Thứ ba, 21/7/2020, 16:25 (GMT+7)

Đoàn Thị Kim Chi: 'Cầu thủ nữ bây giờ cũng cần xinh'

Hơn 20 năm trong nghề, giành bốn HC vàng SEA Games và giữ kỷ lục Quả Bóng Vàng, cựu tiền đạo Đoàn Thị Kim Chi mong bóng đá nữ Việt Nam cải thiện cả chuyên môn lẫn hình ảnh để "thoát nghèo".

Kim Chi (áo trắng) thời còn tung hoành trong màu áo nữ Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng.

- Tròn 10 năm sau khi giải nghệ, công việc hiện tại của chị thế nào?

- Tôi bây giờ thuộc biên chế Trung tâm TDTT Quận 1, HLV trưởng đội bóng đá nữ TP HCM. Tôi đang cùng đội dự giải bóng đá nữ Cup Quốc gia 2020.

Đối với bóng đá nữ, việc có thêm Cup Quốc gia là cơ hội tốt để để cầu thủ được thi đấu nhiều hơn, nhất là các cầu thủ trẻ. Các HLV cũng có dịp để thử nghiệm đội hình cho giải VĐQG vào tháng 8 tới đây. Còn riêng với TP HCM, đây là một giải đấu rất bổ ích, bởi miền Nam không có đội bóng đá nữ nào khác. Ở ngoài Bắc, các đội Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Than Khoáng Sản đều ở gần nhau, có thể đá giao hữu với nhau. Còn trong này, nếu muốn, chúng tôi cũng chỉ có thể đá với đội nam lão tướng hoặc đội trẻ U15 đổ lại thôi.

- Thế còn chuyện gia đình?

- Từ khi qua 25 tuổi, mỗi lần tôi về quê, ba má, anh chị lại hỏi rồi giới thiệu này kia. Nhưng tôi đều bảo: 'Thôi, để bao giờ nghỉ đá bóng đã rồi tính, giờ nói nhiều, con lại mất tập trung". Đó cũng là một kế hoãn binh, chứ mình xấu xí, đen đúa thế này ai mà thèm. Ba mẹ thấy thế thì cũng thôi.

Đến khi tôi làm HLV, không chỉ ba má mà cả hàng xóm cũng nhắc hoài. Ai gặp cũng hỏi lập gia đình chưa, người yêu đâu, bao giờ lấy chồng? Mình cười bảo giờ tự nhiên lấy thì lấy ai giờ, cũng muốn lắm nhưng không có người để lấy. Chuyện người yêu, chồng con phụ thuộc vào duyên số, chứ không phải cứ muốn là lấy được đâu. Tôi cũng bảo với gia đình rằng thôi chuyện tới đâu hay tới đó, chứ giờ biết tìm ở đâu. Duyên mà đến, cản cũng không được. Cứ thế mình lần lữa dần, đến 30 tuổi rồi 35 tuổi và đến sau tuổi đó thì mọi người cũng không nhắc nữa. Tôi cũng đùa rằng cứ nhắc hoài là con ít về quê đó. Thế là cả nhà cũng không muốn làm mình buồn, nên bảo thôi tùy, duyên số tới thì tới, còn không cũng không sao, nhà cũng đông anh em mà.

Bây giờ ai có hỏi thì thực tình đến tầm tuổi này rồi cũng không quan trọng vấn đề đó nữa. Sau này có nghỉ hưu, tôi về quê sống với mấy đứa cháu cũng được. Còn giờ thì cứ làm điều gì mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái là được. Các anh chị cũng đều bảo cả gia đình mình 10 anh chị em, rồi các cháu nữa, em có vấn đề gì thì mọi người cùng chăm lo chứ không phải chỉ chồng con mới chăm lo cho em được.

- Thế nghĩa là, ngoài bóng đá, chị không còn vướng bận gì khác?

- Quả thực, mọi công việc của tôi đều tập trung cho bóng đá. Lúc còn thi đấu, sau các buổi tập, tôi quan sát thêm cách đá của người này người kia, xem vì sao họ lại di chuyển rồi chuyền được một quả bóng hay như thế để học hỏi. Còn khi tham gia huấn luyện, tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu chiến thuật, rồi cả việc nắm rõ đặc điểm tâm sinh lý của học trò nữa, vì bóng đá nữ có những đặc thù riêng khác bóng đá nam. HLV phải để ý từng chút, xem có ai trong đội gặp vấn đề gì gây ảnh hưởng đến thi đấu không, làm sao để giúp họ có được phong độ, cảm giác thi đấu tốt nhất đúng vào ngày bóng lăn.

