Tháng 10/2020, doanh nghiệp ông Bùi Anh Tuấn đóng nhà máy ở huyện Chơn Thành, Bình Phước cùng 5 đối tác khác trong ngành cơ khí - điện hợp tác giải mã dây chuyền sản xuất găng tay tự động nhằm thực hiện mục tiêu "made by Vietnam".
Ông Tuấn cho biết, do giai đoạn Covid-19 giãn cách xã hội hạn chế đi lại việc chuyển giao công nghệ khó thực hiện. Nhu cầu găng tay tăng cao nên doanh nghiệp quyết định giải mã công nghệ.
Lúc đầu nhóm dự định mua một dây chuyền của nước ngoài, sau đó học tập từ đơn vị cung cấp trong quá trình lắp ráp, vận hành và thiết kế dây chuyền tương tự. Tuy nhiên việc này không đem lại kết quả và sẽ không biết các nguyên lý, hiểu rõ vì sao hệ thống lại chạy được. Ngoài ra, chỉ riêng chi phí mua dây chuyền đã rất đắt đỏ, lên tới hơn 40 tỷ đồng. Khi chọn phương án giải mã, nhóm đã xây dựng phòng nghiên cứu mô phỏng (Simulation) một công đoạn trong dây chuyền sản xuất găng tay, vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng.
Với kinh nghiệm từng làm nhà thầu cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong ngành cơ khí - điện, ông Tuấn cùng đồng sự tìm hiểu và thử nghiệm trên mô hình thiết kế của Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ... Từ đó, họ đánh giá các nguyên liệu làm găng tay, tìm hiểu công thức phối trộn để tạo sản phẩm đạt chất lượng. Với vật liệu cao su tổng hợp (nitre), nhóm tiến hành nghiên cứu sâu về vật liệu này và các công đoạn polymer hóa, phối trộn nguyên liệu, lưu hóa vật liệu.
Để mô phỏng quá trình, nhóm mua cánh tay robot, thiết lập quy trình mô phỏng chuyển động khuôn găng tay, như trên dây chuyền sản xuất găng tay thật. "Nếu mô phỏng toàn bộ dây chuyền chi phí sẽ rất cao, thời gian lâu. Chúng tôi thử theo theo phương pháp phối trộn mẫu trên thùng nhỏ, dùng cánh tay robot nhúng vào sau đó đưa lên máy se viền, giả lập môi trường tương tự như dây chuyền găng tay", ông Tuấn kể lại. Động tác này nhóm gọi là quá trình thử sai.
Trong 6 tháng, nhóm thử nghiệm trên 40 công thức phối trộn, rồi chọn ra 4 công thức tốt nhất. Song song đó, họ phát triển các mô hình cánh tay robot sau đó triển khai trên phối trộn rồi đưa ra thiết kế dây chuyền phù hợp với nhiều loại nhà xưởng khác nhau.
Ông Tuấn đánh giá, thực tế quá trình giải mã công nghệ, có thể tương tự như hoạt động R&D. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu ứng dụng, dựa trên tri thức nhân loại đã có, sau đó triển khai vào thực tế phù hợp điều kiện trong nước. Việc giải mã giúp công ty ông chủ động công nghệ trên 90%, giá thành chỉ bằng một nửa so với hệ thống ngoại nhập, tức mức đầu tư trên dưới 20 tỷ đồng. Kết quả sau giải mã công nghệ dây chuyền sản xuất găng tay y tế tự động của công ty Mahima Golve đưa vào vận hành với công suất 2.000 cái mỗi giờ. Các thông số này có thể được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.
Ông Tuấn cho rằng, giải mã công nghệ chi phí thấp hơn, nhưng phải đầu tư chất xám, đối mặt thất bại trong quá trình thử sai. "Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải kiên trì, nhưng khi thành công họ hiểu sâu về ngành mình làm, am hiểu toàn diện, làm chủ công nghệ đó và có thể sáng tạo, đổi mới cho ra sản phẩm tốt hơn", ông Tuấn nói.
TP HCM từng có chủ trương đẩy mạnh hoạt động giải mã công nghệ từ năm 2000 với chương trình chế tạo thiết bị chi phí thấp, thay thế hàng ngoại nhập. Ông Kiều Huỳnh Sơn, Giám đốc công ty Máy Thép Việt cho biết, khi thành phố ra chủ trương, giới nghiên cứu, doanh nghiệp rất hào hứng vì đây là hướng đi khá mới. Doanh nghiệp cho rằng khi đó làm giống sản phẩm ngoại nhập là đã thành công. Thời gian này, ông Sơn và cộng sự giải mã thành công sản phẩm đầu tay là máy cán xà gồ dùng trong ngành xây dựng. Máy sản xuất trong nước có giá bằng 50% sản phẩm nhập từ Đài Loan (100.000 USD). Hiện sản phẩm này và một số thiết bị trong ngành xây dựng của ông đã xuất khẩu sang Ấn Độ, Australia, Mỹ...
Ông Sơn cho rằng, trước đây doanh nghiệp giải mã công nghệ khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, thiết kế sản phẩm. Vì không đủ tiền mua máy, họ phải cử người đến các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu, ghi chép nhiều lần sau đó về nhớ lại và vận dụng khả năng suy luận, tưởng tượng kết hợp với kiến thức chuyên môn để giải mã. Tuy nhiên với sự phát triển của internet hiện nay các video thiết kế được đăng tải công khai, công cụ hỗ trợ thiết kế, mô phỏng đã phổ biến, hỗ trợ rất nhiều cho việc giải mã. "Công nghệ trong bối cảnh thế giới phẳng với nhiều thuận lợi, nên việc giải mã cũng đòi hỏi cao, sản phẩm sau phải tốt hơn sản phẩm trước", ông nói.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, nguyên giám đốc Trung tâm ứng dụng Tiến bộ khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, giải mã công nghệ là quá trình dựa trên một số nguồn công nghệ mở, thông tin sản phẩm để tìm ra quy trình, bí quyết, công thức từ đó nhân rộng. Ở các nước phát triển, họ có xu hướng đưa những công nghệ thấp hơn về các nước đang phát triển. Điều này là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ bằng việc giải mã.
Nói về tính pháp lý, ông Tước cho rằng, doanh nghiệp muốn giải mã công nghệ phải mua li xăng (quyền sử dụng) hoặc chủ sở hữu không bảo hộ sản phẩm ở Việt Nam. "Đơn cử nhiều sản phẩm trong ngành dược, sau 20 năm hết thời gian bảo hộ, công nghệ sẽ được phổ biến và là cơ hội để các nước nghèo hơn giải mã phục vụ cho thị trường, người dân", ông nói.
Theo chuyên gia này, giải mã công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành, mà còn nâng cao trình độ nghiên cứu, sản xuất. Tuy nhiên, việc giải mã chỉ có thể thực hiện bởi những sản phẩm không yêu cầu quá cao về công nghệ. Với các công nghệ trình độ nghiên cứu cao hơn như các công nghệ lõi thì việc giải mã khó đáp ứng. Do vậy ông cho rằng, không chỉ học hỏi làm cái giống người khác, cần tập trung nghiên cứu công nghệ lõi. Muốn làm được việc này cần hệ sinh thái tam giác gồm nhà nước - đại học - doanh nghiệp với vai trò là đại học là nơi nghiên cứu, chuyển giao công nghệ theo đặt hàng doanh nghiệp với sự hỗ trợ chính sách từ nhà nước.
Bài sau: Điều kiện để nhiều doanh nghiệp giải mã công nghệ
Hà An