- Hôm 19/4 vừa qua, anh bước sang tuổi 21. Sinh nhật năm nay thế nào?
- Đây là một sinh nhật đặc biệt vì tôi ở xa nhà, không bố mẹ, không bạn bè hay thậm chí là một đồng hương nào. Lệnh giãn cách xã hội ở Hà Lan cũng khiến mọi thứ trống vắng hơn. Cảm giác khá buồn. Nhưng tôi phải chấp nhận thôi. Để theo đuổi giấc mơ chơi bóng ở châu Âu, tôi đã đánh đổi nhiều thứ hơn thế.
- Covid-19 khiến bóng đá "đóng băng". Liên đoàn bóng đá Hà Lan đã quyết định hủy giải VĐQG mùa này, trong khi hợp đồng của anh với Heerenveen sẽ hết hạn vào tháng 6. Mọi chuyện tiếp theo sẽ thế nào?
- Tôi chưa thể tiết lộ cụ thể, nhưng tôi tâm niệm thế này: sang được Heerenveen là điều không dễ dàng, và thay vì mất thời gian để ý đến những chuyện khác, tôi luôn nỗ lực tập luyện để được giữ lại.
Tôi mới đá bốn phút cho đội một Heerenveen. Nó ngắn thật đấy, nhưng với tôi vẫn là một trải nghiệm. Bạn không biết để có bốn phút đó, tôi đã trải qua những gì đâu.
Hồi ở Việt Nam, mọi người thường khen tôi có thể hình cao lớn, sải chân dài và tốc độ tốt. Tôi còn là tuyển thủ quốc gia, chinh chiến từ AFF Cup cho đến Asiad, Asian Cup... Nhưng sang đây chỉ là con số 0. Tôi vẫn nhớ buổi tập đầu tiên cùng Heerenveen. Tôi đã sốc khi dễ dàng bị các đồng đội qua mặt. Nhưng không nghĩ ngợi nhiều, tôi bắt tay ngay vào tập luyện để thay đổi. Sau này, thay vì chờ đối thủ có bóng xử lý rồi bám theo, tôi tập tư duy nhanh hơn, phán đoán tốt hơn để có thể chạy trước.
- Mối quan hệ của anh với các đồng đội cũng như đội bóng thế nào?
- Hòa đồng văn hóa là điều quan trọng để không bị các đồng đội châu Âu xem thường. Vì vậy tôi đã tích cực học tiếng Anh để dễ dàng trao đổi chuyên môn, giao tiếp với đồng đội và Ban huấn luyện. Tôi cũng cố gắng tạo các mối quan hệ tốt. Có lần còn chuẩn bị những món ăn đậm chất Việt Nam, mời đồng đội tới nhà thưởng thức.
Ở đây, họ khá tinh tế. Sau SEA Games 2019, Heerenveen tổ chức lễ vinh danh tôi trước một trận đấu. Lúc đó, HLV Jonny Jansen vỗ vai khen "Cậu là ngôi sao lớn". Tôi biết đó là một lời động viên thôi, nên đáp lại ngay: "Không. Tôi không phải ngôi sao. Tôi chỉ là cầu thủ của ông". Tôi luôn tự ý thức rằng mình sẽ còn phải cố nhiều nếu muốn trụ lại.
- Nhưng, chủ yếu anh vẫn chỉ được chơi cho đội trẻ Heerenveen?
- Tôi biết nhiều người nhắc đến việc đó như một sự chê bai. Nhưng tôi không buồn. Sau khi cùng U19 Việt Nam vào bán kết U19 châu Á năm 2016, qua đó giành vé dự U20 World Cup, tôi đã nói chuyện với Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn. Tôi chia sẻ rằng muốn được đi nước ngoài càng sớm càng tốt, sang châu Âu và tập luyện với đội trẻ cũng được. Rõ ràng, tôi biết mình chưa là gì ở châu Âu, chuyện được đá ở đội một ngay là viển vông. Mọi thứ phải từng bước, từ đội trẻ đi lên.
Chưa được ra sân nhiều nhưng Heerenveen cũng cho tôi nhiều bài học, giúp tôi trưởng thành. Trận chung kết SEA Games 2019, tôi lập cú đúp để đánh bại Indonesia. Tôi tin nếu chưa có quãng thời gian ở Heerenveen, chưa chắc tôi đã có thể bùng nổ như vậy. Việc hàng ngày tập luyện với những cầu thủ châu Âu chất lượng giúp tôi chẳng còn e ngại các cầu thủ Indonesia. Và khi cái đầu thông thoáng thì đôi chân sẽ thanh thoát, tôi đã thể hiện được những gì tốt nhất của mình. Thế nên, tôi mong càng nhiều cầu thủ Việt Nam được ra nước ngoài thi đấu càng tốt, lúc đó chúng ta sẽ có một đội tuyển mạnh.
- Sau những gì giành được cùng Hà Nội và các đội tuyển Việt Nam, nếu ở lại quê nhà, anh sẽ có cuộc sống và sự nghiệp êm đẹp. Tại sao cứ phải nghĩ đến chuyện ra nước ngoài thi đấu?
- Nếu cứ sống trong "vùng an toàn", tôi làm sao có thể có những trải nghiệm mới. Gia đình không ai theo nghiệp thể thao nhưng tôi luôn tin mình trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, được khoác áo đội tuyển. Tôi nhớ hồi đó bố mẹ giao chăn bò. Nhưng tôi toàn thả chúng trên đê (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, Thái Bình) rồi đi đá bóng. Tối không thấy bò, tôi mới hốt hoảng về gọi bố mẹ đi tìm. Rồi nhiều hôm vội đi đá bóng, tôi cho gạo nước vào nồi mà không kịp ấn điện. Tối mịt bố mẹ đi làm về, mở nồi cơm chưa đun, ngao ngán nhìn nhau. Hồi đó tôi ăn đòn nhiều lắm.
Khi 10 tuổi, tôi đá U11 Quốc gia và được chọn vào Trung tâm đào tạo trẻ nằm ở thành phố Thái Bình. Nhận giấy báo, tôi xin đi. Bố mẹ bảo đã đi là đi hẳn, cấm bỏ dở giữa chừng. Tôi gật đầu ngay. Hồi mới đi, nhớ nhà kinh khủng, ăn uống thì không tốt, tắm nước lạnh. Vài lần tôi khóc nhưng vẫn không bỏ về.
Sau này ngẫm lại, tôi thấy từ bé mình đã dám mơ lớn rồi (cười). Cách đây bốn năm, tôi đọc một cuốn sách về Memphis Depay và ấn tượng mãi với hình xăm trên ngực anh ấy: "Dream Chaser" (Kẻ săn đuổi ước mơ). Từ một cậu bé nghèo khó, bị bố bỏ rơi, Memphis Depay vươn lên thành một ngôi sao bóng đá đương đại Hà Lan. Tôi mê mẩn từ "Dream Chaser" như tìm được triết lý sống của mình vậy. Tôi viết không biết bao nhiêu lần từ đó ra giấy, dán khắp phòng. Sau này, tôi nghĩ với cầu thủ, thứ quan trọng nhất là đôi giày. Nó như vũ khí của người lính ra trận vậy. Vì vậy tôi quyết định thêu cụm từ đó lên giày.
Đó là thứ tôi mang theo khắp nơi chứ không phải tấm HC bạc U23 châu Á, kỷ niệm chương vô địch AFF Cup hay tấm HC vàng SEA Games. Tôi muốn tự nhắc mình không bao giờ được dừng lại.
Lâm Thỏa