Còn khi rảnh, xong công việc, tôi thường đi uống café, tán gẫu cùng bạn bè, thậm chí có khi ngồi một mình thôi. Thỉnh thoảng cuối tuần, tôi về thăm gia đình ở Bến Tre, cũng chỉ mất khoảng hai tiếng chạy xe. Ngoài ra, tôi cũng được tham gia công việc ở đội tuyển nữa nên khi kết thúc công việc ở CLB, tôi lại lên tuyển. Cuộc sống của tôi nó cứ như vậy thôi: ăn bóng đá, ngủ bóng đá.

- Sau hơn 20 năm gắn bó với trái bóng tròn, điều chị tâm đắc nhất là gì?

- Chính là việc tôi sống được với sở thích, đam mê của bản thân. Lúc còn là VĐV, tôi theo đuổi đam mê và sau đó không bị ngắt quãng lần nào cả, rồi nghỉ thi đấu thì chuyển sang huấn luyện. Đến tận bây giờ, đam mê với bóng đá trong tôi vẫn như trước. Có khác là việc ngày xưa khi đá bóng, tôi luôn hướng đến chiến thắng và rất tự hào về điều đó. Còn bây giờ sau mỗi chiến thắng hay thất bại, điều tôi quan tâm là sự tiến bộ của học trò, khi các em chơi tốt qua từng ngày. Đó là niềm tự hào của tôi.

- Từng là cầu thủ rồi bây giờ trở thành HLV, chị thấy cơ sở vật chất cho bóng đá nữ bây giờ so với ngày xưa khác biệt ra sao?

- Có thể nói bóng đá nữ hiện tại được quan tâm hơn, so với thời của tôi và các đàn chị trước đó. Điều kiện dành cho các em bây giờ được cải thiện nhiều. Đầu tiên phải nói về sân bãi. Tôi nhớ hoài thời đầu vào tập cùng đội nữ TP HCM, sân bóng Tao Đàn lúc đó vẫn còn là sân đất nện, đất đỏ, có cả đá dăm nữa, nên hễ ngã là tay chân chứ trầy xước hết. Mãi sau, sân mới được trồng cỏ tự nhiên, nhưng chất lượng không tốt lắm.

Chỗ ăn ở ngày xưa cũng kém lắm. Hồi tôi mới đi tập còn không có chế độ gì. Mấy chị em tập cùng nhau, xong có ca trà đá xả ra cùng uống rồi đi về chứ chẳng có gì cả. Dần sau này mọi người mới có chế độ, rồi mọi thứ mới được nâng lên.

Kim Chi là một trong những cầu thủ tấn công toàn diện và hay bậc nhất trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng.

- Vậy cầu thủ nữ thời các chị làm thế nào để trang trải cuộc sống?

- Thực sự với các đàn chị, nguồn thu nhập chính của họ là các công việc khác ở bên ngoài. Mỗi tuần vài buổi, cứ đến khoảng 14h, hoặc 15h, thì mọi người tập trung lại ở sân Tao Đàn để chơi và tập luyện. Chúng tôi ngày đó đến với bóng đá chủ yếu là để vui, thỏa mãn đam mê thôi.

- Xuất phát điểm là VĐV điền kinh, tại sao chị lại rẽ hướng sang theo bóng đá?

- Năm 1992, ở tuổi 13, tôi thi tuyển sinh vào lớp điền kinh ở quê Bến Tre. Vào lớp điền kinh đó tập luyện được 5 năm, tôi đậu Đại học TDTD II ở Thủ Đức. Lên đại học, thấy đội bóng đá nữ TP HCM tập ở trường, tôi ra ngồi xem. Rồi bạn bè lại giới thiệu cho, thế là tôi được HLV Trần Anh Tuấn - hiện tại là Giám đốc Trung tâm TDTT Quận 1, TP HCM - mời vào đá thử. Đến hôm sau, lúc tôi vào tập, thầy ưng và mời tôi gia nhập đội bóng.

Lúc đó, tôi vẫn đang hưởng chế độ của đội điền kinh Bến Tre, việc tập luyện bóng đá cũng chỉ là chơi vậy thôi, chưa có chế độ gì. Sau tập được khoảng một- hai năm, tôi mới xin nghỉ hẳn điền kinh để chuyển sang bóng đá.

