- Ông có ý kiến gì với hội diễn lần này?
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang.
- Tôi không đồng tình với một số điều trong quy chế về hội diễn. Điều thứ nhất là quy chế “không chấp nhận đề tài dã sử, dân gian”. Theo tôi, đề tài dân gian, dã sử là mảnh đất màu mỡ cho cải lương nói riêng và cho nghệ thuật nói chung. Thí dụ, truyện Tấm Cám, Trọng Thủy - Mỵ Châu, Phù Đổng Thiên Vương... chẳng hạn. Qua hư cấu, truyện dân gian thể hiện niềm ao ước, sự khao khát của con người. Đưa những câu chuyện này vào sân khấu không phải để viết lịch sử mà thông qua vở, muốn nói điều gì với người xem. Cấm đoán đề tài này là tự hạn chế mình.
Điều thứ hai, quy chế “chỉ cho phép mỗi đạo diễn hai vở” cũng không được chuẩn lắm. Đoàn nghệ thuật nào khi làm vở cũng muốn làm được hiệu suất cao nhất. Thực khách bỏ tiền ra, ai cũng muốn được ăn một bát phở ngon. Không thể cấm một hàng phở ngon mỗi ngày chỉ được bán từng ấy bát! Đây là một quy chế... dở hơi. Mà xin lỗi, thực hiện làm sao được, rõ ràng là chẳng thể làm được. Mục đích của quy chế này là nhằm hạn chế một vài đạo diễn làm nhiều mà làm ẩu và nâng đỡ một số đạo diễn trẻ không được hành nghề. Nếu muốn nâng đỡ thì nên tổ chức một cuộc hội diễn dành riêng cho lứa tuổi U40, U50 chẳng hạn. Có một thực tế là có đạo diễn đi học nước ngoài về hẳn hoi mà không ai mời dựng. Các đơn vị nghệ thuật đi diễn khắp nơi, họ biết đạo diễn nào phù hợp với khán giả của họ.
- Trong tình hình cải lương hiện nay, ông đánh giá thế nào về quãng thời gian cứ 5 năm một lần hội diễn?
- Hội diễn vẫn là quá cần thiết, nếu như qua đó, ngành chức năng có thể kiểm tra lại tình hình các đoàn, kiểm tra trình độ nghệ sĩ, từ tác giả, đến đạo diễn, diễn viên... Đây cũng là dịp để những người làm nghề gặp nhau hàn huyên, trao đổi kinh nghiệm. Có nghệ sĩ, không hội diễn, không bao giờ được gặp nhau. Tuy nhiên, muốn kiểm tra thực sự thì phải đưa đi những tiết mục hay nhất mà đoàn đang có. Chứ như hiện nay, để tham gia hội diễn, người ta vội vàng dựng vở mới, mời diễn viên chỗ này, chỗ nọ về tăng cường. Họ cố gồng lên vì đó không phải là khuôn mặt thật, khi về, trở lại tình trạng rệu rã như cũ. Có những đoàn bao nhiêu năm không hoạt động gì, đem tới hội diễn một vở rất hay, ai cũng khen, xong là tan.
Hệ thống giải thưởng như hiện nay cũng khiến người ta dễ bị áp lực. Có đoàn bị lãnh đạo địa phương đe dọa: “Không có HCV thì đi luôn, đừng về!”, thành ra hội diễn trở thành một cuộc chạy đua sĩ diện, chạy chọt. Sau hội diễn, cần có cuộc hội thảo để rút ra những bài học về tác giả, đạo diễn, diễn viên, để nghe xem khán giả cần gì ở họ và họ cần gì ở nhau, cũng như để biết từng địa phương đang gặp khó khăn thế nào? Chứ như hiện nay, một bản tổng kết được viết vội vã sau hội diễn không tác động gì được tới đời sống sân khấu cũng như xã hội. Ở bóng đá, sau mỗi Mundial, Euro, đời sống các câu lạc bộ đổi khác, các đội tuyển thay đổi, người ta đưa ra các kỷ lục cao hơn, xa hơn... Còn hội diễn, rút cuộc gặp nhau để chơi, không rút được bài học gì, đâm ra phí phạm.
- Theo ông, vì sao cải lương lại sa sút đến vậy?
- Cải lương đừng tự ái, phải thẳng thắn nhìn ra thảm cảnh của mình. Về miền Nam, đi đâu tôi cũng nghe hát vọng cổ. Vậy thì sao người ta lại quay lưng với cải lương ngay trên mảnh đất vốn mệnh danh là cái nôi cải lương? Khán giả đã quay lưng, đó là sự thật, đừng nói khác để ve vãn nhau, đừng tự dối lòng mình! Tôi rất “ơn” người nào đặt nền cho sân khấu cải lương. Cải lương là luôn cải biến để ngày càng tốt đẹp. Đó là tiêu chí, là mục đích để người làm cải lương noi theo. Cải lương có sức hấp dẫn rất vĩ đại, tràn ngập khắp nơi, đã làm mê đắm cả những nơi xa xôi ở đất Bắc. Không có một nơi nào ở miền Nam có đoàn chèo nhưng tất cả các địa phương miền Bắc đều có đoàn cải lương! Nó quyến rũ vậy mà tại sao bị từ chối? Tôi cho rằng đó là vì khán giả đã “cải lương” rồi mà người làm cải lương không làm cho đầy thêm vốn liếng. Tôi thử đưa organ vào chèo liền bị phản đối nhưng cải lương tiếp nhận được mọi thứ, từ organ, violon... “ăn” một cách rất tiêu hóa.
