Dệt may được dự báo là ngành chịu tác động lớn bởi những quy định về xuất xứ trong CPTPP. Tại Hội thảo chuyên đề "CPTPP với doanh nghiệp Việt" tổ chức tháng 1 vừa qua, bà Bùi Kim Thùy - Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam cho rằng, CPTPP là Hiệp định thương mại tự do duy nhất Việt Nam tham gia có chương dệt may đứng riêng mà không chung với chương nào khác. Đây là ngành chịu tác động nhiều nhất từ quy tắc về nguồn gốc xuất xứ "từ sợi trở đi".
Vị thế của dệt may Việt
Dệt may được coi là ngành nghề mũi nhọn có cơ hội mở rộng thị trường từ CPTPP. Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệp May Việt Nam, dệt may là ngành công nghiệp đứng đầu cả nước về thu dụng lao động với khoảng 2,7 triệu người.
Trong gần 30 năm nay, dệt may Việt Nam đã phát triển từ con số 0. Năm 1990 xuất khẩu ước đạt 55 triệu USD. Trước khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, Việt Nam mới đạt xấp xỉ 1 tỷ USD.
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh hơn nhập khẩu. 2008 xuất siêu trên 14 tỷ USD, tính đến số liệu nhập khẩu cho xuất khẩu, xuất siêu lên gần 18 tỷ USD.
Thị trường đứng đầu của dệt may Việt là Mỹ gồm xuất khẩu sợi, nguyên phụ liệu... Về tỷ trọng xuất khẩu, Mỹ đứng đầu, nếu tính cả sợi vải may mặc, Mỹ chiếm khoảng 40%, tính riêng may mặc chiếm trên 45%.
Thị phần của dệt may Việt Nam so với EU đang đứng thứ 6, so với ASEAN đứng thứ 9. Về sản phẩm, các sản phẩm như áo thun, jaket, quần, quần áo trẻ em, áo sơ mi có thế mạnh hơn cả.
Dệt may Việt có lợi thế về lực lượng lao động dồi dào, phù hợp cho sự phát triển dệt may. Chi phí nhân công so với các nước như Trung Quốc, Indonesia... đều đang thấp hơn.
Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do mở rộng ra các thị trường lớn. Với những chính sách ổn định, hiện nay dệt may thu hút trên 17,5 tỷ USD nguồn vốn FDI, đây là một trong những nguồn lực lớn để phát triển ngành. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 62%, doanh nghiệp trong nước chiếm 38%.
Điểm nghẽn khiến ngành khó bứt phá
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệp May Việt Nam, tuy phát triển nhanh, dệt may Việt Nam mất cân đối, phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Dù là nước nông nghiệp, Việt Nam phải nhập khoảng 99% bông, xơ sợi sản xuất 2,2 triệu tấn, song nhập khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Về vải, Việt Nam phải nhập đến trên 80%, chủ yếu không phải từ các nước CPTPP.
"Dệt may Việt Nam đứng trước thách thức lớn, khi quy định trong CPTPP đánh đúng vào điểm yếu nhất của ngành. Nếu thách thức này được giải quyết sẽ là cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam để cân đối lại các khâu trong ngành sản xuất", ông Cẩm nhận định.
Đặc biệt, trình độ lao động của ngành không cao, khoảng 76% là lao động phổ thông, lực lượng đào tạo bài bản (sơ cấp lên trung cấp chuyên nghiệp) gần 20%, lực lượng cao đẳng - đại học trên 6,8%. "Muốn tận dụng được các điểm của Hiệp định CPTPP cần chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực", ông Cẩm khẳng định.
Bên cạnh đó, các nước đối thủ cạnh tranh cũng tập trung hỗ trợ ngành dệt may trong nước như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh... Một số nước dệt may mới nổi như Campuchia, Lào, Myanmar được hưởng thuế suất 0% từ EU. Khi Việt Nam xuất khẩu sang các nước quá nhanh, họ có thể áp dụng cơ chế phòng vệ thương mại để kiểm soát tình trạng này. Hiện nay, các thủ tục hành chính, hải quan, kiểm tra chuyên ngành chưa thực sự thông thoáng cũng được coi là rào cản với doanh nghiệp.
