịt bò Nhật đang tăng, tuy nhiên, số lượng này chỉ tập trung vào đối tượng thu nhập cao. Hàng nhập về đang có mức giá khá cao, rẻ nhất ở mức trên 1 triệu đồng một kg, cao nhất lên đến gần 19 triệu đồng (thịt thăn), còn loại thông thường cũng có giá tới 9 triệu đồng một kg. Trong khi đó, hàng của doanh nghiệp Việt sản xuất đang có giá khá hấp dẫn. Do đó, nếu biết khai thác nhu cầu thị trường thì doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh. Ngược lại, nếu không tạo dựng thương hiệu tốt, hàng của doanh nghiệp trong nước dễ bị các sản phẩm ngoại nhập không rõ nguồn gốc lấn át.
Hồng Châu