- Nghe nói các bầu show sân khấu phía Nam không còn “chuộng” Doãn Hoàng Giang...
- Thật thế à? Đúng là gần đây số vở dựng của tôi không nhiều như trước. Nhưng không có nghĩa là tôi bị “tẩy chay”. Tính tôi xưa nay vốn cả nể. Hễ đoàn nào mời là “gật” liền không cần suy nghĩ. Nếu là đàn bà con gái chắc là... chửa hoang khối lần rồi!
Giờ là lúc tôi phải tập nói chữ “không” - hơi muộn nhưng cần thiết. Thầy tử vi bảo khi nào tôi biết “giữ giá” thì đời tôi mới sướng. Gần đây nhất, tôi vừa từ chối dựng cho Sân khấu kịch Sài Gòn và Đoàn chèo Thái Bình.
![]() |
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang. |
- Nhưng có lần, ông ngồi một mình dưới hàng ghế khán giả mà không ai hỏi thăm...
- Ấy là vì Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã ban hành một cái quy chế hết sức... dở hơi. Người ta cấm các đạo diễn không được dựng quá hai vở trong một hội diễn, tức là phở ngon thì không được ăn quá hai bát - một sự cào bằng hết sức phi lý.
Hệ quả là rất nhiều vở của tôi phải “mai danh ẩn tích” dưới tên người khác. Và tất nhiên cái đoàn ấy, ông đạo diễn ấy phải tìm cách “bơ” tôi đi để các quan chức Cục Nghệ thuật khỏi... sinh nghi.
Nhân chuyện này, tôi muốn nói rằng trong nghệ thuật cũng như trong cuộc đời, nhiều khi “trâu buộc ghét trâu ăn”. Nhiều người còn bảo Doãn Hoàng Giang chuyên đi “gạ gẫm” các đoàn để được dựng vở, rồi Giang uống rượu như uống nước lã... Chính cái sự cào bằng, ghen ghét, đố kỵ, không chịu thừa nhận nhau mà văn chương nghệ thuật của mình rất khó bay cao, bay xa.
Nói một cách hoa mỹ thì ở VN, cửa thiên đường mở toang nhưng đố thằng nào đặt chân được vào, vì hễ cứ ngo ngoe định ngoi lên thì lập tức sẽ bị thằng khác kéo xuống. Tôi rất thích một tứ thơ của Tagor: Ngọn cỏ tìm bạn bè dưới đất, cái cây tìm sự cô đơn trên trời. Cây càng vươn lên cao, càng vươn về nỗi cô đơn.
- Nhiều người nhận xét một số vở của Doãn Hoàng Giang cũng đầy những màn tấu hài nhặng xị và thủ pháp bục, bệ được lặp đi lặp lại đến sáo mòn. Ông nghĩ sao?
- Ngay như bóng đá, có trận mình đá hay, có trận mình đá dở. Huống hồ là nghệ thuật - một thứ vốn rất mơ hồ... Nhưng vì vở diễn là con đẻ của tôi nên chúng không thể không giống tôi. Tất nhiên nếu tôi bảo đứa nào của Giang cũng xinh tươi hệt nhau thì đúng là... nói bậy. Mà tôi lại chạy “sô” quá nhiều.
Nôm na là tôi có 10 thằng con thì tôi cố tình cho 7 thằng đi gánh đất, đi buôn, học hành không đến nơi đến chốn để nuôi 3 thằng tử tế học đến thạc sĩ, tiến sĩ. Đấy là lý do vì sao tôi làm nhiều món tấu hài và đôi khi lặp lại sân khấu bục, bệ...
- Vậy ông giải thích thế nào về việc khi đang ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, ông tự trao 4 giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN cho 4 vở của mình?
- Chính xác hơn là giải cho các đoàn. Nhưng “ác” cái là ông Giang dựng nhiều quá nên giải nó cứ “rơi” vào. Ông Giang dựng Người bảo vệ công lý cho đoàn Thanh Hóa, báo Lao Động cho một bài khen “đứt lưỡi”, chẳng nhẽ không trao giải cho cái đoàn ấy à? Rồi những vở khác nữa...
Trên danh nghĩa là trao giải cho vở của ông Giang chứ tôi thề là trên thực tế tôi chả “xơ múi” quái gì! Mà trong tình trạng phần lớn các đoàn đều lụi bại thì mình cho người ta cái giải dăm ba triệu, anh em được bữa liên hoan, cũng đỡ... tủi thân. Thế nên nhiều người ghét ông Giang, rồi bảo là ông ấy tham.