Thực sự thì từ bé, tôi đã thích thể thao. Tôi biết đến bóng đá cũng nhờ gia đình, nhất là nhờ ba tôi. Ba với các anh thường xuyên xem World Cup, Euro. Mà ở quê ngày xưa, buổi tối cũng không có gì chơi cả nên cả nhà cứ quây quần ngồi xem thôi, rồi tôi mê bóng đá từ lúc nào không hay. Một phần nữa cũng do từ nhỏ, tôi đã đi theo các anh chơi quanh làng xóm, chạy nhảy suốt, nên vận động cũng tốt.

Gia đình hồi đó cũng khó khăn, tôi là con út nên được tạo điều kiện cho đi ăn học. Ngày ấy, tôi phải đi học xa nhà, ra tận thị xã, do ở quê không có lớp trên để học. Đến khi có cơ hội vào đội điền kinh Bến Tre thì đăng ký thử và đỗ. Việc đỗ vào lớp điền kinh giúp tôi có lương, dù ít thôi, cũng giúp trang trải phần nào sinh hoạt phí.

Khi tôi quyết định nghỉ điền kinh để theo bóng đá, ba rất ủng hộ vì ông thích môn này. Khi đang học ở trường TDTT II và được nhận vào đội bóng đá nữ TP HCM, tôi báo tin về, ba chỉ hỏi một câu: "Con nhắm thấy được không?". Tôi trả lời rằng: "Con làm được". Còn má thì không rành lắm về thể thao, nên cũng chỉ bảo: "Tùy con thôi, chơi điền kinh hay bóng đá, cũng phải cố gắng giữ gìn sức khỏe". Bản thân tôi cũng xa gia đình từ năm lớp 8, phải tự lập từ sớm, nên ba má cũng cho tôi tự lựa chọn hướng đi của bản thân.

- Việc tập luyện bóng đá của chị sau đó ra sao, khi mà phải học ở Thủ Đức nhưng đội bóng lại tập ở sân Tao Đàn?

- Thực ra khi đi học ở Thủ Đức, tôi cũng không nhiều thời gian đâu. Sau khi hết tiết cuối lúc 14h30, tôi phải bắt xe buýt xuống Tao Đàn. Nếu may mắn ra bắt được đúng chuyến xe sớm, thì đến nơi kịp tập 30 phút với các chị. Còn hôm nào lỡ chuyến hay kẹt xe, lúc tôi đến mọi người tập xong cả rồi, và tôi phải tự tập.

Sân Tao Đàn khi đó chỉ có một ngọn đèn vàng vàng chiếu sáng ở một góc. Nếu trời chưa tối hẳn, tôi cùng một số em trẻ hơn tự tập, tự chơi với nhau. Tập đến khi trời tối om, không nhìn thấy gì thì thôi. Tôi cũng không còn thời gian nào để làm công việc khác cả, nhưng may mắn là lúc đó, tôi vẫn được hưởng chế độ từ điền kinh Bến Tre. Sau năm 2003, bóng đá mới bắt đầu có chế độ. Lâu quá rồi nên tôi cũng chỉ nhớ chế độ bóng đá hồi đó được khoảng vài trăm ngàn - không nhiều nhưng nếu tằn tiện cũng đủ trang trải các chi phí.

Tôi vẫn nhớ ở ký túc xá, không có vé tháng xe buýt, nên hay mượn, mua lại vé của các bạn khác để đi nhờ. Mua lại vé tháng của bạn thì rẻ hơn so với mua vé lẻ mỗi lượt. Thay vì mất 3.000 đồng mỗi lượt, thì tính ra mình chỉ mất cỡ 500 đồng hay 1.000 đồng thôi.

- Khó khăn là vậy, bằng cách nào chị có thể tiến bộ để lên đội một TP HCM rồi sau đó là đội tuyển quốc gia chỉ trong một thời gian ngắn?

- Có thể do tôi có nền tảng điền kinh, lợi thế về sức mạnh và sức bật, nên khi tự tập kỹ thuật bóng đá cũng nhanh phần nào. Ngoài ra, các đàn chị như chị Mai, chị Oanh, chị Hồng, chị Thuận thấy cần chỉnh cho tôi cái gì, thì các chị cũng giúp đỡ nhiệt tình.

