Ngày 18/5, trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với tờ Xinhuanet, đạo diễn gốc Đài Loan Justin Lin nói sử dụng nhiều phương tiện như xe đua, xe địa hình và xe tải quân đội trong phim. Để tạo hiệu ứng về hình ảnh, ông hạn chế sử dụng kỹ xảo CGI. Nhiều cảnh đua xe, hành động được quay thật khiến 200 chiếc bị hư hỏng.
Lin nói: "Ở cảnh nam châm hút những ôtô nhỏ, chúng tôi đã phóng những chiếc xe này vào nam châm. Riêng phân đoạn đó làm hư hoảng khoảng 50 chiếc". Sau phần chín, số xe bị phá hoại của thương hiệu Fast & Furious vượt mốc 2.000 chiếc.
* "Fast 9" cho ôtô bay vào vũ trụ
Fast 9 có kinh phí khoảng 200 triệu USD, chào đón sự trở lại của hàng loạt ngôi sao từ các phần trước như Vin Diesel, Michelle Rodriguez, Charlize Theron... Đô vật John Cena lần đầu tham gia loạt phim với vai phản diện Jakob - tay đua xe kiêm sát thủ thượng hạng và là em trai của Don (Diesel đóng). Tay đua gốc Á Han (Sung Kang) - người qua đời ở phần sáu - cũng bất ngờ tái xuất phần này.
Phim sẽ được công chiếu sớm tại Trung Quốc từ ngày 21/5, trước thị trường Bắc Mỹ một tháng. Tác phẩm dự kiến ra rạp Việt Nam tuần cuối tháng 5. Vin Diesel tiết lộ phần 10 của thương hiệu phim sẽ được quay một phần tại Trung Quốc, thay lời cảm ơn khán giả nơi đây đã ủng hộ.
Bộ phim là dự án giàu tham vọng của Vin Diesel và hãng Universal. Theo Variety, ê-kíp đặt mục tiêu doanh thu từ 150 triệu đến 180 triệu USD trong dịp ra mắt tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc... Các chuyên gia nhận định mục tiêu hoàn toàn khả thi nếu phim có chất lượng tốt. Phòng vé châu Á nhiều tháng qua đạt doanh thu khả quan, không còn bị ảnh hưởng nhiều vì Covid-19 như năm ngoái.
Ra đời từ năm 2001, Fast & Furious trở thành loạt bom tấn hái ra tiền nhất Hollywood hiện nay mà không dựa trên truyện tranh sẵn có. Loạt phim hiện thu hơn 5,8 tỷ USD, thuộc thể loại hành động, xoay quanh chủ đề đua xe đường phố, trộm cắp.
Đạt Phan (theo Xinhuanet)