Mảnh đất 5.000m2 tại xã Tân Thiềng của hai vợ chồng ông Hồ Văn Khởi (huyện Chợ Lách, Bến Tre) nằm giữa đôi dòng Cổ Chiên và Hàm Luông. Bao năm, gia đình ông sinh nhai với cây tắc, bưởi da xanh. Đất đai màu mỡ khiến những quả tắc tròn vạnh, bóng da còn bưởi đều màu, thịt quả tươi mọng.
Cuối năm 2019, một loạt cây tắc nhà ông Khởi nổi đốm vàng, teo cuống, còn thịt quả xơ cứng. Hàng chục năm sinh nhai với trồng trọt, ông Khởi nhận ra ngay dòng nước tưới vốn dẫn vào từ dòng Hàm Luông bị xâm nhập mặn. Càng tưới, thân rễ càng yếu ớt, hư hại rồi dẫn đến chết cây, thiệt hại hàng chục triệu đồng trong mùa vụ.
"Lần hạn mặn năm 2016 tôi nhớ như in là chỉ ba ngày là nước ngọt trở lại. Còn giờ thì vài tháng rồi mà tình trạng chưa thuyên giảm", ông Khởi nói.
Để có nước ngọt cho tưới tiêu, người đàn ông cận lục tuần phải mua từng khối nước từ sông Cổ Chiên cách đó gần 20km. Chưa đến một ngày, ông lại phải đi mua hoặc nhờ bà con, người quen chở về. Nước ngọt mua về chỉ đủ nhỏ giọt "cứu khát" cho hoa màu nhưng giá đến 120.000-150.000 đồng cho một khối, cao gấp chục lần giá nước đã qua xử lý tại TP HCM.
Cách đó 120km, gia đình chị Võ Thị Ngọc Sương (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) thì sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều tháng nay, nước từ vòi đục ngầu và mặn chát nên không thể dùng nấu nướng, tắm rửa hay giặt giũ.
Muốn mua nước sạch, chị Sương phải chèo ghe qua dòng Mỹ Thanh. Cũng chính người phụ nữ này phải đảm đương với những can nước nặng hàng chục cân, xách từ ghe rồi lấp đầy phuy nước trong nhà. Thế nhưng một phuy đầy cũng chỉ đủ dùng đến hết ngày. Gia đình sáu người phải chắt chiu, nhín nhút từng chút một. Nhiều hôm gió lớn, nước to, chị Sương không thể qua sông. Thế nên chiếc phuy cứ thế cạn đáy, còn anh Ẩn, chị Sương và các con đành tắm bằng nước mặn, mua thêm nước lọc chỉ để nấu ăn.
Không chỉ gia đình ông Khởi hay chị Sương, thiên tai hạn mặn cũng bủa vây cuộc sống của 20 triệu người dân tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Đến 18/4, đã có đến 6 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng. Hơn 43.000 ha lúa, hàng nghìn ha vườn cây ăn trái bị mất trắng; khoảng 80.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
Không chỉ thiếu nước cho tưới tiêu, trồng trọt mà cả nước cho sinh hoạt giờ cũng không còn. Đơn cử, tại Bến Tre, độ mặn đo đạc các điểm cách cửa sông 70km là trên 5‰, riêng các nhánh sông cách cửa biển khoảng 15km mặn vượt mức 15‰. Hiện tại các nhà máy nước sạch của tỉnh cung ứng cho người dân cũng đã bị nhiễm mặn. Từ nông thôn đến thành thị, nhiều gia đình phải đổi nước ngọt với giá khá cao để sản xuất lẫn sử dụng. Còn tại Sóc Trăng, mặn cũng đến sớm hơn một tháng so với mọi năm và kéo dài, ranh mặn đến 4‰ và xâm nhập sâu hơn 50km trên các con sông chính, khiến hơn 20.000 hộ dân sống trong tình trạng thiếu nước sạch. Vĩnh Long cũng ghi nhận hơn 26.600 gia đình không có nước máy sử dụng, 89.743 hộ dân phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn.
