Trần Hoàng Thiên Kim -
- Tính đến nay, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã có ngót chục năm hoạt động theo đường lối và những tiêu chí riêng. Là một trong số những nhà văn khá thành công trong lĩnh vực kinh doanh khi trụ vững trên thương trường trong suốt ngần ấy năm, ông nghĩ sao về khả năng nắm bắt cơ hội của mình?
- Tôi là một người dám nghĩ dám làm. Tôi thành lập trung tâm này ngay khi mọi nhà văn cùng trang lứa chưa nghĩ đến việc kinh doanh văn hóa. Phải hiểu đúng chữ kinh doanh giá trị văn hóa này, bởi vì kinh doanh thì ai có nghề cũng có thể làm được, còn kinh doanh các giá trị văn hóa thì rất khó, càng khó để trụ vững và thành công. Tôi rời bỏ chức Phó tổng biên tập tạp chí Văn Học Nước Ngoài vì nơi đó không rộng chỗ cho những ý tưởng về văn học, văn hóa của tôi được phát huy. Tôi nghĩ, phải còn một cách nào khả dụng hơn để tự cứu lấy niềm tin của mình. Cùng lúc đó ông Phạm Đức Dương, bạn uống bia, đang cần một người đồng chí hướng, vậy là trung tâm ra đời. Nhìn lại mới biết đã là một quãng thời gian tương đối dài, mà việc muốn làm, cần làm, có thể làm còn nhiều lắm, mỗi ngày một dài thêm, bất tận.
- Hiện nay, song song với những hoạt động kinh doanh của mình, Trung tâm có nhiều buổi giao lưu, giới thiệu sách... của bạn hữu xa gần, được ông thực hiện hoàn toàn miễn phí?
- Một tháng trung tâm có chừng dăm buổi giao lưu nhỏ, hào hứng và tự nguyện. Những người mang sách đến: tự nguyện, những độc giả đến hưởng ứng: tự nguyện, nhà báo đến đưa tin, viết bài: tự nguyện, MC dẫn chương trình: tự nguyện... vì thế trung tâm cũng hoàn toàn là một địa chỉ miễn phí để giao lưu gặp gỡ. Thông qua những hoạt động đó mới thấy rằng, trong xã hội ta vẫn còn những người yêu văn chương và thực sự có nhu cầu quan tâm đến học thuật. Những cuốn sách mang tầm vóc của Trương Tửu, Phạm Quỳnh, Phan Khôi... người đến tham gia giao lưu cũng nhiều, mà cuốn sách của một nhà văn tỉnh lẻ như Nguyễn Thị Phước (Nghệ An) thì bạn đọc cũng đến chật chỗ để tìm hiểu. Thế mới biết, một cơ sở nhỏ hẹp như của chúng tôi còn đủ sức để giới thiệu văn hóa, văn học thì những nhà chức trách nắm quyền hành trong tay sẽ thực sự làm nên được một trào lưu yêu văn học nghệ thuật, cái quan trọng là mình có muốn và có biết cách tổ chức thu hút và quảng bá không mà thôi.
![]() |
Dịch giả Đoàn Tử Huyến. |
- Đông Tây hoạt động đều đặn và khá chắc tay, nhưng trên dưới chục năm kinh doanh văn hóa, trung tâm vẫn chưa thực sự làm nên được thương hiệu "nổi như cồn" rộng khắp không chỉ trong giới nhà văn, thực tế của sự khó khăn là gì?
