Hiện công ty đã có một nhà máy chuyên sản xuất xích xe đạp tại Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai), công suất 10 triệu chiếc một năm. Việc mở rộng đầu tư nhằm mục tiêu nâng công suất lên 15 triệu chiếc một năm.
"Một nhà máy mới tại Việt Nam có thể giúp chúng tôi thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á", ông Daniel Wu - Chủ tịch KMC cho biết trên tờ Taipei Times.

Nhà máy xích xe đạp KMC (Đài Loan) đã trở lại hoạt động bình thường và đang có kế hoạch mở rộng sản xuất. Ảnh: Chinhphu.vn
Trước đó, trong vụ biểu tình quá khích tại Đồng Nai nhân danh phản đối Trung Quốc cho đặt trái phép dàn khoan dầu khí trong vùng lãnh hải Việt Nam, nhà máy của KMC phải đóng cửa một ngày (14/5), song không có thiệt hại lớn nên doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc ngay sau đó. "Chúng tôi nghĩ rằng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã giảm xuống nên quyết định thực hiện kế hoạch mở rộng như dự kiến ", ông Wu nói .
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trong cuộc đối thoại với hơn 200 doanh nghiệp nước ngoài tại Đồng Nai ngày 21/5, ông Thái Gia Vinh, quyền Phó tổng Giám đốc Công ty Xích KMC Việt Nam cho biết hãng đã bị một số đối tượng quá khích đập phá cổng và nhà xưởng, nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời từ chính quyền và lực lượng công nhân của công ty nên tình hình nhanh chóng được kiểm soát.
Ông Vinh cũng thông tin trong sáng 21/5, công ty mẹ ở Đài Loan đã báo lại rằng Tập đoàn vẫn tin tưởng và cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết tính đến sáng 21/5, đã có 192/198 doanh nghiệp bị thiệt hại do các hành vi gây rối quay trở lại hoạt động bình thường.
Phương Linh