Để trữ từng dòng nước ngọt mát lành, nhiều hộ dân tận dụng từ can, thùng, lu, phuy cho đến lót vải bạt dưới ao mương. Nước được mua về từ các điểm chưa nhập mặn, rồi cứ thế chứa đầy các công cụ trữ. Tuy nhiên đây chỉ là các cách làm tạm thời, đáp ứng nhu cầu trong ngày vì dung tích trữ thấp, không bảo đảm che chắn. Chưa kể việc trữ nước dưới mương cũng khiến hệ thống rễ ngập hoặc đất thiếu oxy, ảnh hưởng đến nhiều giống cây trồng nhạy cảm, khiến chất lượng nông sản giảm sút. Chỉ những hộ đủ điều kiện mới có thể xây hồ chứa.
Trong chương trình phát triển bền vững, Liên Hợp Quốc đề xuất 17 mục tiêu, trong đó mục tiêu phát triển bền vững thứ 13 đề cập "Hành động về khí hậu" nêu rõ: "Hãy hành động khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu và các tác động của nó".
Trước những thiếu thốn của bà con nông dân, Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood đã bắt tay triển khai hoạt động trao tặng 3.331 chiếc túi chứa nước cho 8 tỉnh thành miền Tây với tổng trị giá tài trợ lên đến hơn 8 tỷ đồng.
Trong hai ngày 24-25/4, Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood đã tiến hành lễ bàn giao túi chứa tại ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Sóc Trăng. Trong đó, Bến Tre và Sóc Trăng nhận mỗi tỉnh 1.000 túi, Vĩnh Long nhận 700 túi. Số còn lại sẽ trao cho các địa phương còn lại đến đầu tháng 6.
Theo ông Đinh Hùng Dũng - Phó tổng giám đốc Lavifood, đại diện hai doanh nghiệp tổ chức hoạt động, cho biết hơn ai hết chính người nông dân là mắt xích quan trọng trong chuỗi an ninh lương thực. Trong Covid-19 vừa qua càng chứng minh cho nhận định này khi hoạt động cung ứng lương thực - thực phẩm cho người dân là vấn đề cấp thiết hàng đầu, bên cạnh các hoạt động phòng chống dịch.
"Chúng tôi thực hiện chương trình này vì cảm thấy cần phải tri ân người nông dân. Vì thực tế, dù còn nhiều khó khăn trong điều kiện trồng trọt, nhưng người nông dân vẫn kiên trì bám trụ, linh động với các giải pháp để vẫn có thể canh tác trên mảnh đất của chính mình, góp phần cung cấp nông sản cho thị trường", ông Hùng Dũng nhận định.
Quyết định tài trợ hàng nghìn túi chứa nước của doanh nghiệp được đưa ra qua nhiều chuyến thực địa của lãnh đạo đôi bên xuống các tỉnh thành gặp hạn mặn, trực tiếp lắng nghe chia sẻ của người dân, sau đó lấy ý kiến từ các chuyên gia nông nghiệp, các nhà khoa học để đưa ra giải pháp. Các công đoạn được xúc tiến khẩn trương trong vòng chưa đến một tháng để bà con nông dân tức thời có công cụ tích trữ nước ngọt, tiếp tục bám trụ với mảnh đất, mảnh vườn và kiên trì sản xuất.
Túi được làm bằng nhiều lớp PEPP theo tiêu chuẩn ASTM (American Society for Testing and Materials - Hiệp hội Vật liệu và Thử nghiệm Mỹ), phía trên bố trí đầu van để kết nối ống bơm nước, phí dưới đặt một van xả để dẫn nước ra. Sản phẩm có thể thích nghi với nhiều vị trí đặt để khác nhau như mặt đất, ao hồ và cho độ bền đến 7-10 năm trong điều kiện bảo quản tốt. Với dung tích trữ tối đa 7 khối nước, túi được sử dụng cho tưới tiêu diện tích rộng lớn trong nhiều ngày hoặc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt nhiều tuần lễ.
