Đoàn tàu màu xanh đậm với sọc màu vàng đến ga Bắc ở Bắc Kinh, Trung Quốc lúc 10h55 (9h55 giờ Hà Nội), chở theo lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng vợ Ri Sol-ju và một số quan chức cấp cao, Yonhap đưa tin. Đoàn tàu gồm 20-25 toa với phần lớn cửa sổ các toa đều bị đóng kín và được kéo bởi hai đầu máy.
Dọc theo đường ray là cảnh sát và lực lượng bán quân sự Trung Quốc được bố trí sẵn để đảm bảo an ninh. Phái đoàn Triều Tiên sau đó di chuyển ra xe, rời nhà ga và hướng về nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở trung tâm thủ đô.
Cảnh sát Bắc Kinh trước đó phong tỏa một con phố bằng rào sắt nhiều giờ khi đoàn tàu chở Kim Jong-un đi qua biên giới vào phía bắc Trung Quốc. An ninh tại Bắc Kinh cũng được tăng cường từ sáng sớm nay.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết Kim Jong-un thăm Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 7/1 đến 10/1. Đây sẽ là chuyến thăm dài nhất của ông Kim và nhiều khả năng ông sẽ họp thượng đỉnh với ông Tập. Quan chức đi cùng Kim Jong-un là Kim Yong-chol, người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, Ngoại trưởng Ri Yong-ho và Bộ trưởng Quốc phòng No Kwang-chol.
Chuyến thăm Bắc Kinh lần thứ tư của lãnh đạo Triều Tiên diễn ra khi công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai đang được tiến hành. Giới quan sát cho rằng Kim Jong-un sẽ bàn chiến lược với ông Tập trước cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Harry Kazianis, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia có trụ sở tại Washington, cho rằng Kim Jong-un còn muốn nhân chuyến thăm này để xem khả năng Trung Quốc có nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên hay không. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 7/1 nói rằng dù căng thẳng Mỹ - Trung leo thang do chiến tranh thương mại, Bắc Kinh vẫn luôn ủng hộ nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Kim Jong-un thăm Trung Quốc ba lần trong năm 2018, trước và sau khi gặp Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Trung Quốc là đối tác ngoại giao và thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên, dù Bắc Kinh từng nhiều lần tỏ ý không bằng lòng với chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trung Quốc cũng có vai trò trong cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Kim Jong-un khi cho lãnh đạo Triều Tiên mượn chuyên cơ bay đến Singapore.
"Rất hiếm khi lãnh đạo Triều Tiên công du vào dịp đầu năm. Chuyến đi này cho thấy tầm quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc và cũng nhằm mục đích thể hiện hình ảnh lãnh đạo của một quốc gia bình thường", Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Hàn Quốc, nhận định.