Thứ hai, 30/12/2024
Thứ tư, 6/10/2021, 07:58 (GMT+7)

Đoàn người chạy xe máy gần 2.000 km về các tỉnh phía Bắc

Dòng người từ các tỉnh, thành phía Nam chạy xe máy về Sơn La, Lào Cai…, khi đến địa phận Hà Nội được cảnh sát giao thông dẫn đường đi tiếp.

Đêm 5/10, hơn 300 người dân các tỉnh Sơn La, Lào Cai dừng chân trên đầu cầu Trung Hà thuộc địa phận huyện Tam Nông (Phú Thọ), chờ cảnh sát giao thông phân loại và dẫn đường về quê.

Cây cầu phân chia địa giới hành chính giữa Hà Nội và Phú Thọ. Họ phần lớn làm công nhân ở Bình Dương, rời miền Nam đêm 2/10 bằng xe máy.

Từ sau ngày 30/9 khi nhiều tỉnh phía Nam nới lỏng biện pháp chống dịch, dòng lao động miền Tây, Tây Nguyên, miền Trung, phía Bắc ồ ạt hồi hương.

Trong dòng người chạy xe máy, có nhiều gia đình quê Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang... mang theo con nhỏ cùng về.

Cặp vợ chồng tranh thủ lót dạ bằng bánh mì, sữa do lực lượng chức năng tại chốt tiếp tế.

Lãnh đạo công an huyện Tam Nông cho biết, trong ngày 5/10 đã tiếp nhận bốn đoàn người hồi hương từ phía cảnh sát giao thông Hà Nội bàn giao. Mỗi đoàn 200 đến 300 người. Tại đây, cảnh sát sẽ dẫn đường đoàn người đi hết Phú Thọ rồi chuyển tiếp cho các tỉnh giáp ranh. Điểm xa nhất cách chốt khoảng 80 km như xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa giáp tỉnh Yên Bái; huyện Đoan Hùng giáp Tuyên Quang và Yên Bái.

Sau khoảng 1.700 km với nhiều chặng dừng nghỉ, nhiều người dân tranh thủ chợp mắt bên lề đường, trong lúc lực lượng chức năng lấy thông tin và bố trí xe dẫn đường.

Cặp vợ chồng nằm ngủ bên lề đường. Phần da mặt người chồng cháy nắng đỏ au sau hành trình chạy xe máy đường dài.

Trong bị hành lý của vợ chồng Lầu Thị Sông, 19 tuổi, quê Sơn La, có một tập móc quần áo. Họ đã trả phòng và dự tính không quay lại Bình Dương làm công nhân nữa. Vợ chồng Sông ngồi yên trong phòng gần hai tháng khi thị xã Tân Uyên “khóa chặt, đông cứng” bởi nhiều phường đậm đặc F0. Cảm giác bước chân ra khỏi phòng là gặp người nhiễm bệnh và gần hai tháng thiếu thốn khiến Sông sợ hãi, nhất định phải về quê.

Giàng A Páo, quê Lào Cai, chưa hết cơn ngái ngủ khi tỉnh giấc vì tiếng xe tải chạy qua, ngồi ôm lấy lan can đường bộ.

Páo làm công nhân giày da ở Bình Dương, mất việc từ cuối tháng 7. Dù Bình Dương khôi phục nhiều hoạt động và mở rộng vùng xanh, song gần bốn tháng “ngồi im” trong tâm dịch phía Nam khiến Páo quyết định dẫn vợ về quê và “chưa biết có quay lại hay không”.

21h30, cảnh sát giao thông cầm loa gọi người dân thức giấc để tiếp tục đi về nhà. Xe máy bị hỏng được đưa lên xe cảnh sát trung chuyển gần trăm cây số. Phụ nữ có thai, trẻ em được chở riêng bằng xe thùng chuyên dụng của lực lượng cơ động. Trai tráng, thanh niên còn sức khỏe tiếp tục cầm lái.

Trong lúc đồng đội sắp xếp dẫn đoàn, cảnh sát giao thông điều tiết xe tải di chuyển chậm qua cầu Trung Hà, đảm bảo an toàn cho người dân.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ huy động 8 xe dẫn đoàn cùng nhiều chiến sĩ hỗ trợ Công an huyện Tam Nông để phân luồng người dân về quê. Tùy vào nơi cư trú, người dân sẽ được chia thành đoàn đi theo các hướng khác nhau.

Cách cầu Trung Hà 80 km, cùng thời điểm tại chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội), hơn 200 lao động hồi hương đang khai báo y tế, trước khi được lực lượng giao thông Hà Nội dẫn đường bàn giao cho phía Phú Thọ để di chuyển tiếp.

Trung tá Bùi Ngọc Anh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 8 ước lượng trong hai ngày 4 - 5/10, có khoảng 1.000 người hồi hương về các tỉnh phía Bắc. Tất cả đều khai báo y tế, tạo điều kiện qua chốt nhanh nhất.Theo trung tá Anh, đội thường xuyên liên lạc với cảnh sát giao thông Ninh Bình, Hà Nam để nắm số lượng, dự kiến giờ di chuyển để hỗ trợ dẫn đường và tiếp tế nước uống, đồ ăn.

Cảnh sát giao thông Đội 8 dẫn đoàn người đi xuyên thành phố Hà Nội và sẽ bàn giao cho phía Phú Thọ tại chốt cầu Trung Hà thuộc địa phận huyện Tam Nông.

Video ghép bài người dân kiệt sức
 
 

Cảnh sát dẫn đoàn người dân về quê. Video: Gia Chính - Hồng Nhiệm

Hồng Chiêu - Gia Chính - Phạm Chiểu