Tầm năm 1998, tôi bắt đầu được lên tuyển. Lúc ấy cũng như các em trẻ bây giờ thôi, lên tuyển để học hỏi là chính. Ngày đó, bóng đá nữ cũng chỉ có hai địa phương là Hà Nội và TP HCM. Lên tập trung ở Trung tâm Nhổn, điều kiện sân bãi, ăn ở cũng tốt hơn, tập xong thì cũng ở lại để các chị tập thêm cho.

Ngày ấy, tôi đá tiền vệ trung tâm, nhưng ngoài lợi thế về nền tảng thể lực ra, cảm giác bóng của tôi chưa tốt nên bị nhắc nhở nhiều. Nhưng thực sự lúc đó được vào sân, được hát quốc ca là một niềm hạnh phúc rất lớn. Những điều ban đầu đó hun đúc cho bản thân một ý niệm rằng tôi phải cố gắng để không phụ công sức và sự tin tưởng của HLV cũng như các đàn chị.

- Chị nói ban đầu chơi tiền vệ trụ, nhưng về sau, cái tên Kim Chi lại gắn liền với thành công trong vai hộ công, tiền đạo. Bước ngoặt nào xảy ra khiến chị được HLV đẩy lên chơi ở tuyến đầu như vậy?

- SEA Games 2001, tôi được HLV Steve Darby xếp đá tiền vệ trái. Đến giải tiền SEA Games năm 2003, mọi người góp ý để HLV Mai Đức Chung cho tôi đá thử vị trí hộ công trong sơ đồ 3-4-1-2 ở trận gặp Thái Lan. Tôi đá cũng ổn và từ đó về sau tôi dần cố định với vai trò đó.

- Năm 2001 là lần đầu tiên chị dự SEA Games và cùng tuyển nữ Việt Nam đoạt HC vàng. Kỷ niệm của chị về giải đấu đó như thế nào?

- Một cầu thủ trẻ như tôi khi đó mà được tham gia một giải đấu như vậy là một bước ngoặt rất lớn. Thật ra, 21-22 tuổi cũng không phải là quá trẻ, nhưng tuổi nghề của tôi thì ít lắm, mới tập luyện, thi đấu được vài năm thôi. Điều đó khiến tôi vừa hồi hộp, vừa hưng phấn.

Một tháng trước ngày SEA Games 2001 khai mạc, tôi bị rách cơ đùi và có nguy cơ phải nghỉ dài. Nhưng sau đó, bác sỹ rất ngạc nhiên vì tôi chỉ mất hai tuần là trở lại tập luyện được. Có lẽ cũng do cơ địa tốt. Nhưng thực ra năm đó, tôi cũng không chắc nếu khỏe mạnh hoàn toàn thì mình có được đi hay không, vì vẫn còn là cầu thủ trẻ mà, chứ đừng nói đến chuyện chấn thương đau thế này.

Còn khi vào giải, tôi vẫn nhớ trận Việt Nam đá bán kết với Myanmar xảy ra một vụ xô xát. Cầu thủ số 11 của họ chơi xấu, bị trọng tài phạt thẻ vàng thứ hai nhưng không những không chịu rời sân mà còn chạy sang đánh vài cầu thủ Việt Nam. Lúc ấy, tôi cũng theo phản xạ thôi, định rượt theo trả đũa, nhưng may các chị kịp cản lại nên không có hành động dại dột gì xảy ra. Thực tình lúc vụ việc xảy ra tôi hơi bất ngờ, trước giờ bóng đá nữ mình xem có bao giờ thấy đánh nhau, giật cùi chỏ gì đâu, nên muốn chạy theo giữ lại để làm cho ra lẽ.

Đến trận chung kết gặp Thái Lan, Việt Nam thắng tiếp, giành HC vàng và đó cũng là danh hiệu quốc tế đầu tiên của tuyển nữ. Khi về nước, đội được chào đón nồng nhiệt, mình rất vui và hãnh diện, cảm giác khác lắm. Đó cũng là lúc tôi quyết định mình sẽ theo và toàn tâm toàn ý cho nghiệp bóng đá, dù có thế nào đi nữa.

- Hồi đó các chị được thưởng như thế nào?

- Nếu không nhầm, tôi nhận khoảng 50 triệu đồng. Đó là lần đầu tiên tôi nhận được khoản tiền thưởng lớn nhờ bóng đá. So với bây giờ thì bình thường, nhưng ngày đó là khá lắm rồi. Cứ tần ngần cầm cục tiền suy nghĩ mãi không biết làm gì, tôi đem gửi một người chị cầm giúp. Lúc ấy, tôi chưa biết gửi ngân hàng là gì cả. Sau này tôi đem về phụ gia đình sửa sang lại nhà cửa cho bố mẹ có chỗ ở khang trang hơn.

