Ông Nguyễn Huy, chủ nhà thầu tại một số công trình ở đường Nguyễn Trãi, Đào Tấn (Hà Nội) cho hay, mặc dù nhiều doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác đã đi làm trở lại, tại công trường của anh, công nhân vẫn chưa đến đủ. "Trước Rằm tháng Giêng, cả công trường chỉ có khoảng vài người đến gọi là 'điểm danh'. Còn đến nay, công trường mới chỉ lấp đầy được khoảng khoảng 70% số công nhân", anh chia sẻ.
Đơn cử, tại công trường xây dựng trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, số công nhân cách đây 4-5 hôm chỉ có khoảng 20-30%. Mỗi tổ chỉ có khoảng 2-6 người đến công trường. "Từ hôm mùng 9 Tết đến trước Rằm, số công nhân lên công trường chỉ lác đác, hầu hết các đội chỉ có tổ trưởng đến", ông Huy chia sẻ. Theo ông Huy, qua Rằm tháng Giêng, số công nhân đã đến đông hơn nhưng để "đủ quân số" thì phải ít nhất sang đầu hoặc giữa tháng Hai âm lịch.
Địa ốc chơi đến hết tháng Giêng. Ảnh: Hoàng Lan. |
Ông Nguyễn Bằng, chủ một doanh nghiệp xây lắp tư nhân cho hay, phải sang tuần tới, công nhân của ông mới đến đủ. Một số người ở gần khu vực Hà Nội như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Thanh Hóa thì công nhân đã đến đủ. Tuy nhiên, người làm từ các tỉnh xa như Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai... thì vẫn vắng mặt.
"Công trình dự kiến đến cuối năm nay mới hoàn thiện nên chúng tôi không chịu áp lực tiến độ. Công nhân đi làm cả năm trời, lương khoảng 220.000 đồng mỗi ngày, thợ giỏi khoảng 250.000-300.000 đồng. Họ chỉ có dịp Tết về thăm nhà nghỉ ngơi nên cứ để họ thảnh thơi vì công trình không gấp", anh chia sẻ.
Hầu hết doanh nghiệp xây dựng thuộc các tổng công ty lớn của Nhà nước đều đi làm theo đúng lịch bắt đầu từ mùng 9 Tết (tức 18/2). Tuy nhiên, không ít đơn vị dành hết tháng Giêng để đi chùa, du lịch. Anh Hường, nhân viên xây dựng của một công trường chia sẻ, trong tuần đầu đi làm, hầu như chỉ có những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong công ty mới có mặt. Ngoài trừ nhân viên văn phòng thuộc khối hành chính đến cơ quan để kiểm tra sổ sách giấy tờ công văn, còn đội ngũ công nhân công trường vẫn chưa đến đủ. Công nhân không đến thì công trường cũng không làm việc được nên mọi hoạt động chỉ diễn ra "túc tắc".
Riêng các công trình trọng điểm, thuộc dạng gấp rút tiến độ thì chủ đầu tư buộc phải thực hiện theo đúng cam kết và nhà thầu phải thúc các đội. Trong trường hợp, chậm tiến độ, chủ đầu tư sẽ phạt tới 0,01%-0,1% mỗi ngày tùy thuộc vào hợp đồng cam kết. "Những công trình này, ra Tết vẫn tất bật, nhưng không phải là số đông trong xu hướng hiện nay", một nhà thầu cho biết.
Không chỉ có công ty xây dựng mà nhiều đơn vị môi giới cũng nghỉ Tết dài. Anh Nguyễn Thế Cường, thuộc văn phòng môi giới bất động sản Long Biên chia sẻ, đầu năm nhiều môi giới địa ốc vẫn được nghỉ ngơi khách mua còn hạn chế. Ra Tết, có một số dự án được khách hỏi mua, tuy nhiên, giao dịch chưa có nhiều. "Trong tháng Giêng âm lịch, nhiều người vẫn đi lễ chùa, du lịch nên họ chưa đề cập nhiều đến vấn đề tình hình này, phải sang tháng mới vào guồng", anh Cường nói.
Chị Trần Nguyệt Hằng, một môi giới địa ốc ở khu vực Hà Đông chia sẻ, trong khi thị trường còn chưa khởi sắc, chị đã tranh thủ bán hàng quần áo và mở quán cafe. Chỉ khi có khách hỏi mua nhà, chị mới túc tắc làm. Mỗi tháng, thu nhập từ mở quán cafe và bán quần áo cũng lên tới trên 20 triệu đồng. "Thu nhập dĩ nhiên không bằng địa ốc thời sôi động, nhưng trong bối cảnh thị trường như hiện nay thì đó là giải pháp tối ưu", chị chia sẻ.
Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá, năm nay, do thị trường địa ốc trầm lắng, nhiều dự án chưa bán được hàng nên các doanh nghiệp xây dựng bất động sản có phần "thảnh thơi" hơn. Cả năm vất vả trầy trật xây chạy tiến độ, nhưng hàng bán ra vẫn chậm nên nhiều doanh nghiệp oải, không muốn cố, nhất là dịp sau Tết.
"Ngoại trừ những dự án trọng điểm mang tính chất quốc gia phải chịu áp lực tiến độ, nhìn chung các doanh nghiệp bán nhà thương mại vẫn đang rất rảnh rang. Chỉ khi nào địa ốc khởi sắc, doanh nghiệp mới thực sự vào cuộc 'chiến'", ông Võ chia sẻ.
Hoàng Lan