![]() |
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang. |
- Nổi tiếng về kinh nghiệm "tình trường", anh nghĩ sao nếu người ta nói anh là người dám sống?
- Tôi yêu và được yêu rất nhiều. Từ những cô vẫn thường nhảy lên hôn chụt vào má anh Giang trước toàn thể bàn dân thiên hạ, đến mấy cô thậm chí còn chấp nhận "chỉ yêu mà không được bắt anh Giang cưới"... Chẳng cuộc tình nào là không rắc rối, nhưng sau khi và trên hết, phụ nữ vẫn thật êm đềm, đủ để giúp đàn ông cân bằng cuộc sống. Nhiều người bảo tôi là "dại gái", nhưng tôi thà mang tiếng "dại gái" còn hơn là "khôn gái" như mấy tay quen thói đào mỏ đàn bà.
- Nổi tiếng là đạo diễn ăn khách, vậy mà đến giờ anh vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ. Tiền kiếm được anh để đâu hết?
- Chính tôi đôi lúc hình như cũng không biết tiền mình đi đâu. Đôi khi là đem chia sẻ bớt với anh em diễn viên, đôi khi là vì phụ nữ. Rồi thì một trời sở thích sưu tập của mình: máy ảnh, camera, bật lửa, bút, đồng hồ... mỗi thứ ít nhất cũng phải gần chục chiếc đến vài trăm chiếc, có cái bút hay cái bật lửa độc đến nỗi ngốn mất của tôi đến vài nghìn USD là chuyện bình thường.
- Vậy cung nô bộc của anh thì sao?
- Không phải là những vở kịch hay những tấm huy chương, điều tôi tự hào nhất có lẽ chính là cái cung này đây. Thời buổi bình đẳng mà tôi có người giúp việc nhà cho là quý lắm. Thế nhưng, đố ai biết họ đến nhà tôi làm nô bộc, bởi ai trông tướng tá cũng thong dong, xe máy cưỡi chạy ào ào. Có hôm tôi ghé nhà còn bắt gặp cảnh oshin nhà mình nằm khểnh điều khiển TV bằng chân. Vì thế, oshin nhà tôi quyết không chịu lặt vặt, thi thoảng xin xỏ thì xin rất ác: một cái áo da (áo da cơ đấy).
Nhưng nói cho vui thế thôi, giúp việc cho tôi cũng mệt lắm, vì nhà tôi có điều lệ hơi ngược so với các nhà khác. Bình thường có thể xin nghỉ cả tháng, nhưng Tết thì nhất định không. Bởi mỗi dịp Tết, nhà này được coi là "đại bản doanh" của giới sân khấu.
- Những ai từng ăn món giò anh làm đều có chung nhận xét: giò mỡ "made in Doãn Hoàng Giang" thậm chí còn ăn đứt mòn giò mỡ bày bán ở chợ Hôm. Anh có bí quyết nào mà hay vậy?
- Công thức thực ra cũng giống nhau cả thôi. Quan trọng là ở khâu gia giảm, khéo được thì ngon, vụng thì chịu dở. Bởi gói giò cũng như làm kịch, làm như một người thợ thì dễ, nhưng nâng tầm lên nghệ thuật mới khó. Nghệ thuật đó là gì? Đó là bó không cần nén, vẫn chặt.
- Đứng trước một cô diễn viên anh đang "dại", anh sẽ "nén" mình thế nào?
- Đời làm đạo diễn của tôi đúng thực là không thiếu những lúc phải đứng trước những tình huống khó xử như thế. Nhưng cũng đừng trách chị em diễn viên, khi mỗi năm thường mỗi đoàn chỉ được dựng một vở, dăm năm mới có một kỳ hội diễn, mà ở người phụ nữ, nhất là ở một nghệ sĩ, mỗi năm cái tuổi nó đuổi xuân đi, xót lắm chứ, khát khao lắm chứ... Tôi thậm chí cũng không dám trách họ, ngay cả khi những khao khát ấy được thực hiện bằng một gói tiền để trên bàn. Nhưng cứ như một huấn luyện viên, nếu xếp sai đội hình thi đấu, ngay lập tức cái anh nhận được chắc chắn là thất bại của đội. Một vở kịch cũng vậy, ai phải được đặt đúng chỗ ấy. Vì vậy, đã có lúc, tôi phải chấp nhận bị một cô cào rách tay và khóc tấm tức dọc đường về chỉ vì: "Sao anh Giang không giao vai chính cho em?". Thà chịu vậy còn hơn là để cả đoàn phải khóc vì thất bại.
- Anh đang thực hiện những gì với các tác phẩm của mình?
- Một người hùng làm kinh tế dám dấn thân vào cái mới, có lúc cô độc, có lúc thất bại, nhầm lẫn nhưng cái chính là bản lĩnh của anh ta, khát vọng đổi mới ở anh ta trong lý tưởng dựng xây cuộc sống mới, giữa thời buổi thị trường nhiều bon chen, cạm bẫy. Đó là điều chúng ta cần nâng niu, trân trọng. Đấy cũng là bức thông điệp chính của vở Người cần được bảo vệ. Còn với Người đàn bà uống rượu, lại là câu chuyện về mẫu người dám sống khác: Một cựu thanh niên xung phong, sau bao thua thiệt bởi chiến tranh, lại tiếp tục gánh chịu những thua thiệt do miệng lưỡi của người đời trước cái tội "chửa hoang" của chị. Thế nhưng, tuyên ngôn sống cứng rắn của chị là: Một khi đã dám có mặt ở Trường Sơn thì không có cái gì bây giờ không dám làm, không dám vượt qua". Xây dựng thành công những hình tượng ấy là điều không hề đơn giản.
- Hai mẫu nhân vật đều không mới, anh đã làm cách nào để thuyết phục công chúng?
- Một thời, chúng ta giữ cái nhìn cảm thương cho nhân vật Thị Kính và chĩa hết phê phán sang nhân vật Thị Mầu. Còn hôm nay, chúng ta có thể nói gì mới hơn về Thị Kính? Có một câu mà tôi rất tâm đắc: Một khi anh đã cam phận làm thân con giun, thì anh đừng bao giờ trách bàn chân con người đã dẫm lên anh mà trước hết, hãy tự trách mình.
- Anh nghĩ gì về những đạo diễn trẻ - những người mà đứng trước cái bóng của Lê Hùng và Doãn Hoàng Giang, đã không ít lần phải ngậm ngùi cất đi khao khát dựng vở, làm nghề?
- Chuyện gần như là bất khả kháng chừng nào sức ép huy chương tại mỗi kỳ hội diễn còn đè nặng lên mỗi đoàn, và đó còn bị xem là "điều kiện vàng" để các đoàn nhận được sự đầu tư vào năm sau. Sẽ rất khó trách được ai, nếu như chừng nào chúng ta còn chưa phân ra các sân chơi công bằng U30, U40... như bên bóng đá. Chỉ như thế, các đạo diễn trẻ mới dễ có được cơ hội thử sức xứng đáng cho mình, những cơ hội mà ngay cả lớp chúng tôi, vào thời kỳ sân khấu thăng hoa nhất, cũng phải phấn đấu mướt mồ hôi mới có được.
(Theo Đẹp)