Theo số liệu thống kê bởi Bloomberg, ước tính các doanh nghiệp trên toàn cầu đã huy động được lượng vốn kỷ lục gần 350 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, cao hơn mức đỉnh 282 tỷ USD của nửa cuối năm 2020. Các doanh nhân và ngân hàng nhờ vậy đã kiếm được rất nhiều tiền.
Cuộc đua IPO đã được khởi động từ năm ngoái khi nhà đầu tư quan tâm nhiều đến các dịch vụ số, các doanh nghiệp sở hữu công nghệ hỗ trợ cho việc người dân ở nhà nhận được nhiều tiền đầu tư. Cùng lúc đó, nhóm các công ty được lập ra với mục đích thâu tóm đặc biệt (SPACs) cũng tràn ngập thị trường IPO. Sang năm nay, khi giá cổ phiếu không ngừng tăng trưởng mạnh, xu thế này đã mở rộng ra cả các công ty năng lượng tái tạo và công ty bán lẻ trực tuyến.
Doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác nhau, từ Công ty sữa dê Thụy Điển Oatly Group AB cho đến Công ty sản xuất ủng Dr. Martens cũng đều đã chào bán cổ phiếu trong năm 2021. Tuy nhiên, nhóm các doanh nghiệp công nghệ vẫn chiếm khá đông trong số các vụ IPO. Công ty Didi Global sẽ có đợt IPO lớn nhất Mỹ trong thập kỷ qua nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục thực thi kế hoạch chào bán khoảng 4 tỷ USD cổ phiếu.
Ông Aaron Arth, trưởng bộ phận tài chính phụ trách các nước châu Á (không tính Nhật) tại tổ chức tài chính Goldman Sachs, nhận xét: "Thị trường tài chính nhiều nơi, từ New York cho đến Hong Kong, đều tăng trưởng nóng trong nửa đầu năm nay và thậm chí còn khiến cho nhiều người nhớ lại bong bóng dotcom thập niên 1990".
Hoạt động IPO trở nên sôi động nhờ lượng tiền dồi dào mà ngân hàng trung ương nhiều nước đã bơm vào nền kinh tế cùng sự trỗi dậy của tầng lớp nhà đầu tư cá nhân, những người sẵn sàng mua một phần của công ty mà họ yêu thích.
Các ngân hàng đầu tư trên thế giới hưởng lợi nhiều, họ thu được nguồn phí bảo lãnh và tư vấn lớn. Hai tổ chức tài chính bao gồm Citigroup và Goldman Sachs đang dẫn đầu bảng xếp hạng tư vấn và bảo lãnh cho các đợt IPO doanh nghiệp trong năm nay.
Khi mà có quá nhiều doanh nghiệp đổ xô IPO, dường như thị trường có dấu hiệu sẽ bão hòa. Nhà đầu tư khi có nhiều lựa chọn sẽ trở nên khó tính hơn và cũng ngại trả giá cao cho cổ phiếu của những công ty đang tăng trưởng nhanh vốn ngập tràn thị trường IPO.
Kết quả, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có hồ sơ đẹp đã sụt giá mạnh ngay trong phiên chào sàn, nhiều công ty vì vậy không khỏi thất vọng. Cổ phiếu của công ty giao thực phẩm Deliveroo Plc giảm 26% trong ngày giao dịch đầu tiên trên thị trường London; cổ phiếu Oscar Health, công ty bảo hiểm đồng sáng lập bởi Josh Kushner, đã giảm 40% tính từ khi gia nhập thị trường New York.
Mới đây, Công ty Nord Gold Plc của Nga đã phải rút kế hoạch IPO bởi lý do thị trường có nhiều bất ổn và giá vàng biến động bất thường. Trong tháng trước, tổ chức Genworth Financial đã trì hoãn việc chào bán cổ phiếu của công ty thành viên Enact Holdings. Ngoài ra, công ty Geely Automobile Holdings đang niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong cũng đã rút hồ sơ niêm yết cổ phiếu tại Thượng Hải.
Trưởng bộ phận thị trường vốn khu vực châu Âu, ông Saadi Soudavar, nhận xét: "Rõ ràng có dấu hiệu nhà đầu tư cảm thấy mệt mỏi và ngày một kén chọn hơn. Đây là một năm IPO kỷ lục chính vì vậy họ có thể có lựa chọn của riêng mình".
Nhu cầu của nhà đầu tư đối với một loại hình niêm yết cổ phiếu hiện giảm đi. Các công ty SPAC chiếm khoảng một nửa trên thị trường IPO toàn cầu trong quý 1, tuy nhiên tỷ lệ này sang đến quý 2 chỉ còn khoảng 13%.
Chỉ số theo dõi các đợt niêm yết cổ phiếu của các công ty đã giảm khoảng 23% so với mức cao vào tháng 2 năm nay. Tình trạng cổ phiếu chào sàn suy giảm đã không khỏi gây tổn hại đến niềm tin của thị trường. Giới chức tài chính đã đưa ra nhiều cảnh báo với nhà đầu tư cá nhân cần cẩn trọng với các quyết định của mình.
Tuy nhiên, chừng nào thị trường chứng khoán vẫn tăng điểm, làn sóng IPO sẽ khó mà dịu đi, tổng giá trị các đợt IPO trong năm nay có thể vượt kỷ lục 420,1 tỷ USD của năm 2017. Cơn sốt IPO cũng sẽ vẫn tiếp tục trong khoảng từ 6 đến 12 tháng tới, theo dự báo của đồng trưởng bộ phận thị trường vốn tại tổ chức Jefferies Financial Group – ông Rob Leach.
Diệu Thanh (Theo Bloomberg)