Giải pháp tháo gỡ nút thắt từ doanh nghiệp Việt
Để gia tăng giá trị sản xuất, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã chủ động chuyển đổi mô hình hoạt động. Đơn cử, Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao (MXP JSC) cho biết đã chuyển đổi từ mô hình CMT (sản xuất xuất khẩu theo hình thức gia công) sang FOB (tự chủ về nguyên liệu) từ năm 2016.
"Hiện tại, nguồn nguyên phụ liệu cho hoạt động sản xuất của MXP đã khá ổn định, với hơn 100 nhà cung cấp về nguyên phụ liệu", đại diện công ty cho hay.
Nhằm tăng lợi thế cạnh tranh, công ty cũng chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong quá trình vận hành sản xuất và quản trị doanh nghiệp.
Theo đó, MXP đầu tư mạnh vào công nghệ với các phần mềm thiết kế sản phẩm 3D, tự động hóa hệ thống nhập liệu và báo cáo như FastReact, ERP, HRM, eOffice, GSD... Công ty mua thêm máy móc, thiết bị hiện đại, kết hợp với nhà cung cấp thiết kế máy mới, tự sản xuất các loại máy mới đáp ứng các yêu cầu từ khách hàng và các phân xưởng sản xuất.
Cùng với đó, MXP cũng chú trọng xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao, đón đầu các xu thế phát triển của ngành may mặc trên thế giới.
Để thực hiện chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh, MXP cần đội ngũ nhân lực có chuyên môn, kỹ năng nghề đa dạng, thích ứng với sự mọi thay đổi (thay đổi về chủng loại sản phẩm, thay đổi về công nghệ...), tính kỷ luật và tuân thủ hệ thống cao.
Do đó, công ty chú trọng xây dựng chương trình đào tạo toàn diện cho người lao động dưới nhiều hình thức như đào tạo trực tiếp, đào tạo trực tuyến, đào tạo qua sóng phát thanh MXP Radio...
Với mục tiêu thúc đẩy sự thích ứng của người lao động với công nghệ mới, đặc biệt là đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được đưa vào quá trình sản xuất, quá trình quản lý lao động.
Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà việc sử dụng các ứng dụng cũng góp phần đào tạo người lao động làm quen với công nghệ mới, sẵn sàng khi có thay đổi về công nghệ.
Tại nhà máy, hệ thống máy tính bảng được trang bị ngay tại các chuyền sản xuất sử dụng để thống kê lỗi, đăng ký nghỉ, đăng ký làm thêm giờ...
"Nhiều khách tham quan bất ngờ khi thấy các công nhân sử dụng thành thạo máy tính bảng, trong khi phần lớn các bạn mới tốt nghiệp trung học cơ sở. Người àm việc tại MXP cũng không hề lạ lẫm với QR code, chữ ký điện tử bởi đã được làm quen với nhiều ứng dụng...", đại diện MXP cho biết.
Đặc thù của ngành sản xuất may mặc với những tháng cao điểm mua hàng, quỹ thời gian làm việc, làm thêm giờ hạn chế, việc dành thời gian cho công tác đào tạo cũng là bài toán khó. Do đó, việc đa dạng hóa hình thức đào tạo cùng việc kết hợp nhiều phương pháp truyền tải thông tin là giải pháp giúp MXP thực hiện tốt công tác đào tạo.
MXP hiện có quy mô 15.000 nhân viên và 6 nhà máy trên cả nước. Công ty cũng là nhà sản xuất cho các nhãn hàng lớn như The North Face, Lululemon, Under Amour, Patagonia, GAP, Marmot... Các sản phẩm do MXP sản xuất đã tiến sâu vào thị trường Mỹ, Canada và vươn ra các khu vực tại châu Âu, châu Á.
CPTPP là một trong những chủ đề Hội thảo tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức. Hội thảo có sự đồng hành của Công ty cổ phần Sản Xuất Hàng Thể Thao MXP. |
Hà Trương