Như vậy, từ ngày 28/10, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành chỉ phải đóng mức ký quỹ với dịch vụ lữ hành nội địa là 20 triệu đồng, giảm 80% so với trước đây.
Với dịch vụ lữ hành quốc tế, mức ký quỹ cũng giảm 80% so với trước. Trường hợp khách quốc tế đến Việt Nam, mức ký quỹ mới là 20 triệu đồng; khách du lịch ra nước ngoài là 100 triệu đồng.
Số tiền chênh lệch giữa mức ký quỹ cũ và mới sẽ được ngân hàng nhận ký quỹ hoàn trả cho doanh nghiệp.
Cũng theo nghị định này, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ theo quy định mới. Hồ sơ gửi tới cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép trong vòng 30 ngày, từ ngày đổi.
Dịch vụ du lịch, lữ hành nằm trong số lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất qua các đợt dịch vì Covid-19. Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm nay giảm hơn 50%, đạt 4.500 tỷ đồng.
Năm ngoái, 90% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Hiện chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc với phần lớn các doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh lữ hành nội địa.
Trong báo cáo mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc khối tư vấn Dragon Capital Việt Nam nhận định, phải tới cuối quý I, đầu quý II/2022 ngành dịch vụ du lịch mới có thể hồi phục cùng việc mở lại các chuyến bay, vận tải nội địa và quốc tế.
Anh Minh