Anh Vân -
- Trong tiểu thuyết "Và khi tro bụi" của chị, người đọc cảm thấy sự ám ảnh về va chạm văn hóa và sự hụt hẫng của một thế hệ Việt kiều xa quê. Chị nói sao?
![]() |
Tiểu thuyết đầu tay của đạo diễn Đoàn Minh Phượng (NXB Trẻ, 3/2006) |
- Dĩ nhiên câu chuyện một phụ nữ bỏ nhà, bỏ cửa đi sống trên những chuyến xe lửa với 20 viên thuốc ngủ để sẵn trong túi không thể là một câu chuyện điển hình của Việt kiều xa quê. Nhưng sự hụt hẫng vì va chạm văn hóa và xa rời cội nguồn thì hầu như ai cũng có. Và mỗi người có một cách riêng để che giấu hoặc nói về sự hụt hẫng đó.
- Điều lớn nhất chị muốn nói ở tiểu thuyết này là gì?
- Mỗi người có một câu chuyện, mỗi người là một dòng sông, nó chảy từ nguồn ra tới biển. Dòng sông là thứ chúng ta không thể cắt khúc, rồi xóa đi khúc này khúc nọ được, nó cần có sự liên tục. Người đàn bà trong truyện lại làm như vậy với đời mình. Chỗ nào không vui thì xóa đi, bỏ đi. Đến khi cuộc đời quá nhiều lỗ hổng không lấp được, thì cô đơn không chịu nổi. Nhân vật chính trong Tro bụi sợ đau đớn, xóa đi những ký ức buồn của mình, vô tình xóa cả tình yêu.
- Bi kịch gia đình ông Kempf trong tác phẩm này liên hệ thế nào với bi kịch của nhân vật tôi?
- Khi viết, tôi nghĩ gia đình ông Kempf là tấm gương soi lại xã hội Đức trong mắt tôi, con mắt của một người lưu lạc vì xa xứ nhìn những người lưu lạc trên chính đất nước mình. Văn minh của họ dựng trên lòng yêu sự thật và trọng công bằng. Chiến tranh đã đem lại những đổ vỡ quá sâu cho những giá trị đó. Sau chiến tranh họ chỉ muốn quên và có một cuộc sống được bảo đảm về vật chất lẫn tình cảm. Sự an toàn và lòng can đảm là hai thứ khó đi chung với nhau. Tình yêu cần lòng can đảm.
Viết đến cuối truyện tôi mới nhận ra sự giống nhau giữa gia đình người Đức này và nhân vật tôi: Họ là những người tình cảm bị tê liệt vì từ chối quá khứ và trách nhiệm, họ đánh đổi tình yêu lấy sự an toàn.
- Có mối liên hệ nào giữa truyện ngắn "Tội lỗi hồn nhiên" của chị (một trong những truyện ngắn được bình chọn là hay nhất đăng trên báo Tuổi Trẻ) và phim "Hạt mưa rơi bao lâu"?
- Trong hai câu chuyện đều có một người phụ nữ không được phép đẻ con vì không có chồng. Ở Hạt mưa, người ta định mang đứa nhỏ thả trôi sông, trong Tội lỗi thì người ta bắt đứa con đi cho người lạ, thực ra có khác nhau nhiều đâu. Câu chuyện Hạt mưa xảy ra cách đây 200 năm, ở một nơi phong kiến; câu chuyện của Tội lỗi thì mới đây, ở một nơi tiên tiến, và là chuyện có thật đến từng chi tiết nhỏ nhất. Nếu dân làng trong phim Hạt mưa dửng dưng đến tàn ác, thì mọi người khác xuất hiện ở Tội lỗi, kể cả nhân vật tôi, tức là tác giả, cũng vậy.
- Tôi có cảm giác cả "Tội lỗi hồn nhiên", "Hạt mưa rơi bao lâu", "Và khi tro bụi" đều được viết ra trên cùng một tuyến tư tưởng. Chị nghĩ sao về ý kiến đó?
- Trong lúc viết, tôi luôn luôn nghĩ chủ đề mình đang viết là duy nhất và rất khác với những chủ đề trước. Nhưng sau khi viết xong một thời gian, bước ra một quãng xa nhìn lại, mới nhận ra cái điểm chung của tất cả những thứ mình đã làm. Lúc nào cũng có một người đã mất hoặc sắp mất câu chuyện của chính mình. Ý thức hay vô thức thúc giục người ấy đi tìm lại câu chuyện đó, nó là chuyện sống chết.
