Trong văn bản chỉ đạo, Bộ Lao động nêu rõ doanh nghiệp có trách nhiệm trao đổi với công đoàn cơ sở hoặc đại diện lao động thống nhất phương án điều chỉnh tiền lương.
Sở Lao động các tỉnh thành cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, trong đó tập trung vào doanh nghiệp trả lương thấp, chưa có tổ chức công đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang gặp khó khăn, nợ tiền lương và chế độ bảo hiểm xã hội kéo dài...
Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp có kế hoạch trả lương, trả thưởng đầy đủ cho lao động trong dịp Tết dương lịch và Tết âm lịch, không để xảy ra tình trạng tranh chấp lao động và đình công, nhất là thời điểm trước và sau Tết âm lịch.
Từ 1/1/2009, lao động làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ được tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước đó, ngày 10/10, Chính phủ đã ban hành nghị định số 110 và 111 quy định về tiền lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc tại các loại hình doanh nghiệp.
Theo đó, từ ngày 1/1/2009, mức lương tối thiểu vùng của lao động ở doanh nghiệp trong nước lần lượt là: 800.000; 740.000; 690.000 và 650.000 đồng một tháng. Mức lương tối thiểu của lao động ở doanh nghiệp FDI là: 1.200.000; 1.080.000; 950.000 và 920.000 đồng một tháng.
Riêng mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư thì phải khoảng tháng 5/2009 mới điều chỉnh.
Sở dĩ phải lùi thời điểm tăng lương tối thiểu chung so với lộ trình cải cách tiền lương là do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến giá dầu thô giảm mạnh, nguồn thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô và thu từ xuất khẩu cũng giảm mạnh.
Để đảm bảo cân đối thu chi, Quốc hội đã ra nghị quyết điều chỉnh giảm dự toán chi ngân sách trung ương so với tờ trình ban đầu của Chính phủ. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương giảm từ 43.600 tỷ đồng xuống 36.600 tỷ đồng.
Hồng Khánh