Tại trung tâm thương mại Intimex ở phố Hào Nam (Hà Nội), hàng ngoại nhập chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại hàng nội. "Chỉ có một số mặt hàng như dầu gội, sữa tắm, bơ, pho mát, xúc xích, bánh kẹo là nhập khẩu. Còn lại các mặt hàng may mặc, đồ dân dụng gia đình, hàng Việt Nam chiếm đến 100%", đại diện trung tâm này cho hay.
Tin bài liên quan | |
|
Theo vị đại diện này, hàng Việt Nam chất lượng cao đang dần khẳng định được vị thế. Tiêu biểu như các hãng May 10, Việt Tiến được nhiều người tiêu dùng ưu ái. Chất lượng hàng nội và hàng ngoại đôi khi không chênh nhau là mấy, tuy nhiên, do tâm lý, nhiều người tiêu dùng vẫn thích dùng hàng ngoại hơn. "Thường những người có thu nhập cao mới mua hàng ngoại. Đối tượng của chúng tôi là người có thu nhập trung bình khá, nên hàng nội vẫn bán khá chạy", vị đại diện nói.
Mua sắm tại chợ Tân Thanh (Lạng Sơn). Tại khu chợ cửa khẩu này, người ta có thể mua từ quần áo tới đồ gia dụng Trung Quốc với giá rẻ hơn 20-30% so với các địa phương khác. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hiện tỷ lệ hàng Việt Nam trong các siêu thị tại Hà Nội chiếm khoảng 80-85%. Nhưng tốc độ tiêu thụ đến mức nào thì còn cần được tính toán, bởi khá nhiều mặt hàng trong nước tiêu thụ chậm hơn hàng ngoại, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận xét. Hiện hàng trong nước phổ biến nhất đối với người tiêu dùng trung niên và cao tuổi, trong khi khoảng 60% lớp khách hàng trẻ tuổi nhắm đến các mặt hàng có nguồn gốc ngoại nhập.
"Thị trường Việt Nam rộng mênh mông với giá trị 40-50 tỷ USD mỗi năm, nhưng doanh nghiệp trong nước chưa chiếm lĩnh được. Trong khi đó, trên nhiều thị trường, như đồ chơi trẻ em, hàng nước ngoài chiếm đến 90%, hàng may mặc khoảng 30-40%", ông Phú xót xa.
Ngoài những lý do như tâm lý thích hàng ngoại, thì việc doanh nghiệp trong nước chưa thuyết phục được người tiêu dùng được nhận định là do họ chưa nghĩ cho khách hàng. Những scandal "sữa tươi nguyên chất" hóa ra là sữa bột hoàn nguyên, sữa thiếu hàm lượng đạm, nhập khẩu thịt lợn, xúc xích quá hạn sử dụng cả năm, rồi dán nhãn mới lên đem bán... là những đòn giáng vào niềm tin của người tiêu dùng với doanh nghiệp trong nước.
Muốn được người tiêu dùng yêu, trước hết doanh nghiệp trong nước phải biết thương các "thượng đế" của mình, ông Vũ Vinh Phú nhận xét. Từ khi còn làm quản lý trong ngành thương mại tại Hà Nội, ông đã chú ý đến điều này. "Nhưng bây giờ đến siêu thị, bị nhầm lẫn mà không được xin lỗi vẫn xảy ra, hay hiếm hoi nhận được lời cám ơn hay nụ cười của người bán hàng. Nhiều khi người ta chỉ đưa cho khách túi hàng cùng cái hóa đơn, mà cũng không buồn ngước lên nhìn", ông Phú nói.
Một hiện tượng khác được ông Vũ Vinh Phú nhận thấy, là chất lượng hàng hóa có xu hướng giảm sút sau một thời gian thành công trên thị trường. Với các nhãn hàng nước ngoài, chất lượng được bảo đảm từ khi ra mắt trên thị trường cho đến nhiều năm về sau.
Mới đây, Bộ Công Thương xin ý kiến dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng. Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh nhấn mạnh, Luật bảo vệ người tiêu dùng tạo môi trường pháp lý cho người tiêu dùng khiếu kiện khi quyền lợi của họ bị vi phạm. Luật không trực tiếp cung cấp kiến thức cho người tiêu dùng.
Song bởi không được cung cấp đầy đủ thông tin, người tiêu dùng khó lòng trở nên "thông thái" và có thể lựa chọn hàng hóa tốt nhất cho mình. Theo ông Lê Hồng Hanh, Viện trưởng Viện khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, người tiêu dùng đang chịu thiệt bởi sự mất cân bằng thông tin về chất lượng hàng hóa. "Hệ thống quảng cáo của Việt Nam thiếu kiểm soát khiến thông tin bị nhiễu loạn. Ở các nước châu Âu, nếu quảng cáo hàng của một hãng nào đó dùng từ "tốt nhất" là vi phạm pháp luật. Khi đưa ra khái niệm tốt nhất, nhà sản xuất phải chứng minh", ông Hanh nói.
Hoàng Lan - Ngọc Châu