Miền quê thức tỉnh - bộ phim Văn nghệ chủ nhật dài 15 tập (mỗi tập 45 phút) - do hai đạo diễn Trọng Trinh và Hoàng Nhung của Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (VFC) đảm nhận. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Vệ Nữ. Đây là câu chuyện có thật về một người phụ nữ ở Quảng Trị. Đáng lẽ đoàn làm phim phải “bồng bế” nhau về một làng quê nghèo ở tận mảnh đất miền Trung nắng gió này để quay, nhưng vì kinh phí có hạn nên kịch bản đã được sửa lại thành chuyện ở một miền quê phía Bắc cho… tiện! Bối cảnh làng quê ấy được chọn là xã Tây Mỗ (Hà Tây).
![]() |
Đạo diễn kiêm diễn viên Trọng Trinh bàn với họa sĩ về bối cảnh tới. |
Câu chuyện có thật ấy là cuộc đời đau khổ của người phụ nữ tên Châu (Lê Vi đóng). Nông thôn thời kỳ mở cửa, “nhà nhà mê làm giàu, người người mê làm giàu”. Toản - chồng của Châu (Quốc Trị) thu gom vốn liếng thuê chiếc ôtô “tàu tàu” chở khách. Không may, xe đổ, làm ăn lụi bại dần. Toản sa đà vào rượu chè bê tha. Trong một cuộc nhậu thâu đêm, Toản mất đột ngột. Châu từ một y tá bệnh viện huyện bị thôi việc buộc phải chạy chợ kiếm tiền nuôi con. Ông phó chủ tịch xã (Hồng Sơn) từ lâu đem lòng yêu thầm nhớ trộm Châu bèn hết lòng giúp đỡ cô mở cửa hàng. Cửa hàng làm ăn chưa được bao lâu, Châu phát hiện ra phó chủ tịch xã đã có vợ và một đứa con gái bị liệt. Biết phó chủ tịch đang rắp tâm ruồng bỏ vợ con để theo mình, Châu từ chối giúp đỡ, bỏ cửa hàng về tiếp tục chạy chợ.
Đúng lúc ấy, người yêu cũ của Châu là Đạo (Trọng Trinh) từ thành phố trở về. Tình yêu xưa với những kỷ niệm khó quên khiến cả hai đều xao xuyến. Nhưng, Đạo cũng đã có vợ và con gái, anh ta chỉ muốn kiếm thêm một thằng con trai với Châu… Niềm tin đổ vỡ, tình yêu không bền, Châu nhận ra chị chỉ còn một cách lựa chọn duy nhất đó là dựa vào chính bản thân mình. Đứng lên trên những khổ đau, mất mát, Châu bắt tay vào khôi phục lại nghề làm nước mắm của gia đình chồng khi xưa bị bỏ dở đã lâu. Xưởng mắm mở cửa trở lại, một cuộc sống mới với mẹ con Châu bắt đầu.
Phim khởi quay từ đầu tháng 9, gian nan nhất là công việc chọn bối cảnh. Không tìm đâu ra một làng “thuần nông” bây giờ. Xóm nào cũng đã có nhà tầng, thôn nào xe máy cũng chạy ra chạy vào ầm ầm. Sau nửa tháng “quần thảo”, đoàn làm phim cũng tìm được một căn nhà ưng ý cho gia đình Châu nhưng xưởng mắm vẫn không biết đào đâu ra. Cuối cùng, nhà Châu ở Tây Mỗ còn xưởng mắm thì ở mãi tận Giao Châu (Giao Thuỷ - Nam Định)! Vừa tìm được một xưởng mắm gia đình có vẻ cũ kỹ hợp với phim thì cơn bão số 7 ập về Giao Thuỷ. Đoàn làm phim thót tim nhận thông tin báo về từng giờ, “Anh ơi, Giao Thuỷ vỡ đê rồi”, “Bão to, nước dâng cao lắm”, “Nhà đổ, cây đổ la liệt”… May mắn, bão qua đi, xưởng mắm vẫn còn. Nhưng thời gian quay ở Nam Định của đoàn bị đẩy lùi lại đợi Giao Châu dọn xong “chiến trường” sau cơn bão.
![]() |
Một cảnh gay cấn trong phim. |
Riêng chuyện thuê nhà, thuê bối cảnh đã trở thành chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Đạo diễn Hoàng Nhung băn khoăn: “Với cái đà kinh tế nông thôn phát triển như hiện nay, không biết vài năm nữa có tìm được một cái nhà lá nào, một thôn quê “thuần chất” nào để quay không”. Nhà hàng ông phó chủ tịch xã giúp Châu làm ăn, đoàn phim phải tự dựng ngay ở đầu đường láng Hoà Lạc. Nào xin tre, xin cây, mượn bàn ghế… Cả đạo diễn, quay phim cũng xắn tay vào chẻ tre, đan lát cho kịp quay.
Một thôn Tây Mỗ có đến năm bảy nhà được chọn làm bối cảnh. Khi phóng viên VnExpress về tới Tây Mỗ hỏi thăm, từ các bà, các cô đến các em bé ai cũng biết đoàn làm phim. Các bác chỉ dẫn rất nhiệt tình: “Sáng nay vừa quay ở đây xong, chiều chắc xuống nhà bà Yên cuối thôn rồi, xuống đấy xem!”. Sau cảnh quay, đoàn làm phim đang nằm dài trên bậc thềm nhà ăn bỏng ngô, xem kịch bản cảnh tới.
Đạo diễn Trọng Trinh tham gia một trong ba vai nam chính của Miền quê thức tỉnh. Đã lâu không đứng trước máy quay, anh có vẻ hồi hộp, nhưng Trọng Trinh tâm sự: “Đây là một vai hay, tôi rất thích. Ngay từ khi kịch bản còn nằm trên giấy, Hoàng Nhung đã nhắm vai này cho tôi”. Hai đạo diễn cho biết: “Đây là bộ phim về thời kỳ nông thôn đổi mới, giữa sự đấu tranh cái cũ - cái mới là những bi kịch, những cuộc đời cay đắng. Và Miền quê thức tỉnh cũng là bức tranh thu nhỏ xã hội nông thôn với thói thủ cựu, bon chen, những quan hệ xóm làng, gia đình rất điển hình”.
Miền quê thức tỉnh sẽ đóng máy vào 25/11 để bước vào làm hậu kỳ, dự định sẽ phát sóng vào đầu năm 2006.
Hiền Hương