Sau SEA Games 2001, tôi hoàn thành nốt chương trình đại học để tốt nghiệp. Ngoài ra toàn tâm toàn ý mình chỉ dành cho bóng đá, không làm một công việc nào khác cả. Và kết quả là những tấm HC vàng liên tiếp ở SEA Games 2003 và 2005.

- Tuy nhiên, đến SEA Games 2007, Việt Nam không bảo vệ tấm HC vàng. Ở giải đấu năm đó, chúng ta gặp phải những trở ngại nào?

- Năm đó, chủ nhà Thái Lan đưa SEA Games về Nakhon Ratchasima - một tỉnh rất xa. Không chỉ bóng đá nữ đâu, mà cả bóng đá nam cũng thế, phải ở trong một cái làng VĐV mà điều kiện rất tệ. Tôi nhớ chưa từng dự một SEA Games nào mà điều kiện ăn ở, sinh hoạt lại thấp như thế. Nhưng đó là tình trạng chung, ai cũng vậy cả, chẳng riêng gì nam hay nữ.

Một cái nữa là thời gian thi đấu rất sớm, từ 2h chiều. Vì đá sớm, chúng tôi muốn ăn trưa sớm một chút để còn kịp di chuyển ra sân, nhưng xuống nhà ăn thì chưa có cơm. Chúng tôi chẳng biết làm thế nào, 11h mình xuống mà chưa có, thì đành ngồi chờ đến 11h30, rồi vội vàng ăn thật nhanh, mang theo cả bánh ăn thêm trên xe nữa để kịp đi thi đấu. Thời tiết ở Thái Lan thực sự rất nắng nóng. Họ vốn quen với khí hậu đó rồi, mình thì hơi khó.

Tôi vẫn nhớ mãi trận chung kết năm đó, Việt Nam cũng không thua kém gì họ, nhưng chính tôi bỏ lỡ một cơ hội rất tốt để mở tỷ số. Đó là một pha đối mặt, nếu tôi lốp bóng qua đầu thủ môn thì cơ hội ghi bàn sẽ cao hơn, nhưng tôi lại chọn phương án đi bóng tiếp, định qua thủ môn, nhưng tiếc là đẩy bóng hơi dài, hậu vệ của họ kịp lao về và phá ra. Bỏ lỡ một cơ hội rõ ràng như thế thực sự tôi rất tiếc. Sau đó, đội bị thua 1-0 rồi 2-0. Tôi cứ tiếc mãi, vì nếu tôi ghi bàn thì cục diện trận đấu đã khác.

- Đó có phải là nguyên nhân khiến chị quyết định chia tay đội tuyển ngay sau giải đấu?

- Năm đó thua rất buồn, thấy bản thân cũng đã lớn tuổi, khoảng 28 tuổi, cộng với việc không bảo vệ thành công HC vàng trong khi mình là đội trưởng, nên tôi tự nhủ thôi mình nghỉ, tạo cơ hội cho các em trẻ lên. Dù sao khi các cầu thủ trẻ được lên cùng nhau, có người đồng trang lứa, sẽ đá với nhau tốt hơn.

Thế là sau năm 2007, tôi quyết định nghỉ cả đội tuyển và CLB, về làm công tác huấn luyện ở U19 TP HCM. Ra làm được mấy tháng, đội tuyển lại thiếu vị trí tiền đạo. Sau khi tập huấn ở Trung Quốc về, HLV Trần Vân Phát đến sân Tao Đàn và gợi ý mời tôi quay lại đội tuyển. Lãnh đạo và mọi người cũng động viên tôi. Có người còn bảo: "Đó đầu tiên là vinh dự cho bản thân Chi và CLB, sau là trách nhiệm của mình với quốc gia. Nếu mình không có khả năng, HLV trưởng sẽ không mời quay lại. Khi thầy đã có sự tin tưởng như vậy thì ở góc độ nào cũng nên tham gia".