- Trung tâm của tôi hoạt động không chỉ vì tiêu chí kinh doanh đơn thuần, mà là một địa chỉ văn hóa. Có nghĩa là, tôi còn phải làm những gì tôi thích chứ không chỉ vì nhu cầu đại chúng. Tôi đồng ý là phải kinh doanh thì mới có tiền nuôi trung tâm tồn tại với hơn 70 con người, gần chục nhà sách và hai công ty. Chúng tôi cũng phải in những cuốn sách rẻ tiền theo thị hiếu độc giả, phục vụ số đông xã hội, như sách trinh thám, sách vụ án, sách dạy làm giàu... nhưng nhiều tiền chẳng để làm gì nếu không đạt được khoái cảm của mình, đó là việc in được những cuốn, những bộ sách quý như: Phan Bội Châu toàn tập (10 tập), Thiên Nam ngữ lục, Tuyển tập tác phẩm Vũ Tông Phan, Việt sử địa chí (Phan Đình Phùng), Nguyễn Công Trứ toàn tập... Tôi không cần mình nổi tiếng bằng mọi giá, cái quan trọng là tôi tạo được một sân chơi văn hóa, và một trung tâm tin cậy của những người yêu văn học.
- Nhưng chính nhờ kinh doanh sách mà ông đã xây được nhà lầu?
- Đó là sự thật. Tôi là người đi lên từ hai bàn tay trắng. Tôi được đào tạo cơ bản về văn học nước ngoài, là một công chức mẫn cán và năng nổ của NXB Lao động. Thời gian ở NXB tôi đã lao động như một người học việc, tôi đi tìm nguồn sách, chạy xin giấy phép, đi nhà in rồi phát hành... Đó cũng là những bài học kinh nghiệm để đời để sau này khi ra hoạt động trung tâm tôi có một số vốn liếng kiến thức cũng như mối quan hệ nhất định để phục vụ cho việc kinh doanh của mình. Cũng trong thời kỳ đó, tôi biết chính xác thị hiếu của công chúng là gì, cuốn sách nào in ra thì bán được nhiều và trên thực tế chúng tôi đã thành công, kết quả là tôi thu lãi lớn. Tôi kéo em trai từ Hà Tĩnh ra để cùng quản lý. Tôi đã xây được nhà nhờ kinh doanh sách. Nhưng rồi sau đó, chính tôi lại phải làm một cái phanh để hãm em mình lại vì chú ấy kinh doanh quá ráo riết. Tôi nhận thấy, tiền nhiều đôi khi cũng chả để làm gì nếu nhìn lên tủ sách mắt mình không thỏa mãn những giá trị mà chính mình xây đắp nên.
- Nhưng nhà văn Thái Bá Tân, có lần kêu "Ông Huyến chả biết kinh doanh". Ông nghĩ sao?
- Vì Thái Bá Tân thấy tôi hay có mặt trong những quán bia cùng bạn hữu, và "làm không công" nhiều, như việc in ấn, giới thiệu những cuốn sách của bè bạn và những cuốn sách kinh điển. Ông ấy cho rằng, thời đại này mà vẫn "dại dột" thế thì không biết kinh doanh là phải. Nhưng như tôi đã nói, tôi đã hết tuổi lao đầu vào kiếm tiền rồi, tôi chỉ làm những gì mình thích. Tôi giao hẳn quyền kinh doanh cho em trai tôi, Đoàn Tử Hoan, tôi chỉ thu vào quản lý một mảng nhỏ.
- Sắp tới, ông còn dự định lao vào thị trường sách giáo dục. Đây phải chăng là sự chuẩn bị để mua... xe hơi?
- Như tôi đã nói ở trên, trung tâm có một số lượng nhân viên không nhỏ, chúng tôi phải đảm bảo đời sống cho họ thì tất yếu phải tìm những thị trường tốt để thu lãi. Ở mảng sách giáo dục, chúng tôi chủ yếu làm sách Văn học. Tôi biết ngay cả sách giáo dục ở ta hiện nay cũng quá "mớ ba, mớ bảy" điều này sẽ dẫn đến tình trạng loạn chữ đối với các em học sinh. Tôi quen biết khá nhiều những giáo sư hàng đầu như GS Trần Đình Sử, Nguyễn Đình Chú, Chu Văn Sơn... tôi muốn loại sách tham khảo môn văn của chúng tôi không chỉ giúp học sinh học để thi cho qua chương trình mà qua đó các em có được tình yêu văn chương đích thực để hiểu hơn về những giá trị nhân văn của cuộc đời, để sống tốt và nhân ái hơn. Còn việc mua xe hơi thì... chắc không khó, nhưng tôi quan niệm, xe cộ chỉ là phương tiện. Chiếc xe không làm nên con người, giá trị chính là ở người cưỡi trên chiếc xe đó.
