Đoàn khách Việt "biến mất" cuối tuần trước nhập cảnh Đài Loan trên các chuyến bay từ Hà Nội và TP HCM. Trong đó, du khách nhỏ tuổi nhất đoàn, xuất cảnh ngày 23/12, khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất. Em bé đi cùng người mang tên Vo Minh Kha (nam, sinh năm 1986).
Đài Loan đang xác minh 151 người Việt trong đoàn 153 khách này. Theo đó, đoàn có 50 nữ và 101 nam. Số người ở độ tuổi từ 20 đến 38 tuổi (1980 đến 1998) chiếm tỷ lệ cao. Ba người dưới 18 tuổi. Gần 20 người ở độ tuổi 9x là nữ.
Trong số các du khách nam, người nhỏ tuổi nhất là Doan Thanh Dat sinh năm 2001, người lớn tuổi nhất là Vo Van Hon, sinh năm 1956.
Hơn 10 trường hợp cùng ngày sinh là 1/1 trong hồ sơ.
"Người Việt Nam trùng tên khá nhiều. Do đó, ngày tháng năm sinh là thông tin tiếp theo mà các cơ quan cấp visa sẽ kiểm tra", ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Hanoi Redtours cho hay.
Theo ông Hoan, không chỉ với visa Quan Hồng mà ngay cả e-visa (visa điện tử), du khách khi điền thông tin mà không ghi ngày, tháng chỉ ghi năm sinh thường sẽ được các văn phòng cấp visa gọi đến để xác nhận, nhằm "tránh trường hợp dùng thông tin không đúng".
"Không chỉ riêng Đài Loan, nhập cảnh ở bất kỳ quốc gia nào đều bị kiểm tra nghiêm ngặt như vậy. Chúng ta không loại trừ những trường hợp có ý gian, muốn nhập cảnh trái phép mà làm lại giấy chứng minh với ngày sinh giả hoặc trùng tên", ông nói.
Khi nhập cảnh ở Đài Loan ngày 21/12, hơn 20 người mặc đồng phục in logo Golden Travel. Công ty này và công ty Twin Bright là hai đơn vị ở Hà Nội, cung cấp tour du lịch cho đoàn khách, đang bị cơ quan chức năng thanh tra.
Ba ngày trước, Đài Loan thông báo đoàn 153 khách Việt đặt chân đến đây có 152 người biến mất. Sau đó, họ phát hiện một người vẫn liên lạc được, 3 người khác đã chủ động bay về. Hiện, 17 người đã được tìm thấy, trong đó ít nhất 5 người ra trình diện. Cục Di dân Đài Loan đang tìm kiếm 131 người Việt còn lại.
Một số người bị bắt thừa nhận mục đích tới đây là làm việc kiếm tiền. Họ bàn bạc với bạn bè ở Đài Loan, sau đó mua tour và rời đi khi đến khách sạn ở địa phương.
Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch Việt Nam cho rằng đây là hình thức lợi dụng chính sách nới lỏng visa để trốn ở lại lao động trái phép. Bộ không loại trừ khả năng đã hình thành đường dây tổ chức đưa người Việt Nam đi nước ngoài bất hợp pháp.
Thanh tra của Bộ, Tổng cục Du lịch đang phối hợp với Sở Du lịch TP HCM và Hà Nội kiểm tra các doanh nghiệp liên quan. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ quốc tế (TP HCM), đơn vị cung cấp visa cho đoàn, bị đình chỉ giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế để phục vụ điều tra.