Khi nhận được lời khuyên từ một người lớn tuổi như thế, tôi quyết định đồng ý trở lại đội tuyển. Tất nhiên tôi cũng phải xin HLV cho tập lại từ từ để lấy lại thể lực vì đã thi đấu mấy tháng rồi. Sau đó, khi đi tập huấn ở Vũng Tàu rồi về đá một giải ở sân Thành Long, tôi chơi cũng ổn nên lại về đá tiếp cho TP HCM. Nhưng hết mùa 2009, HLV Trần Vân Phát lại gọi, bảo: "Chi đi SEA Games nhé". Tôi lúc ấy cũng 30 tuổi rồi, nghĩ thôi thì cố cho một giải lớn cuối cùng, nên nhận lời thầy.

- Nhưng rồi, giải đấu ở Lào năm ấy hóa ra lại rất thành công?

- Đúng thế, có thể nói là thành công ngoài mong đợi. Cái nắng ở Lào cũng rất kinh khủng, nhưng mọi người cùng đoàn kết, siết tay nhau vượt qua khó khăn.

Tôi vẫn nhớ trận chung kết với Thái Lan, CĐV Việt Nam phủ đỏ hết cả sân Chao Anu Vong, kéo lên những lá đại kỳ, mình ở dưới sân nhìn lên thấy rợp cờ đỏ sao vàng thích lắm.

Kim Chi (ngoài cùng, trái) cùng đồng đội trên bục nhận HC vàng bóng đá nữ SEA Games 2007. Ảnh: Minh Kha.

Nhưng trận gặp Myanmar trước đó ở vòng bảng cũng rất khó quên. Trận đấu đó diễn ra ở sân Đại học Quốc gia Lào. Ở đường pitch họ không phủ nhựa như bình thường mà lại kiểu như một lớp than xỉ đen, có đá dăm nhỏ. Mặt sân cũng không được phẳng lắm, và hơi thấp dần về hai phía cuối sân như kiểu mai rùa ấy, nên có tình huống tôi đặt trụ hơi bị nghiêng rồi đội trưởng Myanmar lao vào tranh chấp, huých vai khiến tôi mất đà và ngã văng ra ngoài.

Lúc ấy tôi thấy đau, theo phản xạ đưa tay lên ôm đầu thì thấy có máu. Cũng không nghĩ gì đâu, chỉ hỏi bác sỹ xem vết rách có sâu không. Bác sỹ nói không sao, rồi sát trùng, băng bó lại. Tôi thấy ổn. Nhưng cả trưởng đoàn và HLV vẫn lo, hỏi lại xem tôi có đá được không. Tôi bảo chơi được và sau đó lại vào sân, thậm chí ghi được bàn thắng từ một quả đá phạt.

Kết thúc SEA Games năm đó tôi vẫn chưa nghỉ đâu, vì đầu năm 2010 có một giải đấu ở Trung Quốc liền ngày luôn nên ban huấn luyện lại động viên đá nốt. Về CLB, tôi lại đá tiếp mùa 2010 vì ở đội TP HCM lúc đó, lực lượng kế thừa như Huỳnh Như, Bích Thùy... còn trẻ lắm, mới từ U19 lên nên ít kinh nghiệm. Tôi chơi thêm một mùa nữa để hỗ trợ các em, rồi nghỉ, chuyển dần sang công tác huấn luyện. Tôi làm trợ lý ở đội một một năm, đến năm 2012 thì được cho đảm nhận đội U19 TP HCM. Làm đội U19 được ba năm, thì lãnh đạo trao cho ghế HLV trưởng ở đội một.

- Cảm giác nhận việc của một HLV trưởng như thế nào?

- Thực tình, khi lãnh đạo giao, tôi đã xin không làm vì tự thấy chưa đủ sức, đủ kinh nghiệm để dẫn dắt một đội lớn. Ba năm làm đội trẻ, tôi cũng không có nhiều thành tích, cao nhất cũng chỉ là HC bạc giải U19 Quốc gia nên thật sự là không tự tin lắm. Nhưng các chú các bác thuyết phục, thậm chí "đe nẹt". Dùng dằng cả tháng như thế, cuối cùng tôi cũng nhận, nhưng vẫn nói thêm rằng "nếu thời gian đầu mà thấy không ổn, thì các thầy đổi ngay nhé, để không ảnh hưởng đến đội".