![]() |
Đạo diễn Đoàn Minh Phượng. Ảnh: Đoàn Thành Nghĩa |
- Có nhiều cảnh trong phim "Hạt mưa rơi bao lâu", người xem chờ đợi những phản ứng dữ dội, những giọt nước mắt, tiếng hờ khóc, quằn quại của người mẹ, người bà. Nhưng hình như chị đã tiết chế chúng. Ý đồ của chị là gì?
- Người đọc truyện dễ chấp nhận mình được tác giả kể lại một câu chuyện, nhưng phim thì khác. Tai thì nghe mắt thì thấy, nên người xem phim không nghĩ câu chuyện được kể lại mà họ chính là nhân chứng trực tiếp của những thứ đang diễn ra, nghĩa là phim cần phải hiện thực.
Nhưng phim Hạt mưa rơi bao lâu phá bỏ cái nguyên tắc này, tất cả các câu chuyện đều được người này hoặc người kia kể lại và theo tựa (tiếng Anh) của nó, phim kể về một phụ nữ đã hứa hôn với sự yên lặng. Tôi và Nghĩa (em trai của Đoàn Minh Phượng và là đồng đạo diễn của Hạt mưa rơi bao lâu - PV) muốn đẩy câu chuyện ra xa, muốn tạo một khoảng cách giữa người xem và nhân vật. Khóc lóc, quằn quại, la hét cũng như những khung hình quay cận... kéo người xem đến sát câu chuyện về mặt nhận thức cũng như tình cảm, là điều chúng tôi muốn tránh. Cuộc đời của người mẹ không trải ra trước mắt người xem. Đây là một câu chuyện đã chìm vào yên lặng, sau nhiều năm mới được kể lại.
- Tại sao chị chọn cái tên "Hạt mưa rơi bao lâu" cho tiếng Việt nhưng tiếng Anh lại là "Bride of silence"?
- Vì tên tiếng Việt không dịch được ra tiếng Anh. Trong khi trong âm "hạt mưa rơi" có thời gian, có cả thân phận người trong đó, khi đổi thành tiếng Anh nó chỉ còn lại nghĩa kỹ thuật, nghĩa là hầu như không có nghĩa.
- Nghe nói chị đang ấp ủ một dự án phim lấy bối cảnh là Hà Nội. Thực hư ra sao?
- Hà Nội có những phố đẹp hiếm có, cả miền Bắc có ánh sáng rất đẹp từ thu sang xuân. Ai mà không mong được đặt máy quay phim ở thành phố đó?
- Sinh ra ở Sài Gòn, sống, học tập và làm việc tại Đức, nhưng lại làm phim về Bắc Bộ, chị nghĩ sao về một bộ phim bối cảnh phương Nam?
- Miền Bắc "ăn ảnh" trong cả câu chuyện lẫn khung cảnh. Quay phim trong ánh nắng rực rỡ ở miền Trung và miền Nam khó, tôi và em trai Đoàn Thành Nghĩa sẽ làm phim trong này khi tay nghề vững vàng hơn.
- Nếu phải lựa chọn, chị sẽ chọn văn chương hay điện ảnh?
- Làm phim hay viết sách cũng để kể một câu chuyện. Tuy vậy, tôi cho rằng văn chương và điện ảnh là hai thứ khác xa nhau. Văn riêng tư hơn và sâu hơn, chữ viết có thể dẫn người đọc đến bất cứ tầng nào của nội tâm. Phim thì cần mang lại cảm giác và cái đẹp, không nhất thiết phải chất chứa quá nhiều ý tưởng. Tôi mong ước được làm cả hai nhưng biết trước là sẽ phải chọn một thôi. Tôi còn rất phân vân.
- Sống lâu năm ở Đức, chị nghĩ sao về việc dịch truyện mình và các tác phẩm văn học Việt sang tiếng Đức?
- Tôi có một bạn học cũ hiện dạy Việt Nam học tại một đại học lớn ở Đức. Anh ấy dịch văn Việt Nam ra tiếng Đức quá giỏi. Mỗi lần định dịch, tôi đều nghĩ là mình không thể nào cạnh tranh với anh ấy nổi. Dịch văn học khó lắm chứ. Nhưng truyện của chính mình thì may ra có thể làm được vì mình hiểu mình viết gì mà.
- Công việc và cuộc sống hiện giờ của chị ở Việt Nam là gì?
- Gia đình tôi có một xưởng gỗ, một xưởng may, một xưởng gốm. Chúng tôi làm và tự bán hàng của mình làm ra. Đó là công việc chính.
Anh Vân thực hiện