Hôm 20/1, các thành viên Hiệp hội Phúc lợi Động vật Hàn Quốc (KAWA) đệ đơn khiếu nại đài KBS và êkíp phim lên sở cảnh sát Mapo ở Seoul vì vi phạm Đạo luật Bảo vệ động vật. Họ nói sự việc KBS gây ra rất nghiêm trọng và không nên chỉ dừng lại ở lời xin lỗi vì khó răn đe những đoàn phim khác.
Theo Yonhap News, KAWA chỉ trích hành động của KBS "có chủ ý", không phải "sự cố đáng tiếc". Hiệp hội chỉ ra các sai phạm ở video hậu trường tập 7, trong cảnh nhân vật Lee Seong Gye (Kim Young Chul đóng) bị tấn công, gặp nạn khi đang cưỡi ngựa. Để tăng độ chân thực, đoàn phim đã buộc dây thừng quanh chân con vật, kéo ngược dây về sau khi nó đang chạy với tốc độ cao. Sự việc khiến ngựa ngã một góc 90 độ, đập mạnh đầu xuống đất và không thể đứng dậy, trong khi diễn viên đóng thế bị thương. Con vật chết sau đó một tuần.
Các nhóm khán giả phẫn nộ, nói phương pháp quay này quá tàn ác, mong giới chức cấm mọi hành vi làm hại động vật. Một nhóm còn gửi bản kiến nghị lên Nhà Xanh, yêu cầu "ngừng phát các phim lấy động vật làm đạo cụ và có khung trừng phạt thích đáng". Đến 10h ngày 21/1, có 38.000 người đã ký tên đồng ý.
Trước phản ứng quyết liệt của công chúng, đài KBS đã xin lỗi. "Chúng tôi nhận ra vấn đề nghiêm trọng khi thực hiện cảnh này và sẽ tìm phương pháp khác để tai nạn tương tự không tái diễn. Chúng tôi thật lòng xin lỗi", đại diện nhà đài nói. KBS cũng quyết định không phát sóng các tập 13, 14 cuối tuần này để khắc phục sự cố, đồng thời ẩn tập có cảnh ngã ngựa gây tranh cãi.
Động thái của nhà đài không xoa dịu được dư luận, nhiều tổ chức đã vào cuộc. Hôm 20/1, Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hàn Quốc tổ chức họp báo trước tòa nhà chính KBS ở Yeouido, Seoul. Một quan chức của Liên minh Tự do Động vật cho rằng sự việc đáng buồn, nhất là với một đài truyền hình đại chúng có bề dày lịch sử như KBS. "Họ đã tiến hành quay phim mà không có bất kỳ hướng dẫn tối thiểu nào liên quan đến sự tàn ác với động vật". Nhiều chuyên gia cho rằng cảnh này không cần thiết mà có thể xử lý hậu kỳ.
Bác sĩ thú y Choi In Young của bệnh viện Love Pet nhận định cưỡi ngựa và làm nó bị thương là hành vi đáng lên án. Theo ông, ngựa bị có thể bị chấn động hoặc tổn thương não, cổ, cột sống khi va chạm mạnh xuống đất.
Theo NoCut News, chủ nhân con ngựa - có 25 năm kinh doanh, cho thuê gia súc, gia cầm - không biết sự cố hôm quay. Ông không đưa ngựa đi khám vì không thấy nó có dấu hiệu chấn thương hay bất thường, thậm chí ăn uống tốt. Tuy nhiên vài ngày sau đó, nó chết khi ngủ. Ông không thông báo ngay cho KBS hay đơn vị sản xuất vì nghĩ khó đòi bồi thường trong trường hợp "bất đắc kỳ tử".
Ông cho biết hầu hết việc thuê động vật khi quay phim truyền hình là hợp đồng miệng. Nếu con vật bị thương hoặc chết, chủ nhân sẽ được bồi thường, nhưng vì không ký kết văn bản nên không có tính pháp lý. Khi tranh cãi ngày càng lớn, KBS và công ty sản xuất đã hứa bồi thường. Trước đó, chưa có con ngựa nào ông cho thuê chết khi quay phim.
Các nhóm bảo vệ động vật đề cập một số trường hợp liên quan ở quốc tế. Năm 1936, Warner Bros sản xuất phim phiêu lưu lịch sử The Charge of the Light Brigade, do Errol Flynn và Olivia de Havilland đóng chính, Michael Curtiz đạo diễn. Êkíp đã lắp đặt chuỗi bẫy dây để quay cảnh các kỵ binh ngã ngựa trên chiến trường. Tuy nhiên vì không tính toán độ an toàn, 25 trong 125 con ngựa bị chết sau cảnh này, khiến dư luận phẫn nộ. Ba năm sau đó, Hiệp hội Nhân đạo Mỹ đã ký một thỏa thuận với Hiệp hội Diễn viên Mỹ (ASG), yêu cầu động vật xuất hiện trong phim phải được giám sát, đồng thời các kỹ thuật quay dùng dây ba chân để ngựa loạng choạng đã bị cấm.
Thanh An