Mới đầu ra làm, tôi cũng hơi bỡ ngỡ. Đứng trên sân tập nói gần như không ra tiếng. Cũng may các trợ lý lại chính là những đàn chị ngày xưa. Mọi người động viên bảo cứ mạnh dạn lên, có gì chị em cùng trao đổi. Thật may, ngay mùa giải đầu, tôi và đội đoạt chức vô địch. Lúc ấy, có chút tự tin hơn rồi, tôi lên gặp lãnh đạo xin... không làm nữa. Vô địch rồi, nhưng tôi cứ sợ và nghĩ là do may mắn, do hên mới được thế. Nhưng các thầy lại liên tục động viên để tôi tự tin hơn và làm tiếp.

- Để làm tốt việc huấn luyện, chị học hỏi về chiến thuật và chuyên môn như thế nào?

- Bản thân tôi dựa vào kinh nghiệm bản thân nhiều hơn. Tất nhiên, tôi cũng tham gia các khóa học của AFC, rồi tìm hiểu thêm qua internet về các cách đá của các đội châu Âu. Nhưng tôi cũng chỉ xem bóng đá nam thôi, vì bóng đá nữ ít phát trực tiếp lắm. Tôi hay xem Ngoại hạng Anh và La Liga, rồi từ đó tìm thêm các phân tích để học hỏi.

Tôi quan niệm, áp dụng sơ đồ chiến thuật nào, tôi cũng phải dựa trên những con người đang có để lựa chọn cho phù hợp. HLV phải hiểu được ưu điểm của các em là gì, rồi đưa ra các yêu cầu để giúp học trò tự tin hơn, phát huy tốt điểm mạnh. Một điều nữa là tôi cũng may mắn được lên làm trợ lý ở ĐTQG. Từ thời 2015-2016 cùng HLV Takashi, rồi sau này là HLV Mai Đức Chung, và cả một chuyên gia thể lực người Đức. Những trải nghiệm này giúp tôi học hỏi được nhiều điều, thấy cái nào phù hợp thì đem về áp dụng, để dần hoàn thiện cho nữ TP HCM.

- Nhưng thực tế, không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm 2018, TP HCM và Than Khoáng Sản có màn ẩu đả gây chấn động ở giải VĐQG, dẫn đến rất nhiều án phạt sau đó. Thực tình thì thế nào?

- Đã chơi môn đối kháng, dù là nữ hay nam, VĐV đều có cá tính mạnh. Lúc thi đấu có va chạm, dù là vô tình hay không, vẫn khiến nhiều cầu thủ không kiểm soát được cái đầu nóng. Vì thế mới xảy ra chuyện đáng tiếc.

Mọi người cứ bảo sao TP HCM đã thắng rồi mà còn đánh nhau. Nhưng nếu đánh nhau, rõ ràng TP HCM bất lợi, vì còn trận chung kết nữa cơ mà, trong khi Than Khoáng Sản thua thì nhận HC đồng rồi về thôi. Thực tình, các em đã bị cuốn theo và không kiểm soát được trong tình huống đó. Đó là một hành động sai, và trận đấu lại còn được tường thuật trực tiếp trên truyền hình nữa. Bản thân tôi cũng rất buồn. Còn chưa kịp mừng vì có vé vào chung kết, và định chạy ra chia vui, thì tôi đã phải lao tới để cản học trò lại. Nhưng mọi thứ diễn ra quá nhanh nên không ngăn kịp được.

Tất nhiên, bản thân là HLV trưởng, tôi cũng có lỗi khi không làm tốt công tác tư tưởng cho các học trò. Sau đó, đội họp nội bộ, để các em hiểu rằng vì một phút nóng giận mà đã mất rất nhiều, thua luôn trận chung kết, làm đổ vỡ hình ảnh đội bóng đã mất công gây dựng trong bao năm qua. Nhưng thôi lỡ rồi, tôi cũng phải động viên họ vượt qua. Đây không chỉ là bài học trong bóng đá mà còn cho cả cuộc sống sau này. Ra ngoài không thể chỉ vì bị khiêu khích hay ai làm gì đó một chút mà dùng bạo lực. Có thể bây giờ các em chỉ mất chức vô địch, bị phạt vài triệu, treo giò vài trận, nhưng biết đâu sau này sự nóng giận còn khiến mất đi cả công việc, thậm chí là mạng sống nữa. Vì thế tất cả phải rút kinh nghiệm, biết cách kiềm chế.

Rất may là các cầu thủ đều hiểu, không để lặp lại chuyện như vậy. Đến khi TP HCM gặp lại Than Khoáng Sản ở mùa 2019, không có vấn đề gì giữa hai đội.

Kim Chi trong một lần tham gia sự kiện bóng đá cộng đồng. Ảnh: Đức Đồng.

