Theo Bộ, thời gian qua, quảng cáo trên môi trường mạng, nhất là các nền tảng xuyên biên giới bộc lộ nhiều nguy cơ. Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ không thể quản lý tốt vị trí hiển thị, để quảng cáo bị đặt vào cùng các nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đồng thời, dòng tiền quảng cáo được nền tảng xuyên biên giới chia sẻ cho các đối tượng sản xuất nội dung vi phạm pháp luật, qua đó tiếp tay gián tiếp cho hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, cũng như phát tán tin giả, tin xấu độc trên môi trường mạng.
Trước thực trạng này, năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nhãn hàng lớn, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để chấn chỉnh; xử lý vi phạm hành chính nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ đánh giá tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Để hỗ trợ việc tuân thủ luật quảng cáo trên mạng, Bộ đã xây dựng danh sách nội dung đã được xác thực trên mạng (White list). Hiện tại, White list bao gồm danh sách 301 báo, tạp chí điện tử đã được cấp phép. Động thái này nhằm khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, nhãn hàng xem xét lựa chọn quảng cáo trong White list để bảo đảm an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo, nội dung số Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị nhãn hàng chủ động xây dựng danh sách nội dung xấu độc trên mạng của đơn vị mình (Black list) để loại trừ quảng cáo. Bộ giao Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử là đầu mối tổng hợp các trang, kênh, tài khoản xấu độc, gửi cho nhãn hàng, doanh nghiệp tham khảo áp dụng.
Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, nhãn hàng tăng cường rà soát vị trí đặt quảng cáo trên mạng, không để bị gắn vào những trang, kênh, tài khoảng, nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật. Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo đặt vào nội dung độc hại, vi phạm pháp luật.
Anh Tú