Nhiều năm kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, song quy mô nhỏ lẻ, ít đơn vị liên kết nên cứ nghĩ đến việc phải cạnh tranh với hàng ngoại, ông Phạm Đức Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình (Đồng Nai) lại thở dài ngao ngán. Mối lo càng hiển hiện khi ông được biết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam vừa hoàn tất đàm phán sẽ gỡ bỏ nhiều dòng thuế, khiến sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn.
Vị này dẫn chứng, hiện một con heo nái sinh sản một lứa khoảng 12 con. Sau khi nuôi, trọng lượng giết mổ lứa heo thịt đạt 6,5 tạ. Trong khi tại Mỹ, một lứa của heo nái là 24 con, trọng lượng giết mổ lên tới 2,5 tấn. Như vậy, năng suất chăn nuôi heo của doanh nghiệp nội chỉ bằng 25-30% so với nước ngoài. Điều này khiến giá thành tăng cao, lợi nhuận thấp và khó cạnh tranh khi Việt Nam mở cửa thị trường.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hùng - Phó giám đốc Công ty Ba Huân cho rằng khi gia nhập TPP, các doanh nghiệp trứng sẽ gặp nhiều thách thức cạnh tranh với tập đoàn nước ngoài. Nếu không có mô hình khép kín, công nghệ hiện đại, doanh nghiệp dễ thất bại, thậm chí bị thâu tóm.
Dù vậy, vẫn có những nhận định khá lạc quan khi cho rằng trong thách thức luôn có cơ hội phát triển. Chăn nuôi gia cầm là một ví dụ. Ông Trần Duy Khanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết có những phân khúc ở lĩnh vực này Việt Nam không thể cạnh tranh được, trong đó có giống gà lông trắng. Đây là mặt hàng đã được các quốc gia thành viên phát triển cả chục năm nay. Do đó, doanh nghiệp trong nước không cần thiết để phát triển thị trường.
"Theo khảo sát hiện tại châu Âu, Mỹ đang bắt đầu thích gà thịt thả vườn của Việt Nam với giá đắt 3-4 lần so với gà lông trắng. Tại sao chúng ta không khai thác để có thể cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan", ông nói.
Thừa nhận thách thức lớn nhất của ngành là mô hình sản xuất tự cung tự cấp, song theo ông Khanh, thời gian qua, các hộ dân bắt đầu thay đổi. Đã có sự liên kết ngang và dọc tạo chuỗi liên hoàn từ con giống, kỹ thuật, đến bao tiêu thị trường. "Điều này chứng tỏ họ đã sẵn sàng để đón nhận thách thức", vị này này nhận xét.
Đánh giá về khả năng hội nhập, đại diện hiệp hội cho biết không ít đơn vị đã chuẩn bị các phương án. Trong đó, rất nhiều hộ chăn nuôi gà lông trắng đã chuyển sang nuôi gà lông màu đáp ứng thị trường. Mới đây, một hãng đồ ăn nhanh của Mỹ đã hạn chế nhập trứng gà nuôi nhốt và quay sang sử dụng trứng gà thả vườn. Đây là điều kiện tốt cho chăn nuôi gà lông màu ở Việt Nam thời gian tới.
"Trong rủi lại có may, trước một mình chơi một sân, doanh nghiệp không cần quá thay đổi. Nay TPP buộc họ phải tự nhìn lại mình, ứng dụng khoa học giảm giá thành, nâng cao chất lượng. Đặc biệt người tiêu dùng cũng có cơ hội lựa chọn những sản phẩm chăn nuôi nội địa lẫn nước ngoài rẻ và an toàn", ông Khanh cho biết.
Cũng nhận thấy những hạn chế nội tại, ông Bình cho biết khoảng một năm nay, công ty đã chuẩn bị kế hoạch đối diện với TPP. Hiện, ông đã thu hẹp quy mô chăn nuôi heo, gà, giảm số lượng trang trại chăn nuôi cũ, kém chất lượng. Thay vào đó chuyển sang xây kho cho thuê. Riêng mảng thức ăn chăn nuôi gia súc, đơn vị giảm sản lượng thành phẩm và tăng cường cung cấp nguyên liệu cho người chăn nuôi.
Điều ông băn khoăn nhất là khi chuyển đổi mô hình, vô hình sẽ khiến không ít các đơn vị phân phối thức ăn chăn nuôi có thể phải đóng cửa. "Sẽ có vài nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị tổn thất nặng nề, nhưng điều này sẽ tạo nên diện mạo mới cho ngành. Đồng thời, khi cạnh tranh, sẽ có nhiều hơn người dân Việt Nam được ăn thịt rẻ, chất lượng", vị này cho hay.
Đối với Công ty Ba Huân, lãnh đạo cũng cho biết ngoài xây dựng hệ thống trang trại khép kín, kết nối chuỗi sản xuất công ty đã đầu tư công nghệ hiện đại để xây dựng một nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An nhằm tận dụng nguyên liệu và khép kín quy trình sản xuất kinh doanh sẵn sàng đưa ra các sản phẩm đủ tiêu chuẩn so với các thành viên của TPP.
Ở góc độ chính sách, ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) ví von TPP với doanh nghiệp nông nghiệp như "chuyến ra biển lớn". Nếu vượt qua được sóng to, có khi doanh nghiệp lại có cơ hội để tự khẳng định mình. Dù vậy, để doanh nghiệp trụ được trong giai đoạn đầu, cần một chính sách đầu tư hợp lý nhằm nâng đỡ cho nền nông nghiệp và chăn nuôi nói riêng. "Nếu để các doanh nghiệp tự bươn chãi sẽ rất khó tồn tại", ông nhận định
Quan tâm đến tiêu thụ nông sản, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học An Giang cho rằng các sản phẩm nội địa sẽ chịu lép vế so với mặt hàng cùng loại từ các nước thành viên ít nhất trong 3 năm đầu tiên kể từ thời điểm TPP chính thức được ký.
"Rất nhiều loại rau quả chất lượng cao sẽ được nhập về Việt Nam. Trong 3 năm đầu người dân Việt Nam tạm thời ăn nông sản giá rẻ của Mỹ, Australia, New Zealand... Coi như thời gian đó để các doanh nghiệp nội địa chuẩn bị nguyên liệu xây dựng nhà máy sơ chế đống gói đúng theo tiêu chuẩn chất lượng", chuyên gia nói.
Theo Giáo sư, dù khó khăn nhiều nhưng đây cũng là cơ hội duy nhất của nông sản Việt. TPP là sức ép cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp nông sản không thể làm ăn đơn giản như hiện nay. Họ phải tính đến việc đầu tư vùng nguyên liệu, nhà máy sơ chế đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để có những sản phẩm đủ tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đó, trao đổi với báo giới ngay khi từ Mỹ trở về, Trưởng đoàn đàm phán TPP - Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận nông nghiệp, trong đó chăn nuôi sẽ khó khăn.
Dù lúc này kết quả đàm phán chưa được công bố, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định chăn nuôi sẽ có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế về 0%. Trong thời gian này, Việt Nam chắc chắn phải nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp tăng sức để sức cạnh tranh ngay tại sân nhà. Ông cũng tin tưởng không có lý do gì một nước nông nghiệp như Việt Nam lại không thể thắng các quốc gia khác trong lĩnh vực này.
Thành Tâm - Thi Hà