Công ty chứng khoán SSI vừa có báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong ba tháng đầu năm. Tổng lượng phát hành của các doanh nghiệp đạt 37.400 tỷ đồng, giảm gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 62% là của các doanh nghiệp bất động sản với lượng phát hành 23.150 tỷ đồng, chỉ giảm 5% so với cùng kỳ.
Lượng phát hành của các ngân hàng thương mại phát hành chỉ chiếm 3,3%, các công ty chứng khoán và định chế tài chính phi ngân hàng chiếm 6,8%, doanh nghiệp phát triển hạ tầng (3,1%), doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản (4,5%).
Kỳ hạn bình quân các trái phiếu bất động sản phát hành trong quý I giảm mạnh xuống 2,9 năm, từ mức bình quân 3,9 năm của hai năm 2019 và 2020. Mặc dù kỳ hạn trái phiếu ngắn hơn nhưng lãi suất bình quân nhóm này tăng 0,14% so với quý IV/2020, lên mức 10,41% mỗi năm và hiện là nhóm có lãi suất cao nhất thị trường.
Nhóm ngân hàng có lãi suất bình quân thấp nhất, chỉ 4,67% mỗi năm, do VPBank phát hành 1.150 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm lãi suất chỉ 3,9%.
Trong tổng lượng trái phiếu phát hành quý I, quá nửa là các trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu. Cụ thể, 15.300 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản đảm bảo (chiếm 41%) gồm 3.580 tỷ trái phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán, 7.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản và 2.200 tỷ đồng các trái phiếu phát hành ra công chúng.
Có 3.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (chiếm 9,2%) có tài sản đảm bảo hoàn toàn là cổ phiếu, gồm trái phiếu của PDR, KDC, KBC, APH, DXG và một số công ty chưa niêm yết.
Chịu tác động từ quy định về điều kiện đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ, các nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 1.529 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp trong quý I, bằng 16% lượng mua cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia giảm từ 19,7% trong quý I/2020 xuống mức 4,1%.
Minh Sơn