Ghi nhận gần đây của Savills cho thấy các công ty công nghệ thông tin từ Ấn Độ đang thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến thị trường văn phòng Hà Nội. "Điều này không chỉ vì tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà còn là vì nguồn lao động tốt, chi phí nhân công rẻ hơn các nơi khác", Savills cho biết.
Nói với VnExpress, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại cho biết, xu hướng mở rộng văn phòng của doanh nghiệp Ấn đang mạnh mẽ hơn trong 2 năm trở lại đây.
"Khách hàng đang có nhu cầu gom hết các văn phòng nhỏ lẻ, tạo thành một văn phòng lớn, đồng thời gia tăng thêm các phần diện tích như data center, tầng hỗ trợ kỹ thuật", bà nói.
Gom văn phòng sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thiết lập, đầu tư vào hệ thống kỹ thuật, thuận tiện hơn trong việ quản lý. "Với các doanh nghiệp IT, đây là phương án phù hợp và thuận tiện nhất", theo Savills.
Đại diện Savills cũng cho biết, các doanh nghiệp Ấn Độ có yêu cầu tiêu chuẩn cao với hệ thống kỹ thuật trong toà nhà. Bản thân họ cũng gia tăng đầu tư trang thiết bị để đảm bảo nhu cầu sử dụng, nhất là với các công ty công nghệ nên thời hạn thuê của các doanh nghiệp này tương đối dài, tối thiểu là 5-7 năm, thậm chí có thể lên đến 10 năm nhằm đảm bảo hoà vốn.
Bên cạnh đó, tuỳ thuộc vào mảng kinh doanh, các công ty này có thể nhắm đến phân khúc văn phòng khác nhau, tuy nhiên, Savills ghi nhận ngân sách trung bình thường là 20-25 USD một m2 đối với các toà nhà hạng B.
Savills cũng cho rằng, việc gom văn phòng không chỉ là xu hướng của các doanh nghiệp IT Ấn, mà còn là chung cho mảng ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất, xây dựng, những doanh nghiệp hay chia nhỏ văn phòng theo pháp nhân của các công ty con và các mảng hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, việc gom văn phòng thuê sẽ khiến giá thuê của các khách nhỏ bị tăng thêm do chủ nhà cần cân đối giá thuê giữa việc ưu đãi cho khách lớn và giá thuê trung bình của các toà nhà.
Về thị trường văn phòng, nghiên cứu mới nhất của Savills cũng cho thấy, tính đến tháng 11/2020, lĩnh vực này tiếp tục là lựa chọn đầu tư cốt lõi với tâm điểm thị trường rơi vào các tài sản có rủi ro thấp, đi kèm các tiêu chí cho dòng tiền ổn định, toạ lạc tại các vị trí tốt nhất. Do vậy, trong năm 2021, thị trường sẽ có nhiều doanh nghiệp tìm kiếm và lựa chọn mô hình văn phòng mở với thiết kế không gian làm việc linh hoạt. Mô hình văn phòng mở đã rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng mới chỉ xuất hiện trong khoảng 3 năm trở lại đây tại Việt Nam.
Ngoài ra, nhu cầu thuê văn phòng của các công ty trong ngành công nghệ thông tin vẫn ở mức cao, bao gồm các lĩnh vực fintech, thương mại điện tử, phát triển phần mềm, trung tâm dữ liệu, trung tâm hỗ trợ khách hàng. Khách sạn và du lịch, các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19 sẽ cần ít không gian hơn.
Nguồn cung văn phòng Hà Nội sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2021 nhưng sẽ đón thêm khoảng 208.000 m2 từ 15 dự án chủ yếu thuộc hạng B đến hết năm 2022. Nguồn cung tương lai đáng kể có thể khiến công suất thuê trung bình giảm đi trong hai năm tới. Về giá thuê, hạng A và B tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ tăng trong năm 2021.
Đức Minh