Vợ chồng chị Trang kết hôn năm 2015. Anh lao động tự do, chị là công nhân gần nhà. Họ có hai con, đủ nếp, tẻ và một ngôi nhà mái tôn 40 m2 trên mảnh đất nhà ngoại cho.
Vài năm nay, vợ chồng chị liên tục xảy ra những bất đồng. Cả hai đều muốn dừng lại nên đồng thuận gửi đơn ly hôn ra tòa. Nhưng tháng 3/2024, Huy Hoàng, con trai 5 tuổi của họ đột nhiên sốt cao mãi không dứt, không va vào đâu người vẫn đầy vết bầm tím. Trang đưa con đến bệnh viện địa phương, được bác sĩ chuyển về bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM.
Bác sĩ kết luận bé Huy Hoàng bị bệnh suy tủy xương vô căn, một dạng ung thư.
Hai tháng đầu nhận tin con mắc bệnh hiểm nghèo, Trang không ngủ, sụt 4 kg, đôi mắt sưng húp. Khi biết con mắc bệnh hiểm, chị muốn giữ lại cho bé một gia đình nên đề nghị dừng chuyện ly hôn. ''Nhưng chồng cũ nói hãy giải thoát cho anh'', chị kể.
Ngày ra tòa, con gái lớp 3 của chị cũng đứng giữa hai lựa chọn, về với bố hay ở với mẹ và em trai. Không muốn xa em đang ốm, cô bé chọn ở với mẹ.
Trang ôm con, quệt nước mắt, bắt đầu một hành trình mới của cuộc đời. ''Tôi đã có lúc nghĩ hay là chết, nhưng phải sống vì hai đứa con'', chị kể.

Mẹ con chị Trang dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh gia đình cung cấp
Có hai giải pháp điều trị cho con trai buộc chị Trang phải lựa chọn: điều trị bằng ức chế miễn dịch hoặc ghép tủy. Nhưng để ghép tủy của người nhà, chị phải mất chi phí 800 triệu đến một tỷ đồng. Số tiền tăng gấp đôi nếu phải mua tủy. Nữ công nhân có mức lương 5 triệu đồng chọn phương án đầu tiên, dẫu biết chưa chắc con mình có thể đáp ứng thuốc.
Trang vẫn làm công nhân, chỉ xin nghỉ mỗi lần đưa con đi điều trị. Nhưng tháng làm được hơn chục ngày, thu nhập của chị không đủ tiền chợ. Nhiều tháng liền, tiền thuốc men, đi lại, chị dựa cả vào lòng tốt của người thân, xóm giềng và những người xa lạ.
Chị Lê Thị Phúc, 41 tuổi, chị gái Trang, kể biết cháu gặp bệnh hiểm nghèo, 6 anh chị em còn lại trong nhà cũng đỡ đần, đứng ra kêu gọi chòm xóm, đồng nghiệp để thêm vào tiền viện phí.
''Ba mẹ tôi ngoài 70 tuổi. Ông bà bán cả bốn con bò, đàn dê và vườn điều lấy tiền cho cháu chữa bệnh nhưng vẫn không thấm vào đâu'', chị kể.
Khó khăn không dừng lại, sau 6 tháng điều trị, bác sĩ kết luận bé Huy Hoàng không đáp ứng thuốc. Con chỉ còn cơ hội sống nhờ ghép tủy. May mắn, tủy của chị gái bé tương thích 100% với em trai. Cô bé cũng nói ''ráng chịu đau cứu em'', dù rất sợ ''cây kim khổng lồ'' chọc vào cơ thể.
Thế nhưng, mẹ của chúng không có tiền.
''Điều tôi đau đớn nhất là để các con phải chịu nhiều tổn thương cả thể chất lẫn nỗi đau tinh thần khi còn quá nhỏ'', chị nói.

Chị Trang chăm con tại bệnh viện, hôm 22/2. Ảnh gia đình cung cấp
Hiện tại, tháng hai lần, chị đưa con đến bệnh viện điều trị giảm nhẹ, tiêm tiểu cầu, truyền máu. Công việc bấp bênh do phải nghỉ nhiều, thu nhập không đủ đóng tiền bảo hiểm xã hội, chị Trang phải xin nghỉ, lấy quần áo lên mạng bán online. Những ngày con không ở viện, chị chở hàng ra chợ, xin chỗ ngồi bán, kiếm đủ tiền ăn ngày ba bữa cho ba mẹ con.
Ông Vũ Đình Quang, trưởng thôn Sơn Hòa, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức, cho biết tình cảnh của mẹ con chị Trang đang rất khó khăn, khi chị vừa là lao động chính, lại vừa phải chăm sóc cho con ở bệnh viện.
Con gái Trang mong có một phép màu cứu sống em trai, nhưng chị biết không phép màu nào lớn hơn lòng tốt của những người xa lạ.
"Tôi chỉ mong có thể cứu được mạng sống của con. Các con khỏe mạnh, làm gì, vất vả thế nào tôi cũng vượt qua để nuôi con'', chị nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.
Phạm Nga