Khi viết hay nói một câu gì bi lụy, sáo rỗng, người ta thường chế giễu: “giống... cải lương”! Cải lương hãy xem lại cái “gu” thẩm mỹ của mình. Lời thoại đầy sáo ngữ không nội dung, khó lọt vào lỗ tai người nghe hiện đại ngày nay. Lời cải lương phải nâng lên tầm bay bổng, triết lý, sang trọng, chí ít là như ca từ của Trịnh Công Sơn. “Gu” thẩm mỹ của một số nghệ sĩ cải lương cũng “có vấn đề”. Đàn ông con trai mà bơm môi, sửa má, ăn mặc lòe loẹt, không chuẩn về mặt thẩm mỹ. Sân khấu tả theo kiểu ấy đã đi qua rồi. Con người hiện đại tiến tới mục đích nhanh hơn người cổ. Họ sống trong thời kỳ bùng nổ thông tin nên cần một “gu” thẩm mỹ hiện đại, tiết tấu nhanh, cung cấp cho họ lượng thông tin nhiều nhất. Những bài ca cổ cải lương có những điều còn rất hay nhưng cũng có những điều đã mai một. Cải lương phải dám bỏ cái cũ, sáng tác cái mới. Cải lương xưa đâu phải từ trời rơi xuống mà là do các cụ, mỗi người nghĩ ra một ít mà thành, đến lượt chúng ta tại sao không tiếp tục sáng tác!
Một nền nghệ thuật mà bị lớp trẻ từ chối là một nền nghệ thuật “có vấn đề”. Không ai làm nghệ thuật với mục đích để phục vụ người già cả! Người trẻ tốt sẽ có mấy chục năm để sống tốt, người trẻ xấu sẽ có nhiều chục năm làm xấu. Không cây nào sống dưới bóng râm của cây khác mà khá lên được. Cải lương nếu vẫn sống trong bóng râm của nền cải lương xa xưa thì không thể lớn. Cái mới chỉ hình thành khi dám đập phá một số cái cũ.
- Vậy thì, những vở cải lương ông dựng có số phận ra sao?
- Trong số hơn 300 vở tôi đã dựng, có đến hơn một phần ba là cải lương. Không cứ gì cải lương mà hầu hết những vở của tôi đều luôn có một đời sống rất tốt. Tôi luôn cố tạo sự hấp dẫn bằng tiết tấu, đem tuyên ngôn cho lớp trẻ. Vở tôi dựng xong không phải là xong mà luôn có hợp đồng diễn. Vở nào diễn yếu, 20-30 buổi, tôi coi như thất bại. Một vở của tôi trung bình được diễn từ 100 đến 200 buổi.
- Gần 35 năm miệt mài trên sàn dựng, người ta ngạc nhiên vì thấy ông vẫn rất “máu”. Bản thân ông cảm thấy thế nào?
- Chưa cảm thấy mệt mỏi vì khi làm, tôi bị công việc cuốn đi, có khi dựng cả đêm, quên hết tuổi tác, bệnh tật. Sức mạnh ở đâu bỗng nhập vào làm tôi như mê đi. Con trai tôi bảo thôi bố nghỉ, đi biển chơi với con một chuyến. Vậy mà bao nhiêu năm, bố con tôi chẳng đi nghỉ được với nhau. Tôi sẽ làm việc cho đến khi không còn sức nữa thì thôi. Tôi thèm được chết giữa lúc đang la hét trên sàn tập. Tôi không hình dung được có lúc nào mình phải nằm bệnh, đi vật vờ, hay mặc vào người bộ quần áo bệnh viện. Khẩu khí không rực lửa, không phải là tôi.
- Mọi người nói rằng ông cô đơn vì bị không ít kẻ ganh ghét, ông nghĩ sao?
- Chẳng ai vui vẻ với nỗi cô đơn cả. Nhưng tôi chấp nhận sự cô đơn. Người thương yêu tôi thì nhiều và người tức tối với tôi cũng không ít. Sự tị hiềm trong giới làm nghệ thuật là điều không tránh khỏi... Nhưng như nhà thơ Tagor đã viết: “Ngọn cỏ tìm bạn bè dưới đất, cái cây tìm sự cô đơn trên trời. Cây càng vươn lên cao, càng vươn về nỗi cô đơn”. Cây vươn lên cao khỏi đồng loại càng bị gió nhiều, mưa nhiều, bão tố nhiều. Đó là quy luật. Nói như một ai đó: “Tôi vịn vào câu thơ ấy để tôi sống”. Chính câu thơ trên của Tagor đã nâng đỡ tôi.
(Theo Người Lao Động)