Nhưng danh vọng tôi đã có đủ. Tiền tài tôi cũng không thiếu. Có lần, người ta còn đề nghị xét tặng tôi giải thưởng Hồ Chí Minh. Giải to quá, lại khiến tôi... sợ. Vì thấy giải này toàn trao cho các “đấng”, “bậc” tuổi cao, có nhiều đóng góp. Tôi thì rất sợ bị... già.
- Nhưng thực tế dù Doãn Hoàng Giang có được coi là đạo diễn hàng đầu thì nền sân khấu đương đại VN, nhất là sân khấu miền Bắc, vẫn cứ nhợt nhạt và trì trệ... Ông nói sao về điều đó?
- Đấy là một mớ bùng nhùng mà lâu nay chúng ta mãi loay hoay không gỡ ra được. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là cơ chế quản lý nghệ thuật không dám chấp nhận những đột phá táo bạo và mắc bệnh thích thành tích. Nếu cho tôi làm một ông cục trưởng hoặc một ông bộ trưởng nào đó trong một ngày, tôi sẽ tổ chức hẳn một hội diễn chỉ dành cho các đạo diễn trẻ U20-30. Ông Giang “bắn” ra ngoài làm cố vấn. Chẳng cần phải trao giải hay lấy thành tích gì cả!
Lúc đó, bọn trẻ tha hồ có cơ hội thể nghiệm. Sân khấu mình sẽ đa dạng và “hay ra phết” chứ không đơn điệu, trì trệ vì chỉ có vài ba gương mặt Giang, Hùng (đạo diễn Lê Hùng) như bây giờ. Ngoài ra, tôi sẽ hào phóng rót tiền cho bọn trẻ để chúng làm vở. Nếu một, hai lần, chúng làm không hay thì cứ tạm độ lượng...
Chứ Hội Nghệ sĩ sân khấu của tôi chỉ là hội đoàn thể, “vui vẻ” một tí, không kinh phí, tiếng nói không có trọng lượng thì làm được gì? Động đến vấn đề chuyên môn, cơ quan quản lý cũng chẳng buồn hỏi qua “thằng” Giang này một câu... Thế nên mới có nhiều vở hay bị chết oan uổng.
- Phát ngôn hùng hồn thế, ông không sợ làm mếch lòng người khác sao?
- Tôi không nói phét đâu. Người Việt mình bản tính ôn hòa, thích an phận thủ thường. Cái gì nói ra “đụng chạm” là rất... ngại. Mà anh nào dễ “bắt nạt” thì cứ “bắt nạt” mãi. Ví dụ như Liên đoàn Bóng đá VN. Tôi thấy báo chí - cũng là một thứ quyền lực, “đánh” họ tơi bời quá. Tất nhiên không có lửa thì không có khói. Nhưng tôi cứ thấy... tồi tội cho họ. Vì họ “nhũn” quá, vì họ thích an phận, không dám “khai chiến” bằng cách “cấm cửa” nhà báo nào mon men đến Liên đoàn. Cũng giống như văn nghệ sĩ mình và các tác phẩm họ viết ra...
- Cả đời vác sứ mệnh sân khấu, ông cảm thấy thế nào?
- Tôi đã nghĩ đến người kế cận. Nhưng chưa thấy gương mặt nào khả dĩ, ngoài dăm cái mặt đã mòn nhẵn. Miền Bắc có Lê Hùng, Xuân Huyền. Miền Nam cũng chỉ có Đoàn Bá, Trần Ngọc Giàu. Tôi cũng muốn có dịp nghỉ ngơi. Có thể tôi sẽ dành 1-2 năm để viết bài bình luận bóng đá cho các báo và viết cả thư ngỏ gửi Liên đoàn Bóng đá VN...
Nhưng bây giờ thì tôi chưa hình dung ra cái ngày tôi sẽ thong dong ngồi câu cá hay cầm bình ô-doa đi tưới cây. Cuộc sống của tôi là ở... đầu đường xó chợ. Con người tôi ào ạt như gió. Vì thế, nếu có chết, tôi cũng muốn được chết ngay trên sàn diễn!
- Thế còn hạnh phúc riêng của ông?
- Tôi không có người phụ nữ của riêng mình. Người phụ nữ nào trót dan díu với cuộc đời tôi cũng sẽ rất khổ. Vì tôi không muốn là người của riêng ai cả. Tôi thích cuộc sống tự do.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)