Ngày nhận túi chứa nước, cả ông Khởi và chị Sương đều không khỏi háo hức. Có chỗ trữ khối lượng nước lớn, ông Khởi không còn phải lặn lội đường xa để mua nước ngọt mỗi ngày. Người nông dân kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt ở vườn nhà để bộ rễ luôn được "giải khát" liên tục trong vài ba ngày. Còn chị Sương vui mừng thoát cảnh trông trời lặng gió, chờ con nước êm để đi băng sông khiêng nước. Từ giờ, có túi chứa nước, gia đình chị có thể nhờ xe bồn của xã đến bơm, tích đủ nước sử dụng nhiều tuần.
Những chiếc túi chứa nước chỉ là món quà dùng trong "ngắn hạn". Doanh nghiệp còn kết hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn cùng Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo (hai đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia TP HCM) để triển khai các đề tài, luận án mang tính chiến lược, thiết thực cho công tác ứng phó hạn mặn trong dài hạn.
Trước tiên, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ trồng mẫu 50 ha lúa tím chịu mặn theo mô hình lúa - cá, lúa - tôm tại ba tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bến Tre. Mỗi tỉnh thử nghiệm ở phạm vi 17ha, sau đó nhân rộng cho nông dân.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, trồng lúa tím kết hợp mô hình sinh kế lúa - tôm, lúa - cá không chỉ là thích ứng với hạn mặn và còn là giải pháp bền vững trong nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, loại lúa vừa trồng được trong nước ngọt lẫn nước lợ. Lúa tím chịu hạn trên 2‰, trong khi các giống địa phương chỉ trên dưới 1‰, đồng thời kháng sâu bệnh tốt. Năng suất có thể đạt 4,5-5 tấn trên một ha, giảm 10% so với lúa thường nhưng giá trị trường cao gấp đôi, canh tác từ 95-100 ngày. Các chi phí đầu vào giảm hơn, đầu tư đầu vào thấp hơn.
Thứ hai, mô hình phù hợp với điều kiện văn hóa thân quen với cây lúa người nông dân miền Tây, so với cây ăn trái thì cần ít vốn đầu tư cũng như kỹ thuật canh tác cũng đơn giản hơn.
Thứ ba là tính thân thiện môi trường của mô hình này rất cao, bởi lúa có sạch thì cá, tôm mới sống được. Trong thời gian dài, việc duy trì mô hình hữu cơ này giúp môi trường được phục hồi, trả lại cảnh quan nguyên bản cho miền Tây.
"Không chỉ hướng dẫn người dân thực hiện, chúng tôi còn đang nghiên cứu đến đầu ra, giúp người dân cải thiện thu nhập, cuộc sống, từ đó là tiền đề tiếp theo để nhân rộng mô hình", đại diện Đại học Quốc gia TP HCM cho biết.
Dù bận rộn với công tác điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 nhưng các lãnh đạo của Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood vẫn di chuyển hơn 100km mỗi ngày để có thể tiếp xúc, gặp gỡ đại diện các địa phương, từ đó lắng nghe, thấu hiểu hơn hoàn cảnh của người dân miền sông nước.
Theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng - Chủ tịch Lavifood, doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực chủ đạo là nông nghiệp, mà mũi nhọn là xuất khẩu trái cây, rau củ quả chất lượng cao sang các thị trường quốc tế. Do đó, thiên tai kép hạn hán và xâm nhập mặn không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, dân sinh của hàng triệu người nông dân mà còn đem đến những thử thách cho Lavifood.
Do đó, dù nhiều cách trở trong điều kiện xã hội còn đang giãn cách, doanh nghiệp vẫn không thể khoanh tay mà còn đặt quyết tâm cao hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn. Các phòng ban của công ty sớm lên kế hoạch kêu gọi các đối tác đồng hành, trong đó có Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Quốc gia TP HCM cùng đồng hành.
Nhà lãnh đạo 8X còn kỳ vọng rằng những đóng góp bước đầu của Tập đoàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Lavifood sẽ tác động cộng đồng, tạo tiền để các doanh nghiệp khác sẽ cùng xông xáo thực hiện, tạo ra một làn sóng lớn cải thiện dân sinh, kinh tế của các địa phương miền Tây.