- Ông là một trong số ít những nhà văn đi suôn sẻ với chặng đường kinh doanh, bởi vì nhiều nhà sách của một số nhà văn thường bị đóng cửa hoặc thu hẹp lại sau một thời gian hoạt động. Theo ông, sự thành công của một nhà sách do điều gì quyết định?
- Tôi nghĩ phải hiểu nghề thì mới làm được nghề. Kinh doanh nhìn thì dễ nhưng thực tế thì rất khó, nhất là kinh doanh văn hóa. Tôi nghĩ mình thành công vì tôi hiểu về nghề kinh doanh văn hóa, tôi biết mình cần phải làm gì để mang lại doanh thu... chứ không ảo tưởng về một món hời trước mắt. Hơn nữa, tôi có một đội ngũ những người đã xốc vác cùng tôi những lúc tối lửa tắt đèn.
- Có ý kiến nhận xét rằng, khi Đoàn Tử Huyến lao vào lĩnh vực kinh doanh thì đồng nghĩa với việc bạn đọc mất dần một dịch giả tiếng Nga có uy tín?
- Chẳng phải thế. Nội lực của tôi bao giờ cũng đầy ắp. Dịch thuật lại vừa là nghề vừa là nghiệp nên khó mất đi lắm. Hiện nay, công việc của trung tâm khiến tôi bị xé vụn thời gian và không thể chuyên tâm vào dịch thuật, nhưng lý do cơ bản là không có cuốn sách nào đáng cho tôi bỏ thời gian ra để dịch cả. Những cuốn hay và mới thì mua bản quyền rất đắt, những cuốn sách cũ mèm thì nó lại không hợp thời. Tôi đã bắt tay vào dịch Lolita được mấy chục trang rồi, nhưng ngay sau đó được biết dịch giả Dương Tường đã dịch nên đành vứt xó.
- Nếu bây giờ phải chọn một trong số hơn 30 đầu sách ông đã dịch, ông sẽ chọn cuốn nào?
- Nghệ nhân và Margarita (tiểu thuyết của Bulgacov).
- Nói đến nhà văn Bulgacov, đây là một nhà văn kỳ bí nhất thế giới vì hễ cứ ai dính đến ông sẽ gặp điều không hay xảy ra, ngay cả diễn viên đóng vai ông trong phim cũng đã bị tai nạn. Ông là một người mê Bulgacov, ông có từng bị làm sao không?
- Những gì người ta nói về nhà văn này đều đúng. Tôi cũng đã phải nằm viện suốt 2 tháng trong suốt thời gian dịch cuốn Nghệ nhân và Margarita.
- Trong thời gian tới đây, ông có những dự định gì cho nghề và nghiệp của mình?
- Với công việc dịch thuật, tôi vẫn đang tìm kiếm những cuốn sách hay cho bõ công ngồi dịch. Ở tuổi này, tôi vẫn có quyền ngồi uống bia với bạn suốt cả buổi chiều đầy thích thú hơn là ngồi dịch một cuốn sách chán, nó chả mang đến thêm cho tôi gì cả. Với trung tâm thì tới đây chúng tôi sẽ mở rộng hơn bằng việc tìm thuê một trụ sở rộng chừng hơn 300 m2 để vừa làm trụ sở công ty, vừa làm thư viện, phòng đọc, phòng giao lưu với độc giả... Tôi muốn Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây sẽ thực sự là nơi mà các bạn đọc xa gần muốn ghé thăm mỗi khi cần một địa chỉ văn hóa tin cậy.
Trần Hoàng Thiên Kim thực hiện
(Nguồn: Văn Nghệ Công An)