Văn Hậu về nước không nên xem là một thất bại. Thứ nhất, anh vẫn trẻ, cơ hội còn nhiều. Cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại thi đấu ở một giải đẳng cấp cao hơn Việt Nam là Lê Huỳnh Đức, sang Trùng Khánh (Trung Quốc) khi 29 tuổi. Người thứ hai là Lê Công Vinh, sang Bồ Đào Nha lúc gần 25 tuổi. Các cầu thủ Xuân Trường, Tuấn Anh hay Công Phượng đều xuất ngoại khi 21 tuổi. Thứ hai, giải VĐQG Hà Lan - Eredivisie - vốn đẳng cấp cao. Theo đánh giá của Liên đoàn Thống kê Thế giới (IHHFS) năm 2019, Eredivisie đứng thứ tám, trong khi V-League xếp vị trí 85. Cần có góc nhìn sòng phẳng ở trường hợp này, bởi gần như Văn Hậu đã phải thực hiện một điều bất khả thi. Dù chưa vào sân một phút nào ở Eredivisie, chí ít, anh vẫn là một cầu thủ trong đội hình được đăng ký của Heerenveen và nhận lương theo tiêu chuẩn tốt nhất.
Tất nhiên, từ giải đấu trong top 10 thế giới trở lại thi đấu ở V-League là một bước lùi không cần bàn cãi. Vấn đề là tại sao Văn Hậu không thể chuyển từ Hà Lan sang thi đấu ở một giải châu Âu khác có đẳng cấp thấp hơn, như Na Uy hoặc Thụy Điển? Thậm chí, sang Anh thi đấu ở giải hạng Nhất cũng không kém phần danh giá. Từ Hà Lan mà trở về Việt Nam sẽ khiến cửa trở lại châu Âu của Văn Hậu khó khăn hơn rất nhiều.
Đây chính là mấu chốt của vấn đề, và làm nảy sinh câu hỏi: Bản chất của việc Hà Nội FC đưa Văn Hậu sang châu Âu là gì? Đó là một phép tính sai hay đơn thuần chuyến đi chỉ phục vụ một toan tính làm ăn nào đó của bầu Hiển?
Tròn 10 năm trước, chính bầu Hiển chứ không ai khác đã đưa Công Vinh sang châu Âu. Khi đó, mọi thứ không ồn ào như trường hợp của Văn Hậu, vì bản chất của hợp đồng khi đó là Hà Nội vừa cho CLB Leixoes mượn trong bốn tháng, vừa phải trả lương và nhờ con trai của HLV Henrique Calisto làm môi giới để tiền đạo người Nghệ An có thể thi đấu. Vì thế, đó chỉ là hoạt động đánh bóng hình ảnh lúc bầu Hiển mới chân ướt chân ráo làm bóng đá chuyên nghiệp, lép vế hoàn toàn so với bầu Đức, bầu Thắng... Những nhu cầu ấy bây giờ không còn.
Nhưng cách làm đó, hóa ra lại hiệu quả, khi Công Vinh được đá bốn trận ở giải VĐQG và ghi bàn tại Cup Quốc gia Bồ Đào Nha. Cũng chính vì thế, mà Hà Nội FC sẵn sàng thực hiện hành động ấy một lần nữa, khi đàm phán hỗ trợ tiền lương cho Văn Hậu, với niềm tin rằng cầu thủ Việt Nam có thể chơi bóng ở châu Âu. Không lẽ 10 năm trước còn được, tại sao bây giờ lại không?
Sự lạc quan ấy chính là vấn đề. Đó có thể là sai lầm lớn nhất trong chuyến hành trình dang dở của Văn Hậu. CLB Hà Nội đưa Văn Hậu sang Hà Lan với một mơ ước vừa rất xa mà lại quá gần: được thi đấu ở Eredivisie. Người hâm mộ Việt Nam cũng vậy. Dù băn khoăn về khoảng cách trình độ, ai cũng muốn thấy Hậu vào sân chơi bóng tại Hà Lan. Sự kỳ vọng đó lớn đến mức một đài truyền hình còn mua quyền phát sóng mọi trận đấu của Heerenveen. Đó đương nhiên không phải là kiểu niềm tin mù quáng. Văn Hậu có tuổi trẻ, hình thể phù hợp, vị trí thi đấu cũng không quá cạnh tranh khốc liệt và năng lực đã được thừa nhận ít nhất là ở tầm châu Á. Với số đông, vấn đề chỉ là thời gian...
