Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhiều đơn vị, trong đó có cả doanh nghiệp lớn như May 10, Nhà Bè hay May Việt Tiến... ít đơn hàng trong nửa cuối năm 2019.
"Nhiều đơn vị chỉ có đơn hàng tới hết quý III, số ít có đơn hàng tới quý IV. Lượng đơn hàng chỉ bằng 70% cùng kỳ năm ngoái", ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Vitas nêu tại báo cáo tình hình dệt may 6 tháng năm 2019. Ông Cẩm cho rằng, so với các đối thủ, doanh nghiệp Việt xuất sang EU vẫn phải chịu mức thuế cao 9,6% và chịu nhiều cạnh tranh từ các đối thủ.
Tới cuối tháng 6, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 18 tỷ USD, và muốn đạt mục tiêu 40 tỷ USD năm nay, ngành phải tăng trưởng 11-12%.
"Cùng với tình hình đơn hàng giảm, với nhiều tác động từ bên ngoài, như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, Vitas dự báo, dệt may Việt Nam phải cố gắng nhiều mới có thể đạt mục tiêu 40 tỷ USD xuất khẩu năm nay", đại diện Vitas đánh giá.
Nửa đầu năm nay, dệt may thu hút được 700 triệu USD cho 63 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. FDI Trung Quốc vào dệt may Việt Nam với 17 dự án, tổng vốn đăng ký 205 triệu USD; kế đến là Hàn Quốc đăng ký 22 triệu USD của 12 dự án...
Về thị trường xuất khẩu hàng vải và may mặc, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, hơn 7,2 tỷ USD; các nước trong khu vực CPTPP đạt gần 2,6 tỷ USD, EU khoảng 2,05 tỷ USD...
Anh Minh