Sau cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế Covid-19, bảo hiểm đang là lĩnh vực hiếm hoi có tỷ lệ tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, song hành với sự gia tăng đột biến về nhu cầu thì thị hiếu và mong muốn của khách hàng cũng liên tục thay đổi. Cơ hội tăng trưởng là có thật, nhưng giới chuyên gia bảo hiểm nhìn nhận để chiếm lĩnh miếng bánh thị phần cần những "cách chơi" và "luật chơi" mới.
Trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng thay đổi nhanh chóng, lời giải cho bài toán cạnh tranh thuộc về sự đột phá sáng tạo trong ứng dụng công nghệ của mỗi doanh nghiệp. Với cùng những "quân bài" là công nghệ cao, doanh nghiệp cần có cách "chơi" sáng tạo, đáp ứng đúng mong muốn của khách hàng, thậm chí đi tắt đón đầu để giành miếng bánh thị phần.
Số hóa tăng hiệu quả quy trình hoạt động
Tại Malaysia, một thị trường có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, thị trường bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ thay đổi đáng kể trong những năm qua, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ trong phát hành sản phẩm, dịch vụ, tiện ích và chăm sóc khách hàng. Để giải quyết bài toán về chăm sóc sức khoẻ cho người dùng, bảo hiểm nhân thọ Allianz Malaysia đã áp dụng công nghệ để số hóa 4.300 đại lý, từ đó cung cấp các sản phẩm bảo hiểm một cách nhanh chóng và liền mạch.
Công ty thuộc tập đoàn tài chính trụ sở tại Đức tập trung vào việc tận dụng các giải pháp công nghệ để đơn giản hóa và rút ngắn thời gian phê duyệt chính sách, từ đó hỗ trợ khách hàng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Kết quả, không chỉ có trải nghiệm khách hàng được cải tiến mà quy trình làm việc của hệ thống đại lý cũng nâng cấp, gánh nặng công việc giảm đi, hiệu quả cao hơn.
Một điển hình khác từ tập đoàn Allianz vào năm 2019 tại thị trường Indonesia là ứng dụng chăm sóc sức khỏe Halodoc. Ứng dụng tích hợp các giải pháp y tế đầy đủ và từ các chuyên gia, bệnh viện uy tín, tạo điều kiện cho người dùng chăm sóc sức khỏe tiện lợi mọi lúc mọi nơi.
Halodoc trang bị bốn tính năng chính gồm tính năng trò chuyện với bác sĩ mọi lúc mọi nơi qua ứng dụng, đặt mua dược phẩm nhanh chóng, an toàn, giao tận nhà, đặt lịch khám tại cơ sở y tế và dịch vụ phòng thí nghiệm. Số liệu từ Allianz, Halodoc hiện phục vụ 7 triệu người dùng một tháng tại Indonesia, với 80% bệnh nhân cư trú ngoài các thành phố chính như Jakarta và Surabaya.
Bằng sức mạnh của công nghệ, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể tăng tương tác, liên lạc, kết nối và chăm sóc khách hàng mọi lúc mọi nơi, toàn diện và hiệu quả. Điều này không chỉ giúp gia tăng trải nghiệm người dùng mà còn tạo ra những mô hình kinh doanh mới, tối ưu và tinh giản chi phí vận hành, đồng thời đảm bảo hiệu quả, tương thích với nhu cầu và hành vi của tệp khách hàng thành thị.
Tiềm năng ứng dụng công nghệ thị trường Việt Nam
Thực tế tại Việt Nam ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đã phổ biến trong những năm gần đây. Sự sôi động trên thị trường công nghệ bảo hiểm đến từ nỗ lực cải tiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp tiềm lực mạnh, có sẵn nền tảng công nghệ và khởi nghiệp phát triển thị trường trên thế giới và trong khu vực.
Tuy nhiên với tỷ lệ phổ cập bảo hiểm trong người dân còn thấp. Theo khảo sát "lỗ hổng tài chính" của hãng tái bảo hiểm Swiss Re thực hiện tại 12 thị trường châu Á trong đó có Việt Nam, chi phí chăm sóc sức khoẻ phát sinh ngoài dự tính tại các thị trường này lên đến 1,8 tỷ USD. Đây là gánh nặng tài chính với đa số người dân, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp.
Số liệu cũng cho thấy người Việt khá lạc quan, tự tin vào tình trạng sức khoẻ của bản thân, với 61% người tham gia khảo sát cho rằng mình khoẻ mạnh, 50% tự đánh giá sức khỏe tốt dù chỉ tập thể dục một lần một năm, 61% người hút thuốc tự tin mình không có vấn đề gì về sức khỏe.
Tuy nhiên khi Covid-19 xuất hiện, nhìn nhận của người dân về sức khỏe trước những rủi ro dịch bệnh đã thay đổi. Đây được xem là cuộc khủng hoảng y tế tệ nhất thế giới trong 30 năm qua. Khảo sát của Kantar World Panel thực hiện tại Việt Nam cho thấy, 73% người được khảo sát đã chọn chú trọng gia tăng chi tiêu cho sức khỏe và dinh dưỡng. Nếu bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu, chỉ 14% người tham gia khảo sát lựa chọn cắt giảm sản phẩm bảo hiểm đang sở hữu. Đồng thời, 65% người tham gia tin rằng Covid-19 yêu cầu họ chủ động hơn về việc chuẩn bị kế hoạch tài chính và có quỹ dự phòng sức khỏe cho tương lai.
Đây là những điều kiện cho thấy đã đến lúc các doanh nghiệp bảo hiểm cần những phương thức mới, những lời giải sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh biến động như hiện nay. Những xu hướng tiêu dùng như mua sắm online, tăng chi tiêu qua ứng dụng điện thoại, tăng tỷ lệ sử dụng smartphone và tiếp cận những phương thức thanh toán mới... sẽ dẫn dắt hầu khắp các lĩnh vực, bao gồm bảo hiểm.
"Những hình thức truyền thống sẽ dần nhường chỗ cho phương thức trực tuyến ở rất nhiều các ngành nghề khác nhau. Điều này được dự đoán sẽ tạo nên một thế hệ khách hàng mới: quan tâm và chăm sóc sức khoẻ thông qua các phương tiện kỹ thuật số", một chuyên gia trong ngành bảo hiểm nói.
Minh Anh