Nguồn thu từ sản xuất và kinh doanh mủ cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) quý cuối năm 2021 tăng 20%, lên hơn 7.460 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp mảng này tăng khoảng 27% lên mức trên 2.100 tỷ đồng. Mủ cao su tiếp tục là xương sống của GVR trong năm qua khi mảng sản phẩm từ cao su, bất động sản có tình hình kém khả quan.
Giá bán mủ cao su tăng theo sản lượng cũng giúp doanh thu thuần của Công ty cổ phần Cao su Thống nhất (TNC) hơn gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 32 tỷ đồng trong quý cuối năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, TNC ghi nhận lợi nhuận sau thuế khoảng 6 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với quý IV/2020.
Tương tự, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) cũng có lợi nhuận tăng cao. Quý cuối năm 2021, sản lượng tiêu thụ mủ cao su của công ty này giảm nhưng nhờ giá bán bình quân cao hơn cùng kỳ năm trước và cây cao su thanh lý tăng, lợi nhuận gộp của DPR vẫn tích thêm gần gấp đôi. Gộp với khoản lợi nhuận khác, lãi ròng công ty tăng hơn 6,8 lần lên mức hơn 278 tỷ đồng.
Tăng trưởng kỷ lục trong quý IV/2021 còn có Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC). Sản lượng cao su khai thác tăng theo giá bán đã giúp giảm chi phí và đẩy lợi nhuận sau thuế của công ty này lên cao, tăng tới 253%. Công ty lãi hơn 19 tỷ đồng trong quý cuối năm ngoái.
Đà tăng trưởng lợi nhuận cao của các doanh nghiệp cao su đã kéo dài từ giữa năm ngoái. Ngay cả trong quý III/2021 - cao điểm dịch bệnh - nhiều doanh nghiệp vẫn thu lãi khủng nhờ giá bán "vàng trắng" tăng mạnh.
Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, trong năm 2021, xuất khẩu cao su cả nước ước đạt gần 2 triệu tấn, mang về 3,3 tỷ USD. Giá trị cao su xuất khẩu tăng gấp 3 lần so với sản lượng, đạt hơn 39% so với năm 2020.
Riêng xuất khẩu cao su sang Liên minh châu Âu (EU) đã đạt khoảng 100.000 tấn trong tháng 11, tương đương 175 triệu USD. Giá cao su xuất sang thị trường này đã tăng mạnh gần 73% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ngành cao su có đòn bẩy để liên kết sâu rộng vào thị trường lớn với giá bán cao. Cơ quan này dự đoán, nhiều mặt hàng như cao su cao cấp (SVR CV), chủng loại SVR 10, SVR 20... sẽ tăng trưởng nối tiếp trong nhiều năm tới.
Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cũng cho rằng, giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đưa ra quan điểm, trong ngắn hạn, giá cao su sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân là cây cao su bước vào thời kỳ nghỉ khai thác, nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng trở lại sau kỳ nghỉ đông. Tuy nhiên, đà tăng vẫn bị hạn chế bởi biến thể Omicron và sự chững lại trong sản xuất ôtô.
Dẫu giá cao su tăng cao tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, một số doanh nghiệp quý vừa qua vẫn ghi nhận sự suy giảm lợi nhuận do không có các khoản thu bất thường khác. Như Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) có tình hình kinh doanh mảng cao su tích cực nhưng lãi sau thuế công ty mẹ quý IV/2021 lại giảm một nửa so với cùng kỳ. Nguyên nhân là tiền thu từ thanh lý cao su sụt giảm và không ghi nhận tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất cho dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.
Tương tự, doanh thu tăng trưởng mạnh, Công ty cổ phần Cao su Đăk Lăk (DRI) vẫn thâm hụt hơn một nửa lợi nhuận ròng hợp nhất trong quý cuối năm. Ban lãnh đạo giải thích do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 40 tỷ đồng và lỗ thanh lý vườn cây cao su hơn 11 tỷ đồng.
Tất Đạt