- Song hành cùng sự phát triển của bóng đá nữ, điều gì khiến chị tâm tư nhất?

- So với bóng đá nam hay gì đó, thu nhập của cầu thủ nữ bao năm vẫn còn khó khăn. Nhưng cứ ngồi mà than vãn cũng đâu thể cải thiện được. Chúng tôi chỉ có cách cố gắng tập luyện để thi đấu đẹp hơn, tốt hơn, có thành tích thì mới kéo được khán giả tới sân, khi đó mới có nhiều nhà tài trợ hơn.

Tôi còn nghĩ thế này, ngoài chuyên môn ra, cầu thủ nữ giờ cũng cần cải thiện hình ảnh nữa. Một cầu thủ xinh gái, đá tốt thì vẫn tốt hơn một cầu thủ đá tốt nhưng không xinh. Dĩ nhiên với bóng đá, chuyên môn phải đặt lên hàng đầu, nhưng với khán giả, nếu được chọn, họ vẫn thích người vừa xinh vừa đá hay hơn. Đó cũng là một cách để cải thiện mọi thứ dần từng bước, có khán giả thì mới có thêm tài trợ, khi đó chế độ cho cầu thủ cũng tốt hơn.

- Chị nghĩ sao về cơ hội của bóng đá nữ Việt Nam khi World Cup 2023 tăng số đội dự giải?

- Bản thân tôi thấy đi World Cup hay không cũng không quan trọng bằng việc trình độ của mình tiến bộ lên như thế nào. Ví dụ khi giải đấu mở rộng, Việt Nam có vé đi World Cup thì cũng chỉ được cái tiếng thôi. Nếu trình độ không được nâng lên, khoảng cách với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... và các đội bóng mạnh khác vẫn như cũ.

Tất nhiên, nếu được đi World Cup, đó sẽ là cơ hội để chúng tôi nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ truyền thông và người hâm mộ. Nhưng điều quan trọng là phải tạo được động lực để các em chăm chỉ tập luyện hơn, phấn đấu nhiều hơn để mình giỏi lên, không còn lo lắng hay tự ti về những trận thua đậm khi đá giải lớn nữa.

- Tuy nhiên việc tạo nguồn lực cho bóng đá nữ lại không hề dễ vì phụ huynh không phải ai cũng muốn cho con gái đi đá bóng. Với góc nhìn nhà nghề, theo chị phải làm gì mới có thể thay đổi được quan niệm đó?

- Đó cũng là điều tôi trăn trở lâu nay. Tôi vẫn nhớ SEA Games 2003, khi đội tuyển nữ giành HC vàng, có phóng viên truyền hình gặp ngẫu nhiên một bác CĐV lớn tuổi để phỏng vấn. Được hỏi thì bác ấy khen bóng đá nữ, ca ngợi rồi dành những lời có cánh luôn. Nhưng đến khi được hỏi rằng nếu có con, cháu gái muốn đi đá bóng, bác có cho tham gia không? Bác ấy trả lời là không. Hỏi tại sao, bác nói con gái đi đá bóng vất vả lắm.

Kể chuyện đó để hiểu rằng rất khó để phụ huynh đồng ý cho con gái đi tập luyện bóng đá. Để cải thiện, tôi nghĩ các CLB cần được đầu tư để đào tạo bài bản từ tuyến dưới. Ngoài chuyên môn, cầu thủ nữ cũng phải được đảm bảo về học hành, cơ sở vật chất và tương lai rõ ràng. Hơn nữa, phải xây dựng hình ảnh các cầu thủ nữ đi đá bóng cũng vẫn xinh xắn, chứ không thể mọi người nghĩ rằng cứ đi đá bóng là xấu xí, đen đúa được.

Khi nào bóng đá nữ không còn gắn liền với hai chữ "khó khăn" nữa, khi đó mới thoát được cảnh các HLV, đội bóng vất vả thuyết phục phụ huynh. Giống bóng đá nam bây giờ, bố mẹ còn chủ động gửi con đi thi tuyển, không vào được lò này thì xin sang lò khác. Đó là điều mà bóng đá nữ cần hướng đến, dù biết rằng sẽ cần thêm nhiều thời gian và nguồn lực. Bản thân tôi cũng hy vọng các CLB nữ sẽ có nhiều những nhà tài trợ như bóng đá nam, vì chân đế phải vững, CLB có tốt thì đội tuyển quốc gia mới tốt được.

An Ngọc