Đó là điều người hâm mộ Việt Nam muốn thấy ở Văn Hậu, nhưng lại không hẳn là điều mà Heerenveen quan tâm. Mùa 2019-2020, theo trang chuyên về định giá chuyển nhượng Tranfermarkt, Heerenveen bỏ ra khoảng 3,3 triệu euro (3,74 USD) để mua cầu thủ. Đa số là họ mượn, như trường hợp của Văn Hậu. Ở chiều ngược lại, CLB Hà Lan thu về 12,85 triệu euro nhờ bán, đã bao gồm các cầu thủ ra đi tự do. Các con số này lần lượt ở những mùa trước đó như sau: mùa 2018-2019 mua 1,39 triệu euro - bán 10,15 triệu euro; mùa 2017-2018: mua 4,65 triệu euro và bán 14,20 triệu euro... Thống kê trong vòng 10 mùa gần nhất, số tiền mà Heevereen mua cầu thủ trung bình chiếm khoảng 20% so với số họ bán ra.
Những hợp đồng bán cầu thủ có giá trị cao của Heerenveen chủ yếu đến từ các trường hợp do họ đào tạo. Đây cũng là hoạt động bình thường của bóng đá Hà Lan, nơi họ chuyên đào tạo cầu thủ và bán cho các CLB lớn. Nhưng thương vụ có lãi nhất của Heevereen trong thời gian này, lại đến từ cầu thủ mà họ mua về rồi bán lại, Alfred Finnbogason. Năm 23 tuổi, trung phong người Iceland chuyển đến Heerenveen từ một đội hạng nhì của giải Bỉ (thấp hơn nơi mà Công Phượng thi đấu), giá chuyển nhượng khi đó chỉ 0,6 triệu euro. Hai năm sau, khi bán Finnbogason cho Real Sociedad, Heereveen bỏ túi 8 triệu euro.
Những đội bóng như Heevereen không tồn tại để tham gia các cuộc đua vô địch hay kiếm tiền từ thành tích thi đấu. Từ năm 2010, Heevereen được công nhận như một CLB có tính an toàn tài chính cao nhất trong bóng đá Hà Lan, ấy là nhờ khả năng mua bán cầu thủ. Nếu nhìn từ góc độ này, sẽ thấy thứ mà Heevereen muốn thấy ở Văn Hậu.
Tài năng của Văn Hậu chắc chắn được đội bóng Hà Lan thẩm định tốt, nên mới sẵn sàng trả lương. Nhưng ngoài điều đó ra, hành trang của Văn Hậu khi đến Hà Lan không có gì khác. Trình độ ngoại ngữ, năng lực giao tiếp, khả năng chịu sức ép về tâm lý của một cầu thủ da màu, gốc châu Á liệu đã có ai đề cập hoặc trang bị cho Văn Hậu chưa? Chúng ta đưa Văn Hậu đi bằng một suy nghĩ vừa đơn giản, vừa ngây thơ rằng chỉ năng lực giỏi là sẽ có tương lai. Nhưng nếu xem Heereveen là một công ty quốc tế, cái họ cần ở Văn Hậu là khả năng thích ứng và tiềm năng gia tăng giá trị.
Danh sách thị trường bán cầu thủ của Heereveen chủ yếu là Pháp, Đức, Tây Ban Nha, chứ không phải Anh hay các quốc gia nói ngôn ngữ phổ dụng này. Trong khi đó, ngoại ngữ chắc chắn là điểm yếu của Văn Hậu. Ngoại ngữ mà yếu, chắc chắn là khó thích ứng với cuộc sống, với những truyền đạt chuyên môn từ HLV. Đấy là chưa nói đến sự hòa nhập với đời sống châu Âu, với việc chỉ ở một mình.
Đấy có thể là thứ mà Heevereen thấy Văn Hậu không có, nhưng lại là thứ mà họ cần nhất khi quyết định đầu tư cho các cầu thủ nước ngoài, nếu muốn bán cho đội bóng khác với giá cao. Một CLB như Heevereen hẳn không có lý do gì để mượn Văn Hậu chỉ phục vụ thi đấu. Họ sẵn sàng mua, ký hợp đồng dài hạn, và đương nhiên khi đó sẽ tạo điều kiện để Văn Hậu vào sân nhằm "chào hàng". Nhưng tất cả những điều đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nếu Văn Hậu, ngoài tài năng, thiếu toàn bộ các yếu tố còn lại.
Mười năm trước, Công Vinh sang châu Âu, và trong tự truyện, anh đã nhắc nhiều đến trở ngại khủng khiếp về ngoại ngữ, tâm lý và sự cô đơn mà một cầu thủ Việt Nam phải đối mặt. Nhưng 10 năm sau, Hà Nội FC vẫn không làm gì khác cho Văn Hậu, ngoài việc bố trí người đại diện của anh có mặt tại Hà Lan. Thế nên, việc Văn Hậu về lại đá ở V-League không phải là một thất bại. Nhưng nếu cứ tiếp tục "xuất khẩu" cầu thủ theo cách mà chúng ta muốn thấy, theo mơ ước đơn giản, thì những gì mà Văn Hậu vừa trải qua sẽ vô cùng lãng phí.
Song Việt