- Cảm giác của ông thế nào khi mỗi ngày đều nhìn thấy tuổi già đang đến với mình?
- Việc gì phải sợ. Tôi là người không bao giờ nghĩ tới tuổi, lúc nào cũng nghĩ mình chỉ độ 25-30. Xét công việc, phong độ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình không trẻ, chỉ khi cô nào chào "Bác ạ" mới giật mình, thì ra mình đã già. Chứ nếu gặp mấy cô diễn viên cứ nhảy lên chồm chồm gọi "Anh ơi", "Thày ơi" thì nghĩa là mình còn trẻ lắm.
Hiện giờ tôi vẫn đi như điên, một lúc làm tới 4-5 vở. Công việc dẫn mình đi, không cảm thấy bị ảnh hưởng bởi tuổi tác. Tôi vẫn háo hức, vẫn đầy ắp ý tưởng sáng tạo trong đầu. Nhiều người xem kịch bản của tôi thấy trong đó cả sự ngỗ ngược với những con người trẻ đầy sức sống. Tất nhiên, đến lúc không còn sức tôi sẽ làm ít đi, sẽ biết phải từ chối. Có ông thày tướng bảo tôi chỉ khi nào biết nói không thì Giang mới sướng. Nhưng tôi trông thế này mà cả nể, trong khi các đoàn vẫn nồng nàn mời mọc. Thực tế, có đạo diễn làm xong 1 vở thì thôi, còn tôi cứ được mời liên tục. Tại sao vậy? Phải nói hơi "yết kiêu" là có sự hấp dẫn, cách làm việc gì đó và hiệu quả nghệ thuật là điều chắc chắn phải có... chứ các đoàn không ngu gì bỏ ra 100-200 triệu đồng dựng vở.
![]() |
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
- Nhưng ông nghĩ sao nếu sự từ chối của ông sẽ tạo cơ hội cho những đạo diễn mới có dịp thử sức?
- Điều đó tôi không biết. Khi tôi từ chối, đoàn có mời đạo diễn mới hay không là việc của họ. Thực tế, không dễ gì các đoàn giao vở cho đạo diễn trẻ trừ khi đó là đạo diễn - giám đốc. Kinh phí đầu tư hẹp hòi, bỏ đồng tiền bát gạp ra họ còn phải lo toan cho đời sống sau này của vở diễn.
Năm nay, Hội Nghệ sĩ Sân khấu đang chuẩn bị tổ chức hội diễn cho đạo diễn trẻ. Nói một cách công bằng, đạo diễn trẻ bây giờ hơi ít, khẳng định tài năng cũng hơi ít. Đây là câu thật lòng, có làm các cô cậu ấy buồn tôi vẫn phải nói. Vào thời ông Dương Ngọc Đức, Đình Quang, Đình Nghi, thế hệ đạo diễn bậc thày của tôi, khi đang làm việc, các ông ấy phải thấy đằng sau lưng những Giang, Huyền, Hùng đang chạy rầm rập với hơi thở phả vào gáy nóng rừng rực. Còn bây giờ, tôi thấy gáy lạnh toát, và cũng chẳng có "thằng nào" chạy rầm rập đằng sau. Gậy tiếp sức cứ giơ ra mà không thấy ai thèm chìa tay bắt lấy. Đấy là một nỗi lo. Cũng như trong bóng đá, khi một thế hệ vàng đi qua rồi... ta phải chờ đợi. Nhưng không phải cứ chờ đợi là có, vì sân khấu là lĩnh vực của tài năng. Tài năng đã thiếu lại thiếu cặp mắt xanh phát hiện viên ngọc trong cát hay những cây gỗ quý trong rừng...
- Theo ông, đạo diễn sân khấu mới còn thiếu gì?
- Họ thiếu môi trường làm việc. Bản thân họ cũng thiếu trình độ nhất định. Tôi quan sát thấy họ đọc ít quá, học ít quá, hiếm lắm mới thấy thằng cầm trên tay quyển sách. Óc không được ăn thì cơ thể suy dinh dưỡng. Còn tôi, một ngày tôi đọc biết bao nhiêu đầu báo. Từ 15-20 năm nay, tôi đã hy sinh những buổi trưa không ngủ, từ chối nhiều cuộc vui để dành thời gian đọc, đêm thức đến 2-3h sáng để đọc, thu nhận thông tin từ nhiều luồng. Ở nhà tôi, sách từ dưới chân tường lên đến nóc nhà. Tôi trước kia, nói vui là ngồi như "một con chó" ở góc nhà hát xem các đạo diễn dựng vở, để háo hức, để được sống trong không khí kịch nghệ... Tôi thấy buồn, thấy cô đơn khi đằng sau lưng giờ là một đường dài hun hút không bóng người.
- Sao ông không tìm học trò để truyền nghề?
- Đã có thời gian tôi cho 5-7 người đi theo, nhưng buồn là họ không làm được việc. Tôi không giấu nghề, mà vì các đoàn phản ứng. Nhiều vở vỡ hoang xong, tôi giao cho trợ lý. Thế mà một tuần sau quay lại, ngổn ngang đủ thứ chuyện. Ngày trước, khi nhìn các ông thày làm việc, tôi từng tự nói rằng, mình sẽ đi qua ông này. Bây giờ có "thằng" nào nói bước qua Giang, tôi thích lắm. Một ông thày hay là phải có học trò bước qua mình, ấy là "con hơn cha là nhà có phúc". Tôi cũng không phải là người cầm quần mà kéo người ta lại, hay ngáng chân cho "nó" ngã.
- Doãn Hoàng Giang từng được (hay bị) đánh giá là kẻ phá chèo, cách tân cải lương... Nhưng gần đây, chưa thấy ông có đột phá, sáng tạo nào mới. Lý do gì vậy?
- Một thời các luồng dư luận ca ngợi, cả chửi bới, giờ không thấy có những cái đó tức là không có đột phá mới, điều này đúng. Vì sân khấu trước kia và bây giờ khác lắm. Con đường tôi đi hồi ấy nay đã được chấp nhận. Gần đây vẫn chỉ là những đột phá về sáng tạo chứ chưa có đột phá mang khuynh hướng lớn. Hãy chờ đến một lúc nào đó... Tôi đang ấp ủ ý tưởng kịch quảng trường, một thể loại mới hoàn toàn ở Việt Nam.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)